Thận trọng
Quan điểm thận trọng của Chính phủ trong việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không và Giấy phép kinh doanh hàng không chung được thể hiện rất rõ trong Văn bản số 309/TB - VPCP ban hành giữa tuần trước.
Cụ thể, theo kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, hàng không là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, đòi hỏi một lượng vốn đầu tư lớn. Đồng thời, đây cũng là ngành đặc thù, ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh quốc gia, công tác đối ngoại và an toàn giao thông.
Giấy phép kinh doanh vào lĩnh vực hàng không cần được xem xét một cách thận trọng. |
“Để nâng cao hiệu quả đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển lành mạnh và bền vững, việc chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy phép kinh doanh vào lĩnh vực hàng không cần được xem xét một cách thận trọng và đúng quy định pháp luật; bảo đảm tuyệt đối an toàn và an ninh hàng không trong mọi tình huống”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo.
Cần nói thêm rằng, thời điểm diễn ra cuộc họp cách đây 2 tháng về vấn đề này, có hai nhà đầu tư đệ đơn xin bay lên Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) là Công ty cổ phần Hàng không Skyviet (xin cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không) và Công ty cổ phần dịch vụ bay và du lịch biển Tân Cảng (xin cấp Giấy phép kinh doanh hàng không chung).
Đối với trường hợp Công ty Tân Cảng, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ GTVT tiếp thu ý kiến các cơ quan liên quan, hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện Hồ sơ cấp Giấy phép kinh doanh hàng không chung theo đúng quy định pháp luật; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trước đó, đề xuất cấp Giấy phép kinh doanh hàng không chung của Công ty Tân Cảng được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận từ tháng 1/2017. Doanh nghiệp có số vốn điều lệ 100 tỷ đồng này dự kiến duy trì đội bay 2 chiếc phục vụ bay dịch hàng không chung như bay taxi, phục vụ khách du lịch, bay khảo sát địa chất.
Khó cho người mới
Trước đó, vào tháng 4/2017, Chính phủ đã phát đi thông báo, việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án vận tải hàng không và cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty TNHH MTV Hàng không Vietstar (Vietstar Air) sẽ chỉ được xem xét sau khi đã hoàn thành xây dựng thêm nhà ga hành khách và sân đỗ tàu bay theo đúng Phương án điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hiện Phương án điều chỉnh Quy hoạch đang được Bộ GTVT hoàn thiện. Nhưng, ngay cả khi được phê duyệt trong quý III/2017, vẫn cần thêm 2 đến 3 năm nữa để hoàn thành xây dựng Nhà ga hành khách mới và nâng vị trí sân đỗ tại Tân Sơn Nhất lên con số 85.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trịnh Khánh Phương, Chủ tịch Vietstar cũng phải thừa nhận, Hãng sẽ khó nhận được giấy phép bay trong thời gian tới nên nhà đầu tư sẽ dồn sức cho việc đầu tư vào Cảng hàng không lưỡng dụng Tân Sơn Nhất.
Các chuyên gia cũng cho rằng, với quan điểm thận trọng trong việc cấp phép, Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) thuộc Tập đoàn FLC sẽ cần thêm thời gian và điều kiện để hoàn thiện thủ tục xin giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.
Liên quan đến hồ sơ của Bamboo Airways gửi Cục Hàng không Việt Nam hôm 6/6/2017, đơn vị này cho hay, cơ bản đáp ứng các yêu cầu về thành phần hồ sơ, ngoại trừ văn bản xác nhận vốn. Công ty cổ phần Tập đoàn FLC sau đó đã cam kết bảo lãnh về việc Tre Việt có đủ nguồn vốn để được cấp phép.
Tuy nhiên, cam kết của FLC là chưa đủ và chưa đúng quy định tại Nghị định 92/2016/NĐ-CP quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Cụ thể, phải có bản chính của tổ chức tín dụng xác nhận khoản tiền phong tỏa tại tổ chức tín dụng với tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép. Việc giải phóng khoản tiền phong tỏa này chỉ được thực hiện sau khi tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hoặc bị từ chối cấp phép bay.
Như vậy, Bamboo Airways còn cần văn bản xác nhận phong tỏa 700 tỷ đồng từ một tổ chức tín dụng và đây là điều kiện tiên quyết, không thể châm trước trong quá trình thẩm định, nhằm đảm bảo năng lực tài chính của đơn vị xin cấp phép bay.