Thứ 6, 22/11/2024, 07:20 AM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Tăng phí giao dịch ATM - lợi ít thiệt nhiều?

Tăng phí giao dịch ATM - lợi ít thiệt nhiều?
(Tieudung.vn) - Gần đây một số ngân hàng có đề xuất với Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lộ trình tăng phí giao dịch qua ATM để bù đắp phần nào chi phí đầu tư. Liệu có nên chăng?

Việc tăng thu phí giao dịch qua máy ATM, nếu thực hiện, có thể tăng nguồn thu nhập dịch vụ cho ngân hàng nhưng lượng vốn huy động được trên tài khoản thẻ, tài khoản thanh toán có thể bị ảnh hưởng.

Chính sách phí rút tiền mặt muôn hình vạn trạng

Theo thống kê của người viết, hiện nay, đối với các giao dịch rút tiền mặt của thẻ ghi nợ nội địa từ máy ATM ngoài hệ thống, có 23 ngân hàng đang thu phí với mức phí phổ biến là 3.000 đồng/giao dịch. Những ngân hàng đang có chính sách miễn phí chủ yếu là các ngân hàng nhỏ có hệ thống ATM khiêm tốn, nên chi phí đầu tư, bảo trì hệ thống ATM của các ngân hàng này rất nhỏ, do đó không phải chịu áp lực lớn về việc thu phí cho các giao dịch qua ATM.

Đối với các giao dịch rút tiền từ hệ thống ATM nội mạng của ngân hàng, số lượng các ngân hàng áp dụng chính sách thu phí ít hơn, chỉ có 15 ngân hàng. Như vậy có khoảng 20 ngân hàng đang không thu phí rút tiền mặt đối với các khách hàng mở thẻ tại ngân hàng mình. Phí đối với các giao dịch rút tiền mặt từ ATM nội mạng của những ngân hàng có thu phí phổ biến ở mức 1.000 đồng/giao dịch.

Mô tả ảnh
Các ngân hàng cho rằng phải có lộ trình tiếp tục tăng phí để ngân hàng có thể bù đắp chi phí và tái đầu tư, bảo dưỡng, duy tu hệ thống ATM. Ảnh: TL

Do phí thu dựa trên số lượng giao dịch chứ không phải dựa trên giá trị số tiền được rút, nên các ngân hàng thường áp dụng hạn mức rút trong một ngày cũng như số tiền tối đa cho một lần rút rất thấp. Cụ thể, hạn mức rút (trong một ngày) đối với các giao dịch ngoại mạng thường từ 10-20 triệu đồng, riêng nội mạng có thể lên đến 50 triệu. Số tiền tối đa cho một lần rút phổ biến ở mức 2-3 triệu với các giao dịch ngoại mạng và 5-10 triệu với các giao dịch nội mạng.

Trên thực tế, từng xảy ra những chiêu trò như có ngân hàng chỉ nạp tiền mệnh giá nhỏ (chỉ toàn 50.000 đồng) vào máy ATM và giới hạn số tờ rút, dẫn đến khách hàng muốn rút tiền thì phải rút làm nhiều lần và tốn nhiều phí hơn.

Những lợi ích từ tiền gửi trên tài khoản thẻ

Với số lượng giao dịch qua ATM năm 2016 là gần 183 triệu giao dịch, giả sử 90% giao dịch trên ATM là rút tiền mặt (do các giao dịch chuyển khoản, thanh toán qua ATM thường rất ít), thì với mức phí từ 1.000-3.000 đồng/giao dịch, tổng mức phí mà các ngân hàng thu được lên đến vài trăm tỉ đồng là bình thường.

Lợi ích thứ hai mà các ngân hàng thu được là lượng vốn nhàn rỗi trên tài khoản thẻ. Với số lượng thẻ mà hệ thống đã phát hành đến cuối năm 2016 là 111 triệu thẻ, lượng vốn không kỳ hạn mà mỗi ngân hàng quy mô tương đối đang nắm giữ lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Lượng vốn trên, nếu đem cho vay qua đêm, thì riêng tiền lãi thu được mỗi năm cũng lên đến vài trăm tỉ đồng.

Tuy nhiên, thực tế thì nguồn tiền gửi trên tài khoản thẻ của một số ngân hàng còn nhiều hơn thế, lên tới vài ngàn tỉ đồng tại một ngân hàng hoặc thậm chí có thể chiếm đến 10% trên tổng số huy động vốn của tổ chức, nhất là những ngân hàng phát triển mạnh về thẻ và có hệ thống ATM rộng khắp. Với nguồn vốn nhàn rỗi này, các ngân hàng không chỉ dùng để cho vay trên liên ngân hàng mà còn có thể linh hoạt sử dụng đầu tư vào trái phiếu hoặc cho khách hàng vay với lãi suất cao hơn nhiều, mang lại biên lợi nhuận rất lớn, do nguồn tiền gửi này dù là không kỳ hạn nhưng số dư bình quân rất ổn định nên có thể xem như là nguồn vốn dài hạn.

