Lựa chọn các sản phẩm nhựa gia dụng trong siêu thị |
Theo tính toán từ số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu sản phẩm nhựa vào Việt Nam trong tháng 10/2017 giảm 7,9% về kim ngạch so với tháng 9/2017 nhưng tăng 21,8% so với cùng tháng năm ngoái, đạt 475,26 triệu USD; tính chung cả 10 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này đạt 4,39 tỷ USD, chiếm 2,6% tỷ trọng hàng hóa nhập khẩu các loại của cả nước, tăng trên 22% về kim ngạch so với 10 tháng đầu năm ngoái.
Trung Quốc và Hàn Quốc là 2 thị trường chủ đạo cung cấp sản phẩm nhựa nhập khẩu cho Việt Nam. Riêng nhập từ 2 thị trường này đã chiếm 65,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Tổng cộng 10 tháng đầu năm nhập khẩu sản phẩm nhựa từ thị trường Trung Quốc đạt 1,52 tỷ USD, chiếm 34,7% tỷ trọng, tăng 26,5% so với cùng kỳ. Nhập khẩu sản phẩm nhựa từ Hàn Quốc 10 tháng đầu năm đạt 1,34 tỷ USD, chiếm 30,6% tỷ trọng, tăng 23% so cùng kỳ.
Tiếp sau đó có thêm 3 thị trường lớn cũng đạt kim ngạch trên 100 triệu USD trong 10 tháng đầu năm đó là: Nhật Bản 644,88 triệu USD, chiếm 14,7%, tăng 21% so với cùng kỳ; Đài Loan 195,34 triệu USD, chiếm 4,4%, tăng 13,7%; Thái Lan 193,87 triệu USD, chiếm 4,4%, tăng 13%.
Nhập khẩu sản phẩm nhựa từ các nước Đông Nam Á nói chung chiếm 8,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt 364,62 triệu USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ và nhập khẩu từ các nước EU chỉ chiếm 1,7%, đạt 73,7triệu USD, tăng 7,7%.
Nhìn chung, trong tháng 10/2017 nhập khẩu sản phẩm nhựa từ đa số các thị trường bị sụt giảm so với tháng 9, tuy nhiên, nhập từ thị trường Canada lại tăng rất mạnh trên 228% so với tháng 9, mặc dù kim ngạch chỉ đạt 195.114 USD.
Theo nhận định của giới chuyên môn, các tập đoàn sản xuất hàng gia dụng nước ngoài lựa chọn VN và xem đây là thị trường tiềm năng với các sản phẩm cao cấp, có rất nhiều dư địa để khai thác.
Mặc dù nhiều DN sản xuất nhựa trong nước đã đẩy mạnh đầu tư sản xuất, phát triển thị trường nhưng mới dừng lại ở lại phân khúc thị trường bình dân, trong khi phân khúc hàng cao cấp vẫn là các thương hiệu ngoại chiếm lĩnh, như Lock&Lock (Hàn Quốc) hoặc DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) như Biokips (Công ty Komax Việt Nam), BioZone (Công ty TNHH HomeTech).
Đón đầu cơ hội này, DN cần mạnh dạn và tự tin đi những bước tiến mới, đầu tư mạnh vào hoạt động nghiên cứu thị trường, nâng cấp máy móc thiết bị, tăng cường năng lực thiết kế cũng như đẩy mạnh hoạt động quảng bá, phân phối sản phẩm.