Giá vàng, thịt heo, rau củ, trái cây... đồng loạt tăng; trong khi giá xăng dầu giảm mạnh. Ảnh minh họa
Giá vàng tăng mạnh
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới đang giao dịch quanh ngưỡng 1.694 USD/ounce, giảm hơn 17 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Giá vàng trên thị trường thế giới và trong nước giảm mạnh là do đêm qua – rạng sáng nay (giờ Hà Nội), Bộ Lao động Mỹ đã công bố báo cáo lao động tháng 9.
Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp tháng 9 của Mỹ giảm xuống 3,5%, thấp hơn mức của tháng 8 và dự báo là 3,7%. Số lao động mới có việc làm trong tháng 9 tính theo bảng lương phi nông nghiệp tại Mỹ đã tăng 250.000 việc làm.
Dù thấp hơn mức 315.000 việc làm của vào tháng 8, nhưng tỷ lệ thất nghiệp giảm, cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn đang hoạt động tốt, thu hút lao động tích cực, trái ngược với những dự đoán suy thoái kinh tế trước đó.
Thông tin việc làm tích cực, nhiều chuyên gia và giới đầu tư nhận định rằng: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không thay đổi lập trưởng tăng thêm lãi suất vào kỳ họp tới để theo đuổi mục tiêu đưa lạm phát về mức 2%.
Dự báo như vậy, nên nhà đầu tư đã đẩy mạnh bán vàng nhằm nắm giữ đồng USD. Bởi nền kinh tế vẫn hoạt động tích cực, đồng nghĩa với rủi ro giảm và khi lãi suất tăng sẽ giúp đồng USD tăng giá trị.
Việc chốt lời kim loại quý, nhà đầu tư còn đang chờ đợi báo cáo lạm phát của Mỹ sẽ được công bố vào tuần sau. Nếu chỉ số lạm phát vẫn ở mức cao, chắc chắn Fed sẽ tăng lãi suất thêm và giá vàng vẫn còn đi xuống.
Tuần qua, thị trường vàng thế giới biến động mạnh do của các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) nhóm họp đưa ra quyết định cắt giảm 2 triệu thùng dầu mỗi ngày. Thông tin này đã giúp giá vàng thế giới tăng mạnh, vượt qua ngưỡng 1.700 lên 1.726 USD/ounce.
Tuy nhiên, cuối tuần báo cáo số liệu việc làm tại Mỹ tích cực đã đẩy giá vàng rơi lại xuống dưới 1.700 USD. Các phiên giá vàng thế giới điều chỉnh cả chiều tăng và giảm từ trên 10 USD đến trên 20 USD/phiên. Kết tuần,giá vàng thế giới vẫn tăng 27 USD/ounce so với giá mở cửa tuần.
Giá vàng SJC tuần qua biến động mạnh theo xu hướng thế giới. Vào giữa tuần, có lúc giá vàng miếng SJC giảm về mức 64,5-65,5 (mua vào - bán ra).
Kết tuần, giá vàng miếng SJC tại thị trường tự do và tại Phú Quý đã giảm 700.000 đồng so với giá mở cửa tuần. Vàng miếng SJC tại Doji giảm 600.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.
Như vậy, giá vàng thế giới kết tuần vẫn tăng tích cực, nhưng vàng trong nước lại giảm sâu. Mặc dù vậy, nhưng giá vàng trong nước vẫn cao hơn thế giới khoảng 16 triệu đồng chưa kể thuế, phí.
Chuyên gia và một số doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước khuyến cáo nhà dầu tư nên thận trọng mua vào tại thời điểm này. Bởi báo cáo lạm phát của Mỹ chưa được công bố. Đây là báo cáo có tác động lớn đến thị trường. Nếu tỷ lệ lạm phát cao thì Fed tiếp tục tăng mạnh lãi suất, do đó, đồng USD được hỗ trợ và vàng sẽ bị bán ra.
Giá thịt heo tăng 5.000 - 10.000 đồng/kg
Khảo sát tại các chợ truyền thống TP Hồ Chí Minh cho thấy nhóm thủy hải sản và rau củ, thịt heo đang có mức tăng mạnh nhất.
Cụ thể, tôm sú hiện tăng 5.000 đồng so với tháng trước, lên 300.000 đồng/kg. Mực loại 20 - 25 con một kg tăng 20.000 đồng lên 240.000 đồng/kg. Cá hồi đông lạnh nhập khẩu, cá thu đắt thêm 50.000 đồng lên 350.000 đồng/kg. Riêng cá bớp đang tăng giá gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, lên 450.000 - 500.000 đồng/kg (tùy kích cỡ).
"Các năm trước, khách mua nguyên con cá bớp chỉ 180.000 đồng/kg, nay lên 350.000 đồng. Riêng cá cắt lát lên 450.000 - 500.000 đồng", anh Đăng - một tiểu thương bán thủy hải sản tại chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh) - nói và cho rằng, giá tăng quá mạnh nên anh chỉ nhập hàng khi khách đã đồng ý mua.
