Giá lợn hơi giảm nhẹ, nhập khẩu thịt lợn tăng
Khảo sát của Kinh tế & Đô thị cho thấy, trong tháng 10/2024, giá lợn hơi ở các tỉnh, thành phố dao động trong khoảng 61.000 - 69.000 đồng/kg. Bước sang tháng 11/2024, giá lợn hơi có xu hướng giảm nhẹ (giảm 3.000 - 5.000 đồng/kg) trên cả 3 miền.
Một trang trại chăn nuôi lợn tại xã Văn Đức, huyện Gia Lâm. Ảnh: Ngọc Ánh
Cụ thể, hiện tại, giá lợn hơi tại khu vực miền Bắc dao động trong khoảng 62.000 - 64.000 đồng/kg. Tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, giá lợn hơi dao động trong khoảng 60.000 - 63.000 đồng/kg. Tương tự, tại khu vực miền Nam, giá heo hơi dao động trong khoảng 60.000 - 63.000 đồng/kg.
Theo báo cáo đánh giá của Bộ NN&PTNT, trong quý III/2024, thị trường thịt trong nước không có biến động lớn, nguồn cung cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng. Chăn nuôi lợn vẫn tăng trưởng, nhưng trong tháng 9/2024 hậu quả từ cơn bão số 3 (Yagi) tại miền Bắc và dịch tả heo châu Phi khiến nhiều chuồng trại bị hư hỏng, thiệt hại về lứa lợn chuẩn bị cho dịp Tết.
Ngược lại, trong khi nguồn cung thịt lợn trong nước không cao thì lượng nhập khẩu thịt lợn có dấu tăng trở lại. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, chỉ tính riêng trong quý III/2024, Việt Nam nhập khẩu 32.000 tấn thịt lợn, trị giá 72,51 triệu USD, tăng 17% về lượng và tăng 18% về trị giá so với quý II/2024; nhưng so với quý III/2023 giảm 32,4% về lượng và giảm 39% về trị giá.
Người tiêu dùng chọn mua thịt lợn tại siêu thị. Ảnh minh họa
Nhập khẩu thịt lợn có xu hướng tăng trở lại từ tháng 5/2024 cho tới nay. Brazil, Nga, Canada, Đức và Hà Lan là những thị trường cung cấp thịt lợn lớn cho Việt Nam trong quý III/2024. Trong đó, Brazil là thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam với lượng đạt 11.800 tấn, trị giá 28 triệu USD, tăng 9,6% về lượng và tăng 16,9% về trị giá so với quý II/2024; nhưng so với quý III/2023 giảm 43% về lượng và giảm 45,6% về trị giá.
Nguồn cung thịt lợn cần tăng thêm 10 -15% đáp ứng nhu cầu thị trường
Hiện, sản lượng lợn nuôi trong nông hộ nhỏ lẻ giảm còn 35 - 40%, sản lượng lợn nuôi trong hộ chuyên nghiệp và trang trại đã chiếm tới 60 - 65%. Theo khuyến cáo từ Bộ NN&PTNT, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong vùng xảy ra dịch không nên tái đàn bằng mọi giá, vì mầm bệnh vẫn tiềm ẩn, nguy cơ thiệt hại cao.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, nguồn cung thịt lợn của Việt Nam những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2025 cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước, nên dự báo nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt nói chung, thịt lợn nói riêng sẽ không tăng đột biến. |
Để đảm bảo cân đối nguồn cung - cầu, nhất là dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nguồn cung thịt lợn sẽ phải tăng thêm từ 10 - 15%. Vì thế, đây là thời điểm các đơn vị chăn nuôi tập trung tái đàn. Nhưng muốn tái đàn bền vững, đảm bảo được nguồn cung thì công tác phòng ngừa dịch bệnh là yếu tố tiên quyết.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán cho biết, việc tái đàn lợn cung ứng cho Tết Nguyên Đán 2025 đã bắt đầu từ tháng 9 nhưng tại Đồng Nai hiện chỉ có khoảng 50% số hộ dân tái đàn, số hộ còn lại chọn tái đàn vào giữa tháng 10, khi giá con giống có xu hướng giảm nhẹ. Việc tái đàn chậm hơn 1 tháng so với dự kiến có thể dẫn đến nguy cơ khan hiếm nguồn cung thịt lợn trong dịp Tết Nguyên đán tới, đẩy giá thịt tăng cao.
Không chỉ dự báo thiếu hụt trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, hiện địa phương này cũng giảm khoảng 20% lượng lợn cung ứng cho TP Hồ Chí Minh, chỉ còn dưới 4.000 con/ngày.
Còn theo Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Xuân Dương, giá heo hơi biến động thất thường cũng là một trong những lý do khiến người chăn nuôi dè dặt. Cụ thể, trong tháng 10, giá lợn hơi dao động từ 66.000 - 67.000 đồng/kg, nhưng nửa tháng trở lại đây, giá giảm còn 60.000 - 64.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi không có dấu hiệu giảm, khiến mỗi con lợn bán ra chỉ ở mức hòa vốn hoặc lợi nhuận chỉ đạt 100.000 - 200.000 đồng/con. Mặc dù người chăn nuôi vẫn có lãi ở mức giá trên 60.000 đồng/kg, nhưng với tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều hộ vẫn lo ngại rủi ro mất trắng khi đầu tư tái đàn.
Đề cập về giải pháp đảm bảo nguồn cung, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, dịp cuối năm và cận Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhu cầu tiêu dùng thịt lợn dịp sẽ rất lớn. Do đó, ngay từ đầu quý III/2024, Bộ đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi, Cục Thú y và các địa phương cần chủ động từ sớm, từ xa, cũng như tập trung đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và kiểm soát tốt dịch bệnh; xây dựng ngành hàng thịt lợn theo chuỗi liên kết, hài hoà lợi ích giữa các thành phần tham gia.