Giá nhiều mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm thiết yếu tăng mạnh. Ảnh: Hải Yến
Giá vàng thế giới và trong nước đồng loạt giảm
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới đang giao dịch quanh ngưỡng 1.827 USD/ounce, tăng 5 USD/ounce so với chốt phiên trước.
Thị trường lao động việc làm tại Mỹ vẫn ổn định, nên giá vàng chỉ biến động trong biên độ hẹp. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần qua tại Mỹ ở mức 229.000 đơn, thấp hơn 2.000 đơn so với kỳ trước, nhưng nhích tăng 2.000 đơn so với dự báo.
Chuyên gia nhận định, giới đầu tư lo ngại lạm phát nên họ mua vàng kim loại quý. Tuy nhiên, mức mua không mạnh, bởi họ nắm giữ tiền để dễ chuyển kênh đầu tư, hoặc thực hiện các giao dịch khác.Tuần qua, giá vàng thế giới biến động không quá mạnh, xoay quanh việc chống lạm phát của chính phủ các nước trong đó có Mỹ.
Cùng với đó, thị trường theo dõi bài phát biểu điều trần trước Quốc hội của Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ông Jerome Powell. Các thông tin Chủ tịch Fed đưa ra cơ bản giữ nguyên quan điểm thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát. Do đó, giá vàng thế giới trong tuần vẫn đi xuống. Kết tuần, giá vàng thế giới giảm 9 USD/ounce so với giá mở cửa tuần.
Theo chuyên gia, lo ngại lạm phát nên giá vàng biến động trong biên độ hẹp và kém sôi động so với các tài sản khác cho đến khi có những yếu tố hỗ trợ mới. Hiện đang bước vào kỳ báo cáo quý 2/2022, các nhà đầu tư chủ yếu chờ đợi thông tin kinh tế, việc làm tháng 6 và 6 tháng đầu năm để đưa ra quyết định đầu tư.
Trong nước, giá vàng SJC trên thị trường tự do sáng nay cơ bản đi ngang so với chốt phiên trước. Cụ thể, giá vàng SJC tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua - bán quanh mức 67,8 - 68,6 triệu đồng/lượng.
Tại Hà Nội và Đà Nẵng, giá vàng SJC giao dịch mua - bán trong khoảng 67,8 - 68,6 triệu đồng/lượng. Các thị trường trên đều đi ngang cả chiều mua và chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji niêm yết trên thị trường Hà Nội mua - bán quanh mức 67,75 - 68,55 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 800.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Công ty Phú Quý 67,85 - 68,55 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua - bán là 700.000 đồng/lượng.
Theo đánh giá của một số đơn vị kinh doanh vàng bạc trên địa bàn, giá vàng SJC trong tuần qua cũng cơ bản đi theo xu hướng thế giới, biến động trong biên độ hẹp. Mức điều chỉnh cao nhất là 150.000 đồng/lượng. Phần lớn các nhà đầu tư đứng ngoài thị trường, chờ đợi thông tin và quan sát yếu tố tác động. Các giao dịch chủ yếu tập trung vào nhỏ lẻ, mua tiêu dùng, lượng mua vào chiếm 55% cao hơn lượng bán ra 45%.
Kết tuần giá vàng SJC trên thị trường giảm 100.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần. Vàng SJC tại tập đoàn Doji cũng giảm 100.000 đồng/lượng, còn tại Phú Quý chỉ đi ngang so với giá mở cửa tuần.
Giá xăng RON 95 lên gần 33.000 đồng/lít
Tại kỳ điều chỉnh ngày 21/6, liên Bộ Công thương - Tài chính tiếp tục không trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu đối với các loại xăng, dầu diesel và dầu hỏa; trích lập quỹ đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg (như kỳ trước).
Đồng thời chi Quỹ bình ổn đối với dầu diesel ở mức 400 đồng/lít (như kỳ trước) và tăng chi quỹ đối với dầu hỏa ở mức 400 đồng/lít (kỳ trước chi 300 đồng/lít).
Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá, liên Bộ Công thương - Tài chính quyết định điều chỉnh giá xăng dầu từ 15 giờ chiều nay như sau: Xăng E5 RON 92 tăng 185 đồng/lít; Xăng RON 95 tăng 500 đồng/lít; Dầu diesel tăng 990 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 950 đồng/lít; Dầu mazut tăng 380 đồng/lít.
