Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Thành Đô Nghệ An, doanh nghiệp đầu tiên nhập khẩu heo thịt Thái Lan với số lượng 500 con cho biết, lô hàng đã đủ 5 ngày cách ly theo quy định và có kết quả xét nghiệm từ Chi cục Thú y vùng 3 (thuộc Cục Thú y). Chiều 22/6, công ty xuất bán hết số heo này về chợ đầu mối ở Hà Nam, với giá từ 81.000 - 84.000 đồng/kg. Mức giá này hiện đang thấp hơn heo trong nước khoảng 9.000 đồng/kg.
"Do thị trường đang thiếu heo nên những ngày qua có rất nhiều mối hỏi mua, doanh nghiệp nhập khẩu heo không lo đầu ra. Trong ngắn hạn, giá thịt heo khó giảm mạnh thêm, bởi nguồn heo thịt Thái Lan còn rất ít. Hiện giá heo thịt tại nước này cũng đã chạm mốc 70.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng so với trước đây" - ông Thành thông tin.
Thịt heo Thái Lan chính thức bán ra thị trường với giá từ 81.000 - 84.000 đồng/kg.
Nhiều trang trại tại Thái Lan muốn xuất khẩu heo sang Việt Nam để hưởng giá cao nhưng chưa được vào danh sách mà cần có thời gian kiểm tra và bổ sung. Phía Thái Lan cũng đang thiết lập hệ thống quản lý bằng mã số, mã vạch để chống gian lận nguồn gốc heo.
"Phía doanh nghiệp cũng phải thiết lập các điểm giao nhận tại cửa khẩu Thái Lan - Lào, cửa khẩu Lào - Việt Nam để thuận tiện cho việc vận chuyển. Hiện doanh nghiệp đã có trang trại cách ly heo ở Bình Dương, Bình Phước để chuẩn bị cung cấp heo thịt nhập khẩu cho thị trường miền Nam" - ông Thành cho biết thêm.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, nhập khẩu heo sống chỉ là một trong nhiều giải pháp trước mắt để hạ nhiệt giá thịt heo. Theo kế hoạch phục hồi đàn, đến quý IV/2020, đàn heo trong cả nước sẽ đạt số lượng 31 triệu con như trước khi bị dịch. Ngoài ra, Bộ trưởng Cường cho rằng phải tập trung tuyên truyền để người dân lựa chọn thực phẩm đa dạng: “Không có lý gì cứ tập trung ăn thịt heo. Thịt gà cũng rất tốt, cá, tôm, trứng cũng vậy, cũng đều của người nông dân làm ra. Chúng ta phải đa dạng thực phẩm ra, vừa bổ dưỡng, tốt cho cơ thể, vừa không gây áp lực lên một ngành hàng”.