Trong khi đó mặt hàng trái cây nhập ngoại rẻ hơn cả trăm nghìn đồng mỗi/kg so với ngày đầu năm, gây bất ngờ cho người tiêu dùng.
Thị trường hoa quả nhập ngoại đang có dấu hiệu “lấn át” bánh Trung thu truyền thống? Ảnh: Nguyễn Vũ
Trái cây nhập ngày càng rẻ
Thị trường tháng 7 âm lịch, thường gọi là tháng chay, sức mua các mặt hàng trái cây tăng khá mạnh với đủ mặt hàng, phân khúc. Như hiện nay giá trái cây lựu, lê, nho xanh Trung Quốc ở chợ truyền thống hiện bán lẻ chỉ từ 20.000 - 40.000 đồng/kg, bán rất chạy do hạt đỏ, vị ngọt. Trong khi đó, siêu thị đang tràn ngập các loại táo từ nhiều nước như: New Zealand, Pháp, Nam Phi… với giá từ 49.000 - 200.000 đồng/kg tùy giống, kích cỡ và xuất xứ.
Một tiểu thương bán hàng tại chợ Ngã Tư sở, Hà Nội cho biết: táo Envy hiện tôi đang bán với giá khoảng 160.000 đồng/kg. Giá này gần như là rẻ nhất từ trước đến nay. Hồi đầu năm, loại táo này có giá 250.000 đồng/kg, giảm 90.000 đồng/kg. Các loại táo trái cây nhập ngoại từ châu Âu từ Trung Quốc, loại nào cũng đều giảm từ 30.000 – 100.000 đồng/ kg. Như nho ngón tay Mỹ hiện, giá là 160.000 đồng/kg, nho sữa Trung Quốc hiện nay giá 150.000 đồng/kg. Tại hệ thống Winmart/Winmart+, táo Braeburn đang có giá 49.900 đồng/kg, táo Royal Gala có giá 69.900 đồng/kg, quýt Úc giá 89.900 đồng/kg...
Ông Lê Văn Liêm, Giám đốc (GĐ) khu vực Miền Bắc - Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết: Nhiều loại trái cây nước ngoài đang vào vụ, sản lượng cao, nguồn cung dồi dào song sức mua trong nước không tăng tương xứng nên giá bán giảm sâu, có loại giá giảm một nửa như cherry Mỹ đang được bán với giá trên dưới 300.000 đồng/kg. Thêm vào đó, nhờ có công nghệ bảo quản khi vận chuyển bằng tàu biển với cước phí rất thấp so với đường hàng không nên giá lại càng rẻ.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, trái cây ngoại có ưu điểm "lạ", mẫu mã đẹp nên người tiêu dùng muốn thử. Những năm gần đây, Việt Nam ký các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các thị trường nhập khẩu chính như: Trung Quốc, Úc, châu Âu, New Zealand, Hàn Quốc… nên thuế giảm còn 0% từ đó giá trái cây nhập ngày càng rẻ.
Bánh Trung thu vẫn “sống tốt”?
Với tình hình kinh tế hiện nay, nhu cầu thị trường bánh Trung thu chậm so với mọi năm buộc các DN nghe ngóng thị trường để tính toán từng thời điểm sản xuất tùy theo sức mua. Cộng vào đó thị hiếu thưởng thức bánh Trung thu của người dân đã có nhiều thay đổi. Họ ưa chuộng sự sáng tạo, biến tấu trong những chiếc bánh với hương vị nhân sốt ngon, mới lạ, vị thanh, ít ngọt, kích thước nhỏ gọn để có thể thưởng thức nhiều vị khác nhau. Cùng với đó, bao bì cũng phải độc đáo, khác biệt, sang trọng, nên bánh Trung thu năm nay có nhiều thay đổi.
Ông Nguyễn Đình Chung - Giám đốc kinh doanh toàn quốc của Mondelez Kinh Đô cho biết: ''Trong lần tổ chức hội nghị khách hàng với gần 500 nhà phân phối, chúng tôi ghi nhận, nhiều khách hàng DN vẫn dành ngân sách để tặng bánh Trung thu cho cán bộ, người lao động. Quan trọng là nhà sản xuất có nhiều phân khúc giá để đáp ứng nhu cầu. Đến nay, tình hình tiêu thụ nhóm khách sỉ, khách hàng DN khá tốt. Đây là nhóm khách có đơn đặt hàng sớm và chiếm đến 80% thành công của một mùa Trung thu''.
Nắm bắt được nhu cầu của khách hàng thị trường bánh Trung thu không chỉ chú trọng chất lượng mà còn yêu cầu thiết kế bao bì phải đẹp, vì những hộp bánh Trung thu còn là món quà gửi đến gia đình, bạn bè, đối tác. Năm nay, các hãng lớn như Kinh Đô, Hữu Nghị, Bảo Ngọc, Bibica... đã đưa ra thị trường các sản phẩm bánh Trung thu với nhiều hương vị, mẫu mã mới, bao bì độc đáo hơn so với những năm trước.
Ngoài việc đưa nguyên liệu mới vào sản xuất bánh Trung thu, các đơn vị còn chú trọng đến hình thức, kiểu dáng, vỏ hộp được làm bằng gỗ in hoa văn nổi, hoặc hộp giấy cao cấp được thiết kế hiện đại, sang trọng. Công ty (Cty) Cổ phần (CP) Mondelez Kinh Đô Việt Nam năm nay cho ra mắt mẫu mã bao bì theo hướng lấy cảm hứng từ những đồ chơi truyền thống Tết Trung thu như đèn kéo quân và trống quân làm hình ảnh chủ đạo tạo nên chiếc hộp bánh trung thu đầy ý nghĩa.
Mùa bánh Trung thu năm nay, hầu hết các DN sản xuất đều đồng loạt tăng giá bán từ 2.000 – 20.000 đồng/cái so với các năm trước. Như: bánh Trung thu Kinh Đô truyền thống với loại bánh nướng, bánh dẻo vị đậu xanh, đậu đỏ, hạt sen… giá niêm yết khoảng 55.000-62.000 đồng/bánh, trọng lượng là 150g và 180g. Đối với dòng sản phẩm biếu tặng, giá thấp nhất 640.000 đồng/hộp, cao cấp nhất là hộp bánh Trung thu Trăng vàng Black & Gold Kim Cương Hộp Sơn Mài thượng hạng và dòng "Trăng vàng" cao cấp giá bán lên đến 5 triệu đồng/hộp.
Cty CP Bibica cho biết: Trong mùa Trung thu năm 2023, do giá nguyên liệu đầu vào có sự gia tăng như bột mì tăng 33%, hộp giấy tăng 11%... nên giá bánh cũng được Cty điều chỉnh tăng nhẹ từ 5 đến 10% tùy vào từng chủng loại bánh so với giá bán năm ngoái. Hiện Bibica đưa ra thị trường 3 dòng bánh chính là bánh Trung thu cao cấp, bánh Trung thu dinh dưỡng và bánh Trung thu truyền thống. Giá bánh hãng này dao động từ 44.000 - 140.000 đồng/cái cho dòng phổ thông, riêng hộp bánh cao cấp có giá 2,6 triệu đồng/hộp.
Bánh Trung thu thương hiệu Hữu Nghị được bán với giá từ với mức 55.000 – 400.000 đồng/cái và từ 280.000-đến hơn 1 triệu đồng/hộp...