Giá vàng tăng mạnh
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới tại thị trường Mỹ đứng quanh mức 1.743 USD/ounce, giảm gần 12 USD/ounce so với chốt phiên trước tại thị trường này.
Trước đó, chốt phiên ngày 8/4, tại thị trường Mỹ giá vàng đã leo lên mức gần đỉnh 3 tuần tại 1.754 USD/ounce.
Nguyên nhân khiến giá vàng tăng phiên ngày thứ 5 lên gần mức đỉnh 2 tuần, xuất phát từ sự thận trọng của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn giữ lãi suất đồng USD ở mức gần bằng 0% và duy trì mua 120 tỷ USD trái phiếu cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đêm qua giá vàng đã quay đầu giảm đánh mất mức đỉnh 3 tuần. Nguyên nhân là do, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ tuần qua đã giảm xuống 682.000 đơn, giảm so với mức 719.000 đơn được dự báo trước đó.
Tuần qua, giá vàng biến động cả chiều tăng và giảm xoay quanh Fed công bố báo cáo tháng 3. Đồng USD vì thế đã giảm sâu, giúp vàng tăng mạnh. Trong tuần vàng thế giới đã tăng 15 USD/ounce so với mức chốt phiên cuối tuần trước.
Giá vàng tăng mạnh.
Nhận định của chuyên gia, giá vàng khó có thể tăng tốt. Phiên tăng giá giữa tuần chỉ do nhà đầu tư quá thận trọng sau khi Fed công bố báo cáo. Họ lo ngại lạm phát gia tăng. Giới phân tích và nhà đầu tư kỳ vọng các nền kinh tế đang có báo cáo khả quan, đây là nền tảng cơ bản sẽ khiến cho Fed sơm xem xét tăng lãi suất trước năm 2023 dự báo trước đó. Kinh tế tăng trưởng chính là nguyên do căn bản khiến nhà đầu tư đẩy mạnh bán vàng ra chốt lời sớm.
Dự báo vàng thế giới có thể về mức 1.720 USD; nếu thị trường không có yếu tố hỗ trợ có thể xuống dưới mức 1.700 USD/ounce.
Tuần qua, giá vàng SJC cũng biến động theo xu hướng đi của vàng thế giới. Tuy nhiên, bước giá điều chỉnh không lớn, do đó chốt tuần vàng SJC trên thị trường cơ bản đi ngang. Tại Doji vàng SJC giảm 50.000 đồng/lượng chiều mua và giảm 100.000 đồng/lượng chiều bán so với giá mở cửa tuần. Tại Phú Quý vàng SJC giữ giá chiều mua và giảm 50.000 đồng/lượng chiều bán so với giá mở cửa tuần.
Nhận định của một số doanh nghiệp, thị trường vàng trong nước ít biến động giá hơn quốc tế là do, tuần qua thiếu vắng nhà đầu tư tham gia vàng thị trường. Chỉ có vàng nhẫn tăng mạnh do nhu cầu mua tiêu dùng mùa cưới và làm quà biếu tặng của người dân.
Khuyến cáo của chuyên gia và doanh nghiệp, giá vàng trong nước vẫn cao hơn vàng thế giới đến gần 6 triệu đồng/lượng, do đó nhà đầu tư không nên mua vào thời điểm này.
Trái cây tăng giá
Những ngày gần đây, các loại trái cây như cam, khóm, dưa hấu, chanh dây … ở chợ truyền thống TP Hồ Chí Minh giá tăng cao, gần gấp đôi so với cách đây khoảng 1 tháng. Cụ thể như cam sành loại lớn giá 35.000 đồng/kg, trước đó giá khoảng 15.000 - 20.000 đồng/kg; dưa hấu trái dài giá từ 20.000 - 22.000 đồng/kg, trước đó giá chỉ 10.000 - 12.000 đồng/kg; khóm (dứa - loại trái lớn) giá 20.000 - 22.000 đồng/trái... Riêng chanh dây giá từ 25.000 - 30.000 đồng/kg nhưng một số nơi cũng không có hàng để bán.
Trái cây tăng giá.