Ngoài ra, giá thịt heo tại các chợ lẻ cũng tăng 5.000 - 10.000 đồng (5-7%) một kg so với tháng trước. Trong đó, thịt ba rọi, sườn non, nạc giòn dao động 150.000 - 170.000 đồng/kg, giò heo 100.000 - 110.000 đồng/kg...
Rau xanh cũng tiếp tục thiết lập mặt bằng giá mới. Trong đó, nhóm rau gia vị, ăn lá tăng 10% so với tháng 9. Tăng mạnh nhất là rau cải xanh, xà lách, quế lên 50.000 - 70.000 đồng/kg (tăng 5.000-10.000 đồng)...
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang, Cần Thơ, Trà Vinh hôm 4/10 cũng cho thấy, các mặt hàng rau xanh tăng 2.000 đồng so với ngày trước đó và tăng 5.000 đồng so với tháng trước. Giá trứng gà đồng loạt đắt thêm 200-400 đồng một quả so với tuần trước. Cơn quan này dự báo giá nhiều mặt hàng sẽ còn đi lên trong những tháng cuối năm khi thời tiết thiếu thuận lợi, nhu cầu tiêu dùng tăng cao.
Chị Hòa, tiểu thương bán thực phẩm tại chợ Xóm Mới (Gò Vấp), cho biết sức mua thời gian gần đây không cải thiện nhưng giá đầu vào tăng khiến chị khó hạ giá bán ra cho khách.
Nhiều sản phẩm hiện được cho là có nguồn hàng giảm mạnh so với cùng kỳ cũng là nguyên do đẩy giá hàng hoá đi lên. Anh Đăng dẫn chứng, từ cuối tháng 8 đến nay, cá bớp trong các lồng bè nuôi tại Phan Thiết chết hàng loạt, nhiều hộ cho biết thiệt hại ước tính vài tỷ đồng. Do đó, nguồn cung ra thị trường thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. "Hiện tôi chỉ nhập được khoảng 70-80% nguồn hàng so với tháng trước", anh nói.
Riêng với rau xanh, gia vị, gần đây do mưa bão kéo dài, gây hư hỏng nặng nên giá bán tăng vọt... Chị Hòa, đầu mối cung ứng rau tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, cho biết lượng rau nhập về gần đây giảm 20% so với trước đó. Các loại rau xanh, gia vị, lại có tỷ lệ hỏng rất cao, lên tới 30-40% càng khiến giá bán bị đội lên.
Ngoài ra, các tiểu thương cho rằng chi phí vận chuyển từ các vùng miền về TP Hồ Chí Minh vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khiến giá hàng hoá khó giảm. Chị Hoa nhẩm tính, mỗi kg hàng hóa từ các tỉnh miền Tây về TP Hồ Chí Minh hiện có giá 1.000 - 2.200 đồng, còn từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung vào, lên tới 3.000 đồng. Đây là mức cước vận chuyển cố định từ đầu năm đến nay và chưa được điều chỉnh. Do đó, giá hàng hoá khó giảm trong bối cảnh này.
Ghi nhận giá cước niêm yết cho vận chuyển hàng hóa của các hãng xe vận tải và vận chuyển hành khách như Phương Trang, Việt Tân Phát, Mai Linh... đang được giữ nguyên suốt mấy tháng qua. Các hãng cho rằng khó giảm giá cước vì chi phí vận hành tăng mạnh so với các năm trước. Nhất là chi phí nhân công tăng cao nhưng không dễ tuyển dụng được người lao động.
Giám đốc một doanh nghiệp vận tải ở TP Hồ Chí Minh lý giải, khi giá xăng tăng, công ty chỉ điều chỉnh tăng nhẹ nên giờ không thể giảm mạnh vì lo thua lỗ. "Thời gian qua, giá xăng tăng mạnh, cùng với các chính sách thắt chặt của cơ quan quản lý, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nếu giờ giảm giá vận chuyển, công ty sẽ càng thua lỗ", ông nói.
Gia cầm tăng giá, nông dân có lãi
Từ đầu năm đến nay, giá gia cầm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên liên tục tăng, giúp các hộ chăn nuôi khắc phục được ảnh hưởng của giá thức ăn chăn nuôi tăng cao và yên tâm tái đàn vì có lãi.
Hiện nay, gia đình anh Nguyễn Văn Hồng ở xã Văn Nhuệ (Ân Thi) nuôi gần 1 nghìn con vịt thịt. Anh Hồng cho biết: Thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gia đình tôi phải chở vịt đi bán lẻ ở cổng các doanh nghiệp, khu vực tập trung đông người nhưng vẫn ế và phải bù lỗ. May mắn là năm nay, giá vịt tăng trở lại. Hiện tại, giá vịt bán tại trại là 50.000 đồng/kg và tiêu thụ thuận lợi. Như vậy, nuôi 1 nghìn con vịt có lãi trung bình khoảng 20 triệu đồng.
