Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, để đáp ứng nhu cầu giao dịch, thanh toán ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp, các ngân hàng (NH) đã tăng cường đầu tư, đổi mới công nghệ, tích hợp nhiều dịch vụ giá trị gia tăng đối với dịch vụ thẻ (Mobile Banking, Internet Banking, SMS Banking,...).
Chủ thẻ ngân hàng đang chịu một số phí nhất định chứ không phải tất cả. |
Tương ứng với mỗi loại sản phẩm, dịch vụ cung ứng cho khách hàng, NH đã phải tính toán, xác định loại, mức phí phù hợp trên cơ sở cân đối với chi phí và phân khúc thị trường. Nếu nhìn vào biểu phí dịch vụ thanh toán thẻ mà các NH phải công khai cho khách hàng bao gồm nhiều loại phí cho nhiều loại dịch vụ khác nhau.
Về ý kiến cho rằng mỗi loại thẻ ATM đang phải trả từ 20-25 loại phí khác nhau, trong khi chủ thẻ không biết rõ về từng loại phí này, ông Nguyễn Toàn Thắng cho rằng thực tế chủ thẻ không phải trả cho tất cả các loại phí này mà chỉ phải trả đối với loại dịch vụ mà mình sử dụng. Việc NH thu phí khi cung ứng dịch vụ là phù hợp với pháp luật để bù đắp phần nào chi phí đầu tư. Chẳng hạn, đối với phí thẻ ghi nợ nội địa (thẻ ATM), theo Thông tư 35/2012/TT-NHNN của NH Nhà nước, thông thường mỗi thẻ ATM chỉ chịu chủ yếu một vài loại phí như: rút tiền tại ATM, chuyển khoản nội mạng hoặc ngoại mạng, in sao kê...
Trước đó, một số NH thương mại đã gửi kiến nghị lên NH Nhà nước về việc có lộ trình điều chỉnh tăng phí giao dịch qua ATM nhằm bảo đảm bù đắp một phần chi phí cho các NH đầu tư hệ thống ATM. Bởi mức chi phí đầu tư cho một giao dịch rút tiền qua ATM khoảng 7.000 đồng (tùy theo mức đầu tư của từng NH) thì mức thu phí rút tiền như hiện nay NH đang bị lỗ.
Với 3.300 đồng/lần phí rút tiền thu từ chủ thẻ, NH chỉ nhận được 1.650 đồng còn lại trả cho trung gian thanh toán nên đề nghị tăng phí nhằm bù đắp một phần chi phí cho NH đầu tư hệ thống ATM. Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải sự phản ứng của dư luận, khi nhiều chủ thẻ cho rằng hiện sử dụng thẻ ATM đã phải gánh quá nhiều loại phí. Ngay cả NH Nhà nước cũng chưa đồng tình với đề xuất này.