Trong quan niệm của người Việt, cứ đến ngày 23 tháng Chạp là “3 ông đầu rau” làm nhiệm vụ trông nom bếp núc và theo dõi phẩm hạnh của mỗi gia đình, sau đó cưỡi cá chép về trời báo cáo với Ngọc Hoàng. Do đó, cứ tới ngày này, nhiều người lại đổ xô đi mua cá chép để tiễn họ (hay còn gọi là ông Táo) về trời.
Sáng sớm 23 tháng Chạp, nhiều người dân đã tập trung tại các chợ và cửa hàng cá kiểng tìm mua cá chép đỏ để phóng sinh.
Chị Nguyễn Minh Thu (ngụ quận Thủ Đức) cho biết, rút kinh nghiệm năm ngoái đi chợ trễ nên chỉ mua được cá chép bé bằng 2 ngón tay, năm nay chị tranh thủ đi sớm để lựa được cá đẹp:
“Cá chép to giá cao hơn một chút nhưng nhìn đẹp hơn và có sức sống. Cả năm ông Táo trông nom bếp mệt rồi nên giờ tiễn ông về trời cũng phải sang sang một chút”.
Trong khi đó, anh Ngô Văn Hùng, người bán cá trên đường Hiệp Bình (quận Thủ Đức) thì cho biết cá chép to rất “khan” và giá khá cao nhưng đa phần người dân đã tìm mua hết từ chiều hôm qua. Đến hôm nay, số lượng cá chép to, vẩy ánh đỏ chỉ còn lại vài con cũng bán hết sạch ngay từ sớm.
Còn tại chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), các tiểu thương cho biết năm nay giá cá chép tăng, có loại đắt gấp đôi so với năm trước. Trung bình một con khoảng 50.000 – 70.000 đồng, loại nhỏ thì được chia thành 3 con trong 1 bịch với giá 100.000 đồng nhưng vẫn bán đắt như tôm tươi.
Người Việt Nam thường làm lễ tiễn ông Công, ông Táo rất thịnh soạn với mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ được thưa với Ngọc Hoàng, và những điều không may mắn hoặc không tốt sẽ được báo cáo nhẹ đi, do đó mâm cỗ thắp hương cũng được chuẩn bị hết sức cẩn thận và kỳ công.
Lễ vật cúng Táo Quân gồm có: mũ ông Công ba cỗ hay ba chiếc: hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn. Những mũ này được trang sức với các gương nhỏ hình tròn lóng lánh và những giây kim tuyến màu sắc sặc sỡ.