Theo một số tiểu thương bán trái cây ở các chợ Tân Định - Quận 1; Bà Chiểu, Thị Nghè - quận Bình Thạnh, do trời nắng nóng nên nguồn cung ít, trong khi nhu cầu tăng nên giá các loại trái cây này tăng cao.
“Tháng mùa mưa trái cây giá rẻ, qua mùa nắng nhiều người có nhu cầu uống nước ép trái cây nhưng trái cây lại ít nên giá tăng lên. Hiện nay cam tăng giá nhiều nhất, dưa hấu giá cũng tăng gần gấp đôi, đắt hơn cả ngày tết. Những loại trái cây này mùa này ít, nhu cầu tăng lên nên giá cao”, chị Hà bán trái cây ở chợ Tân Định, Quận 1 cho biết.
Giá các loại trái cây dùng làm nước ép đang tăng cao, nhưng số lượng tiêu thụ vẫn tăng. Anh Tuấn, bán khóm ở chợ Thị Nghè, Quận Bình Thạnh cho biết lượng khóm tiêu thụ mỗi ngày tăng khoảng 50% so với trước đó. Trời nắng nóng trái khóm rất ngọt nên người ta mua khóm nhiều để ép nước vì dễ uống. Bình thường anh Tuấn chỉ bán được khoảng 200 trái/ngày nhưng những ngày gần đây, mỗi ngày bán anh bán được 300 trái.
Giá nhiều loại hải sản tăng cao
Bà Nguyễn Thị Thu, chủ đại lý thu mua hải sản ở chợ Trà Vinh cho biết, giá các loại hải sản như: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, nghêu, sò huyết… từ đầu tháng 4 đã bắt đầu tăng với mức bình quân từ 20.000 - 30.000 đồng/kg tùy theo chất lượng và loại hải sản. Nguyên nhân giá hải sản tăng cao chủ yếu là do nhu cầu lượng hải sản tại thị trường Tp. Hồ Chí Minh tăng mạnh. Trong khi đó hiện tại Trà Vinh và các tỉnh ven biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu đang ở thời điểm cuối mùa vụ nuôi trồng nên cung không đủ cầu. Hầu hết các loại hải sản có giá cao chủ yếu là sản phẩm loại I, tươi sống phục vụ cho các nhà hàng lớn.
Giá nhiều loại hải sản tăng cao.
Hiện, giá tôm sú sáng ngày 9/4 loại từ 10-12 con/kg có giá 350.000 đồng/kg; loại 20 con/kg giá 295.000 đồng/kg và loại 30 con/kg giá 225.000 đồng/kg; giá tôm thẻ chân trắng loại 30 con/kg có giá 170.000 đồng/kg, loại 50 con/kg có giá 130.000 đồng/kg; cua biển loại I từ 1-2 con/kg có giá 238.000 đồng/kg; cua gạch loại 3 con/kg có giá từ 380.000 - 400.000 đồng/kg; sò huyết loại 40 - 50 con/kg có giá 90.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Văn Quốc, Chi Cục Trưởng Chi cục Thuỷ sản Trà Vinh, nguồn cung ứng một số loại hải sản, như: tôm sú, tôm thẻ, cua biển, sò huyết trong tỉnh Trà Vinh hầu hết của nông dân thu hoạch từ mô hình nuôi quảng canh với đa dạng con nuôi xen canh. Bởi, hiện nay là thời điểm nông dân vùng ngập mặn đang tập trung cải tạo ao hồ để bắt đầu vụ nuôi tôm, nuôi cua biển, sò huyết của năm 2021.
Hành tím giảm giá kỷ lục
Tại tỉnh Bình Định, thời điểm này đang bước vào cuối vụ hành Đông Xuân nên người trồng hành gấp rút thu hoạch. Tuy nhiên, do giá giảm sâu nhưng vẫn không có người mua nên hành khô sau khi thu hoạch, nhiều người nông dân mang về nhà chất đống thành kho.
Hành tím giảm giá kỷ lục.
Xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ là một trong những địa phương có diện tích trồng hành tím lớn nhất tỉnh Bình Định với khoảng 80 ha. Tuy nhiên, do hành khô năm nay rớt giá thê thảm, khiến người trồng hành ở địa phương này gặp không ít khó khăn.