Giá gia cầm tăng nên người dân có nhu cầu tái đàn lớn, kéo theo giá giống gia cầm tăng từ 30 đến 40% so với năm trước. Cụ thể, gà lông màu có giá bán bình quân 17.000 - 20.000 đồng/con và 25.000 - 30.000 đồng/con đối với gà trống, gà Đông Tảo lai là 25.000 đồng/con; giá vịt giống là 15.000 đồng/con tại lò ấp, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo đánh giá của các hộ chăn nuôi, giá gia cầm tăng cao do các hoạt động lễ hội, cưới hỏi, dịch vụ ăn uống tập trung đông người đã trở lại bình thường sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch Covid-19; giá thịt lợn tăng cao thời gian qua khiến người tiêu dùng chuyển sang dùng thịt gia cầm thay thế. Ngoài ra, Trung Quốc siết chặt quản lý biên giới với chính sách “zero Covid” nên gà thịt gần như không vào được thị trường Việt Nam, khiến giá gà liên tục tăng.
Theo nhận định của ngành chuyên môn, thời gian tới, giá gia cầm có khả năng duy trì ở mức cao do nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp cuối năm tăng cao. Hiện nay, nông dân trong tỉnh có xu hướng tăng đàn gia cầm theo hướng tập trung, quy mô lớn, giảm số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Do đó, đến nay, số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh giảm khoảng 5% nhưng tổng đàn gia cầm tương đương so với năm trước là trên 9,4 triệu con. Trong quý III, giá sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng, giá một số sản phẩm gia cầm tiếp tục duy trì ở mức thuận lợi cho người chăn nuôi.
Sầu riêng tăng giá gấp 3 lần
Theo ông Huỳnh Bửu Lộc, Giám đốc Hợp tác xã sầu riêng Ngũ Hiệp tại huyện Cai Lậy (Tiền Giang), giá sầu riêng được thu mua dao động trong khoảng từ 65.000 - 75.000 đồng/kg, tùy chất lượng và địa bàn gần, xa. Mức giá này cao gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Ông Nguyễn Văn Sáu tại xã Long Khánh, thị xã Cai Lậy cho biết, ông vừa thu hoạch bán được gần 1 tấn quả, giá 70.000 đồng/kg, thu 70 triệu đồng.
Theo ông, sầu riêng đang có giá cao nhưng lượng cung trong dân rất ít, bởi thời điểm này đa phần các vườn sầu riêng chưa tới vụ thu hoạch. Thông thường, sầu riêng Tiền Giang thu hoạch chính vụ vào tháng cuối năm đến sau Tết Nguyên đán.
Nông dân vùng chuyên canh sầu riêng đánh giá, với năng suất bình quân khoảng 20 tấn/ha và giá bán như hiện nay, người dân thu lãi ròng từ 600 triệu đến 800 đồng/ha, cao nhất so với các loại cây ăn trái đặc sản khác ở Tiền Giang.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, sầu riêng tăng giá mạnh do nhiều nguyên nhân. Bên cạnh tác động từ quy luật cung - cầu thị trường, việc xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc được khai thông cũng chính là một yếu tố quan trọng.
Mặt khác, việc xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc là cơ hội để người dân nâng cao giá trị sản xuất sầu riêng, nâng chất lượng sản phẩm; chú trọng áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật thâm canh, giảm chi phí và tăng lợi nhuận.
Ông Huỳnh Bữu Lộc, Giám đốc Hợp tác xã sầu riêng Ngũ Hiệp nhận định, với sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, sự giao thương thuận lợi cũng như trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và các thị trường khác, trong tương lai, giá sầu riêng nhiều khả năng sẽ giữ ở mức cao như hiện nay. Từ đó, người dân hưởng lợi và vùng chuyên canh phát triển mạnh mang lại giá trị cao cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn.
Giá xăng dầu giảm mạnh
Tại kỳ điều chỉnh ngày 3/10, liên Bộ Công thương - Tài chính dừng chi sử dụng quỹ bình ổn tất cả các mặt hàng. Tuy nhiên, tiếp tục trích lập quỹ bình ổn giá với xăng E5 RON 92 ở mức 451 đồng/lít, xăng RON 95 là 600 đồng/lít, dầu diesel 300 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít và dầu mazut ở mức 741 đồng/kg.
Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn giá, liên Bộ Công thương - Tài chính quyết định điều chỉnh giá xăng dầu từ 15 giờ chiều nay như sau: Xăng E5 RON 92 giảm 1.049 đồng/lít; Xăng RON 95 giảm 1.139 đồng/lít; Dầu diesel giảm 328 đồng/lít; Dầu hỏa giảm 753 đồng/lít; Dầu mazút giảm 562 đồng/kg.
Theo đó: Xăng E5RON92 không cao hơn 20.732 đồng/lít; Xăng RON 95 không cao hơn 21.443 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S:không cao hơn 22.208 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 21.688 đồng/lít; Dầu mazut không cao hơn 14.094 đồng/kg.