Điểm mặt anh tài
Gương mặt đáng chú ý nhất là cổ phiếu VJC của Công ty cổ phần Hàng không VietJet (VietJet Air). Chính thức lên sàn vào ngày 28/2, với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 90.000 đồng/cổ phiếu, VJC đã “đốt cháy” sàn chứng khoán ngay khi xuất hiện trên sàn chứng khoán và tăng hết biên độ 20% trong phiên chào sàn. Chốt phiên ngày 28/2, cổ phiếu VJC đóng cửa ở mức 108.000 đồng/cổ phiếu. Sau đó, cổ phiếu này vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trong nhiều phiên và hiện ở mức khoảng 123.000 đồng/cổ phiếu.
Kể từ khi lên sàn đến nay, giá cổ phiếu VJC của VietJet đã tăng khá mạnh. Ảnh: Đức Thanh |
Bình luận về sức nóng của cổ phiếu VJC sau phiên chào sàn, ông Lê Ngọc Nam, Phó trưởng phòng Phân tích (Công ty Chứng khoán Tân Việt) cho rằng, việc VJC lên sàn và tăng trần vài phiên đầu tiên chủ yếu do giá chào sàn thấp hơn so với giá VJC giao dịch trên sàn OTC vào thời điểm đó. Cụ thể, trước khi lên sàn, cổ phiếu này trên sàn OTC được giao dịch với mức giá lên tới 130.000 đồng/cổ phiếu.
Đáng chú ý, trên thị trường chứng khoán thời gian qua còn có sự góp mặt của đại gia số 1 ngành xăng dầu là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Cổ phiếu PLX của Petrolimex chính thức chào sàn HOSE với khối lượng niêm yết 1.293,8 triệu cổ phiếu, với giá chào sàn 43.200 đồng/cổ phiếu. Kết thúc ngày giao dịch đầu tiên, PLX chốt giá đóng cửa giao dịch ở mức 48.900 đồng/cổ phiếu, sau đó, cổ phiếu này cũng có chu kỳ đi lên đến tháng 6/2017, có thời điểm đã vượt mốc 68.000 đồng/cổ phiếu và hiện dao động quanh mức 65.000 đồng/cổ phiếu.
Ngoài cổ phiếu của đại gia niêm yết trên HOSE, còn có 2 đại gia khác đã lên sàn UPCoM vào đầu năm 2017. Đó là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã HVN) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã VGT). HVN lên UPCoM với giá tham chiếu là 28.000 đồng/cổ phiếu, trong khi cổ phiếu của Vinatex có giá tham chiếu 13.500 đồng/cổ phiếu.
Trong phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines đã tăng trần, lên 39.200 đồng/cổ phiếu. Người đồng hành VGT không được “huy hoàng” như cổ phiếu HVN, nhưng cũng tăng rất mạnh, ổn định ở mức trên 17.000 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng hơn 27% so với giá tham chiếu. Đến nay, HVN về mốc quanh 25.000 đồng/cổ phiều, còn VGT trong khoảng 11.000 đồng/cổ phiếu.
“Sức khỏe” các đại gia sau lên sàn
Kể từ sau khi lên sàn, “sức khỏe” các doanh nghiệp lớn luôn là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư. Trong quý II/2017, tổng doanh thu vận tải hàng không của VietJet Air đạt 5.648.000 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2016. Trong quý II/2017, hãng hàng không này đã đưa vào sử dụng 5 máy bay A321 mới. Đến ngày 30/6, mạng bay của VietJet Air có 38 đường bay nội địa và 35 đường bay quốc tế. VietJet Air đã khai thác gần 27.000 chuyến bay, với gần 53.000 giờ bay trong quý II/2017.
Với Vietnam Airlines, lợi nhuận hợp nhất quý II /2017 đạt hơn 77 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm đạt 823 tỷ đồng. Lợi nhuận công ty mẹ quý II là 59,7 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm đạt 621 tỷ đồng. Theo Vietnam Airlines, mặc dù lợi nhuận 6 tháng giảm so với cùng kỳ, nhưng kết quả này vẫn nằm trong tiến độ thực hiện kế hoạch kinh doanh cả năm 2017 đã được Đại hội đồng cổ đông phê duyệt.
Về đại gia số 1 ngành dệt may, Vinatex đã có kết quả doanh thu quý II/2017 và 6 tháng đầu năm tăng đáng kể, giúp lợi nhuận cũng đã được cải thiện hơn. Cụ thể, tổng doanh thu quý II/2017 của Vinatex đạt 4.277 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đạt 8.176 tỷ đồng, cao hơn con số tương ứng cùng kỳ năm ngoái (3.834 tỷ đồng và 7.124 tỷ đồng). Theo đó, lợi nhuận sau thuế của Vinatex đạt 190 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái đạt 160 tỷ đồng) và lũy kế 6 tháng đạt 317 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái đạt 303 tỷ đồng).
Trong khi đó, Petrolimex sau khi lên sàn vẫn tiếp tục phải đối mặt với những biến động khó lường của giá dầu. Doanh thu của của doanh nghiệp này trong quý II/2017 và 6 tháng đầu năm đều tăng so với cùng kỳ, lần lượt đạt 38.460 tỷ đồng và 74.271 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận của Petrolimex lại có phần đi xuống do giá dầu giảm trong giai đoạn nửa đầu năm 2017, kết quả quý II và nửa đầu năm 2017, lần lượt đạt 909 tỷ đồng và 1.136 tỷ đồng. Mặc dù vậy, Petrolimex có thể cải thiện lợi nhuận trong quý III/2017 bởi từ ngày 4/8, giá bán lẻ xăng dầu được điều chỉnh tăng, đồng nghĩa với biên lợi nhuận của Petrolimex trong thời gian tới có thể sẽ tăng theo.