Theo đó: Xăng E5 RON 92: không cao hơn 31.302 đồng/lít; Xăng RON 95 không cao hơn 32.873 đồng/lít; Dầu diesel không cao hơn 30.010 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 28.780 đồng/lít; Dầu mazut không cao hơn 20.730 đồng/lít.
Như vậy, đây là đợt tăng giá lần thứ 7, tính từ 21/4 đến nay. Tổng cộng mỗi lít RON 95 đắt thêm 5.560 đồng; còn E5 RON 92 cũng tăng thêm 4.830 đồng/lít.
Giá nhiều mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm thiết yếu tăng mạnh
Ngày 21/6, xăng dầu tiếp tục tăng giá gây biến động thị trường và tạo ra thách thức lớn cho nhiều gia đình hiện nay, khi nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cũng “đu theo” đà tăng giá.
Theo ghi nhận tại các chợ truyền thống ở thành phố Hà Nội trong những ngày gần đây, nhiều mặt hàng như rau củ quả tăng từ 5.000-7.000 đồng. Đơn cử như rau muống tăng từ 25.000 đồng/mớ lên mức 30.000 đồng/mớ, bí xanh tăng từ từ 20.000 đồng/kg lên mức 25.000 đồng/kg, bắp cải tăng từ 18.000 đồng/kg lên khoảng 22.000 đồng/kg, cà chua tăng từ 20.000 đồng/kg lên khoảng 30.000 đồng/kg... Các loại rau củ khác như xà lách, cà rốt, khoai tây... cũng ghi nhận mức tăng tương tự.
Tại các cửa tiệm tạp hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhiều mặt hàng tiêu dùng cũng tăng. Trong đó, sản phẩm trứng gà vốn được nhiều tiểu thương đánh giá là ổn định cũng tăng từ 5.000-7.000 đồng/chục, lên mức 35.000 đồng/chục.
Một số sản phẩm tiêu dùng thiết yếu khác cũng tăng giá như dầu ăn Simply tăng 15.000 đồng, lên mức 79.000 đồng/chai 1 lít; mì tôm Omachi tăng 20.000 đồng, lên mức 250.000 đồng/thùng 80g 30 gói; nước mắm Nam Ngư tăng 5.000 đồng, lên mức 44.000 đồng/chai 750ml...
Chị Tư Liên, người dân quận Hoàn Kiếm chia sẻ: “Mỗi lần điều chỉnh giá xăng dầu tăng là các loại chi phí vận chuyển, giá cả hàng hóa cũng tăng theo. Tuy nhiên khi giá xăng dầu “hạ nhiệt” thì giá cả hàng hóa vẫn lỳ lợm đứng yên ở mức cao, khiến bài toán chi tiêu càng thêm nan giải với người tiêu dùng.”
Trái cây rớt giá
Ghi nhận tại các chợ truyền thống ở TP Hồ Chí Minh, giá bán lẻ sầu riêng dao động 40.000 - 60.000 đồng/kg (đầu tháng 5 là 90.000 đồng). Măng cụt đầu mùa có giá 120.000 - 200.000 đồng/kg, nay cũng xuống 40.000 đồng.
Các loại chôm chôm, mận Hà Nội, vải thiều hiện được bán quanh mức 25.000 - 30.000 đồng/kg, giảm 2-3 lần so với đầu vụ. Còn nếu so với cùng kỳ năm ngoái, giá các loại trái cây này thấp hơn 5-15%.
Giá thu mua sầu riêng tại các nhà vườn ở Cần Thơ, Long An, Tiền Giang cũng giảm sâu, dao động 30.000 - 35.000 đồng/kg, còn măng cụt 15.000 - 25.000 đồng/kg (tùy loại).
Lý giải giá giảm mạnh, chị Hoa, thương lái tại Cần Thơ cho biết do năm nay lượng trái cây Việt khá dồi dào. Đặc biệt, sản lượng trái cây xuất qua Trung Quốc giảm và gặp khó nên hàng dội chợ khiến giá liên tục đi xuống.
Báo cáo của Cục Chế biến và Xuất khẩu Thị trường Nông sản cho thấy giá trị xuất rau quả 5 tháng đầu năm 2022 đạt 1,47 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc giảm gần 30%.