Hoạt động trên nhiều lĩnh vực
Trong định hướng đẩy mạnh cổ phần hóa các công ty thuộc tập đoàn Dầu khí (PVN), PV Oil đang là một trong những cái tên đáng chú ý nhất trong năm 2017.
PV Oil được thành lập vào năm 2008 trên cơ sở hợp nhất Tổng công ty Thương mại dầu khí (Petechim) và Công ty Chế biến và Kinh doanh sản phẩm dầu (PDC). Hiện quy mô vốn điều lệ của PV Oil là hơn 4.000 tỉ đồng, bao gồm 8 đơn vị trực thuộc, 30 đơn vị thành viên, 10 công ty liên kết và 7 công ty đầu tư tài chính. Công ty có năm lĩnh vực hoạt động chính là: xuất khẩu cung cấp dầu thô (là doanh nghiệp duy nhất tổ chức tiếp thị và xuất bán dầu thô của Việt Nam trong hơn 25 năm qua); kinh doanh vật tư thiết bị kỹ thuật dầu khí; chế biến phân phối nhiên liệu sinh học (ethanol, xăng sinh học); chế biến sản phẩm dầu (xăng, dầu mỡ nhờn) và phân phối sản phẩm xăng dầu. Trong số năm nghiệp vụ trên, phân phối các sản phẩm xăng dầu trong nước là mảng mang lại doanh thu lớn nhất cho tổng công ty (khoảng 75%).
Về hoạt động sản xuất kinh doanh, hiện rất khó tiếp cận được báo cáo tài chính của PV Oil. Tuy vậy, theo các thông tin đã được công bố thì tổng doanh thu hợp nhất của PV Oil trong năm 2015 ước đạt 49.000 tỉ đồng; lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 600 tỉ đồng (mức lãi kỷ lục đối với PV Oil).
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh năm 2016 lại không được ấn tượng như vậy, chủ yếu do diễn biến bất lợi và thất thường của giá dầu thô thế giới. Cụ thể, trong năm ngoái, doanh thu hợp nhất của PV Oil ước đạt 34.000 tỉ đồng, giảm 30% so với năm 2015 nhưng vượt 10% so với kế hoạch đặt ra ban đầu. Trong đó, doanh thu của riêng công ty mẹ đạt gần 24.000 tỉ đồng, bằng 103% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2016 ước đạt 530 tỉ đồng, vượt 96% kế hoạch năm, trong đó lợi nhuận công ty mẹ ước đạt 340 tỉ đồng và lợi nhuận các công ty con ước đạt 214 tỉ đồng. PV Oil nộp ngân sách nhà nước 6.921 tỉ đồng, vượt 21% so với kế hoạch năm mà tập đoàn giao.
Lộ trình IPO
Dự kiến PV Oil sẽ tiến hành IPO vào cuối tháng 6-2017, theo đó sẽ bán ra 49% cổ phần cho cổ đông chiến lược, cán bộ công nhân viên và bán ra thị trường chứng khoán. Hiện, PV Oil đã nhận được nhiều hồ sơ đăng ký mua cổ phần từ khoảng 10 nhà đầu tư chiến lược tiềm năng là các công ty dầu khí lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Đông.
Theo tin mới nhất từ Bloomberg thì PV Oil đang đàm phán bán 40% cho nhà đầu tư chiến lược. Danh sách năm nhà đầu tư tiềm năng sau khi được sàng lọc sẽ được đệ trình lên Chính phủ trong tháng 3 này. Với việc bán 40% cổ phần, PV Oil kỳ vọng sẽ huy động được ít nhất 270 triệu đô la Mỹ từ một đến hai nhà đầu tư. Việc chào bán cổ phần này được đánh giá là tiếp tục đánh dấu một bước trong kế hoạch của Chính phủ Việt Nam nhằm mở cửa thị trường xăng dầu trị giá gần 6 tỉ đô la.
Trên thực tế, những lợi thế hiện có của PV Oil là không nhỏ. PV Oil hiện là nhà bán lẻ xăng dầu lớn thứ hai ở Việt Nam. Công ty đang tìm cách nâng thị phần lên 22%, trong khi thị phần của người dẫn đầu là tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) hiện khoảng 50%. Chênh lệch thị phần lớn với Petrolimex đang tạo ra cơ hội rất lớn cho PV Oil nâng cao thị phần thông qua các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) với các công ty phân phối khác mà không bị trói buộc bởi các quy định liên quan đến độc quyền.
Theo ban lãnh đạo công ty, PV Oil đang lên kế hoạch chi 280 triệu đô la Mỹ cho hoạt động M&A trong năm năm tới nhằm mở rộng thị phần, trong đó 170 triệu đô la là tiền của công ty, còn lại là vay ngân hàng.
Về kế hoạch mở rộng mạng lưới, PV Oil đặt mục tiêu tăng gấp 3 lần mạng lưới toàn quốc hiện nay, lên 1.500 điểm bán hàng đến năm 2022. Theo quy định hiện nay, các doanh nghiệp nước ngoài chưa được phép tham gia vào thị trường phân phối xăng dầu tại Việt Nam, trừ trường hợp có cổ phần góp vốn thành lập các nhà máy lọc dầu. Do vậy, muốn tham gia vào thị trường bán lẻ xăng dầu, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ có cách mua cổ phần hoặc trở thành cổ đông chiến lược của các doanh nghiệp phân phối trong nước. Ở điểm này, PV Oil rõ ràng là sẽ có sức hút nhất định đối với nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, với vị thế là doanh nghiệp duy nhất ở Việt Nam thực hiện xuất khẩu toàn bộ dầu thô Việt Nam khai thác trong và ngoài nước, cũng như nhập khẩu dầu thô cho nhà máy lọc dầu Dung Quất và các Nhà máy Lọc dầu khác trong tương lai, PV Oil sẽ có lợi thế rất lớn một khi giá dầu thế giới có diễn biến thuận lợi.
Tuy vậy, hoạt động kinh doanh của PV Oil cũng có những điểm bất lợi. Với tư cách là thành viên của PVN, PV Oil trong một số trường hợp phải “bất đắc dĩ” trở thành đối tác trong các hợp đồng với những thành viên khác cũng thuộc PVN, điển hình là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. PV Oil được PVN giao nhiệm vụ tiêu thụ sản phẩm cho Dung Quất và trong quá khứ đã có lúc giá xăng dầu sản xuất tại Dung Quất kém cạnh tranh so với hàng nhập khẩu do thuế cao.
Điển hình như thuế nhập khẩu xăng từ Hàn Quốc vào thời điểm đầu năm 2016 chỉ bằng một nửa so với thuế áp dụng cho xăng của Dung Quất (10% so với 20%). Mặc dù vướng mắc về vấn đề thuế này đã được Chính phủ giải quyết vào tháng 9-2016 nhưng rất có thể trong tương lai, tại một thời điểm nào đó, do nhiều nguyên nhân khác nhau, giá xăng dầu sản xuất tại Dung Quất sẽ lại trở nên kém cạnh tranh hơn so với hàng nhập khẩu. Chính vị thế có phần “nhạy cảm” đó khiến PV Oil đôi khi khó lòng cạnh tranh được với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối khác (vốn không bị ràng buộc bởi cơ chế bắt buộc phải mua sản phẩm từ Dung Quất).