Trong khi đó, với lượng vốn gửi trên tài khoản thẻ này, hiện nay các ngân hàng không trả lãi hoặc nếu có cũng chỉ trả theo lãi suất không kỳ hạn, rất thấp. Thậm chí, có ngân hàng còn có chính sách thu phí nếu khách hàng không duy trì được số dư tối thiểu bình quân trong kỳ.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng đã thu nhiều loại phí liên quan đến tài khoản thẻ, tài khoản thanh toán như phí in sao kê, phí SMS Banking, phí chuyển khoản, phí thường niên...

Tăng phí - Lợi ít thiệt nhiều?

Theo các ngân hàng thì phải có lộ trình tiếp tục tăng phí để ngân hàng có thể bù đắp chi phí và tái đầu tư, bảo dưỡng, duy tu hệ thống ATM cũng như các chi phí vận hành, chi phí vốn cho lượng thanh khoản duy trì tại các máy ATM.

Tăng phí cũng được cho là nhằm hạn chế khách hàng rút tiền mặt, theo định hướng tăng cường hoạt động thanh toán qua hệ thống ngân hàng, giảm lưu lượng tiền mặt trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, thực tế hệ thống thanh toán hiện nay còn nhiều hạn chế và chỉ mới phổ biến tại một số đô thị lớn. Vì vậy, nếu tăng thu phí theo số lần giao dịch thì đôi khi lại gây ngược. Lúc đó khách hàng có thể rút luôn một lần hết tiền trên tài khoản thẻ thay vì để lại như trước đây, khiến nguồn huy động qua tài khoản thẻ của ngân hàng có thể bị ảnh hưởng đáng kể và tác động đến lợi nhuận của ngân hàng.

Để giảm lượng giao dịch rút tiền mặt, các ngân hàng nên phát triển hệ thống thanh toán tốt hơn và trải rộng khắp, thay vì chỉ tập trung tại các thành phố lớn như hiện nay. Khi đó tức khắc người dân sẽ giảm dần thanh toán bằng tiền mặt và ngân hàng cũng giảm được chi phí duy trì hoạt động hệ thống ATM.

Ngoài ra, trước đây, để khuyến khích các doanh nghiệp chi lương qua tài khoản thẻ, nhiều ngân hàng đã áp dụng các chính sách ưu đãi, trong đó có việc miễn phí rút tiền cho khách hàng nhận lương qua tài khoản thẻ.

Nếu sắp tới áp dụng thu phí hoặc tăng phí thì chủ doanh nghiệp có thể đối diện với áp lực từ người lao động đòi hỏi quay trở lại chi lương bằng tiền mặt, ngưng chi lương qua tài khoản thẻ hoặc nếu chi phải tìm đến ngân hàng khác vẫn còn chính sách miễn phí. Điều này có thể khiến ngân hàng bị thiệt hại nguồn phí chi hộ lương thu từ doanh nghiệp. Chính vì vậy mà hiện nay, một số ngân hàng dù đang thu phí rút tiền mặt với các giao dịch nội mạng nhưng vẫn miễn phí cho đối tượng nhận lương qua tài khoản thẻ của ngân hàng.

Tags:
4.7 9 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan
Tỷ giá

Tài chính - Ngân hàng

Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD tăng mạnh, ở mức 107,05
(Tieudung.vn) - Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024, đồng USD tăng lên mức cao nhất trong 13 tháng, ở mức 107,05.
 
Giá vàng ngày 22/11/2024: Vàng tăng đến 1 triệu đồng/lượng
(Tieudung.vn) Giá vàng ngày 22/11/2024, trên thế giới giá vàng phục hồi ấn tượng nhờ căng thẳng địa chính...
 
HDBANK đạt ba giải thưởng tại cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2024
(Tieudung.vn) HDBank đã xuất sắc đạt ba giải thưởng danh giá tại Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết...

Giá - Sản phẩm

Giá heo hơi ngày 22/11/2024: Ổn định trên cả nước
(Tieudung.vn) - Giá heo hơi ngày 22/11/2024, ổn định trên cả nước, dao động trong khoảng 60.000 - 63.000 đồng/kg.
 
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê và hồ tiêu cùng bật tăng mạnh
(Tieudung.vn) Giá nông sản ngày 22/11/2024, cà phê tăng mạnh trở lại, mức tăng từ 1.700 1.800 đồng/kg....
 
Giá xăng giảm nhẹ, RON 95 giảm về 20.528 đồng/lít
(Tieudung.vn) Chiều 21/11, liên Bộ Công Thương-Tài chính thông báo về điều chỉnh giá xăng dầu. Theo đó, giá...
Giá nông sản
Nguồn: Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Xem thêm »

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.92099 sec| 853.336 kb