"Năm nay trúng mùa nên củ hành to, chắc, năng suất cũng khá cao với khoảng 600kg/sào. Tuy nhiên do giá hành khô thời điểm này giảm chỉ còn 1/3 - 1/4 so với thời điểm mới vào vụ thu hoạch nên người trồng hành chúng tôi lỗ nặng. Giờ một ổ bánh mì không đã 3.000 đồng, trong khi đó 1 kg hành khô chỉ có giá 2.000 đồng thì nông dân chúng tôi sống sao nổi!" - chị Nguyễn Thị Hồng (người trồng hành ở thôn Chánh Tường, xã Mỹ Thọ) than thở.
Theo ông Trần Minh Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phù Mỹ, vụ Đông Xuân năm nay, toàn huyện trồng hơn 240 ha hành tím. Do đầu tư chăm sóc đơn giản, giá cả trong nhiều năm qua ổn định từ 30.000 - 60.000 đồng/kg nên nhiều người dân địa phương này chọn trồng hành. Tuy nhiên, do giá hành năm nay giảm sâu nên khiến nhiều người trồng hành gặp khó khăn.
Theo một số thương lái ở tỉnh Bình Định, nguyên nhân do hành khô ở địa phương này rớt giá mấy ngày qua là do hành khô từ Trung Quốc nhập về nhiều, giá lại thấp. Trong khi đó, hành khô Trung Quốc tuy không thơm nhưng củ lại to, dễ lột nên nhiều người tiêu dùng đã chọn mua hành này về dùng.
Ớt rớt giá thê thảm
Trước Tết Nguyên đán, ớt tại một số địa phương ở tỉnh Bình Định có giá cao ngất ngưởng ở mức 150.000 đồng/kg. Nhiều người dân địa phương đua nhau trồng, nhưng gần 2 tháng nay, giá ớt lao dốc không phanh.
Cụ thể, ớt chỉ thiên giảm 14.000 đồng/kg xuống còn 16.000 đồng/kg; ớt chỉ địa đầu vụ có giá 33.000 đồng/kg, nay giảm xuống chỉ còn 3.500 đồng/kg - giảm gần 10 lần so với khoảng 1 tuần trước và 50 lần so với trước Tết.
Ớt rớt giá thê thảm.
Ông Nguyễn Văn Toàn (ngụ ở xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) - người có 4 sào ớt cho biết, vườn ớt của ông đang trong giai đoạn thu hoạch nhưng trước tình cảnh ớt rớt giá, ông cùng người dân trong vùng đứng ngồi không yên.
"Trước Tết Nguyên đán, thương lái đến vườn tìm mua ớt với giá hơn 150.000 đồng/kg nhưng không có để bán vì chưa vào vụ chính. Qua Tết, giá ớt giảm xuống còn 30.000 đồng/kg. Từ ngày 1/4 đến nay, khi ớt chín rộ thì Trung Quốc ngưng nhập khẩu, khiến giá giảm mạnh, chỉ còn 3.500 đồng/kg, giá này là lỗ nặng" - ông Toàn chia sẻ.
Tìm hiểu nguyên nhân ớt rớt giá thảm, bà Phạm Thị Cúc (trú ở xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định), chủ đại lý thu mua ớt quy mô lớn chuyên cung cấp cho thị trường Trung Quốc nói: “Những năm trước đây, vào thời điểm ớt ở Bình Định thu hoạch rộ, mỗi đêm tôi đưa sang Trung Quốc đến 50-60 tấn ớt tươi, khoảng 3 container lạnh. Thế nhưng hiện nay sức tiêu thụ của thị trường Trung Quốc rất yếu, giá mua lại thấp. Trong khi đó, diện tích ớt trồng tại địa phương lại tăng hơn so với mọi năm, cung vượt cầu kéo theo giá ớt lao dốc không phanh".
Theo Sở NN&PTNT Bình Định, hiện diện tích trồng ớt trên địa bàn tỉnh khoảng 4.000 ha. Từ trước đến nay phần lớn ớt thu hoạch ở địa phương được nông dân bán cho các đại lý trên địa bàn để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, thời gian gần, phía Trung Quốc không nhập khẩu ớt nữa nên giá ớt lao dốc. Dự báo trong tuần tới, giá ớt sẽ tiếp tục giảm khi cung vượt cầu.