Tuy là một nước nông nghiệp nhưng Việt Nam lại phải nhập khẩu lúa mì, bắp, và đậu nành, nay lại nhập thêm đậu phộng. Trước tình trạng nguồn cung trong nước không đáp ứng đủ, đậu phộng Trung Quốc giá rẻ đã có cơ hội xâm nhập vào thị trường Việt Nam. Nhưng quan trọng hơn hết chúng ta chưa biết chất lượng đậu phộng này như thế nào, người nông dân lao đao trước thực trạng này.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016 Việt Nam đã nhập gần 12.000 tấn đậu phộng. Trước đó trong năm 2015, Việt Nam nhập gần 35.000 tấn đậu phộng, tăng 146% so với năm 2014 (chi gần 21,5 triệu USD nhập hơn 23.623 tấn đậu phộng). Điều đáng nói Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu đậu phộng sang nước ta nhiều nhất. Giá đậu phộng mà Trung Quốc xuất khẩu cho Việt Nam rất rẻ, chỉ ở mức 5.500 - 6.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với mức giá mua từ các quốc gia khác là 15.000 - 22.000 đồng/kg.Trong tương lai dự báo việc nhập khẩu đậu phộng ở nước ta tăng lên và Trung Quốc là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ việc này.Mức giá mà đậu phộng Trung Quốc bán sang Việt Nam được ghi nhận qua số liệu hải quan cũng thấp hơn rất nhiều so với giá đậu phộng mà Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.
Rất nhiều diện tích đậu phộng không có củ tại An Giang |
Vừa qua, tại các tỉnh khu vực miền Nam nông dân được khuyến khích chỉ trồng mỗi cây đậu phộng để hình thành cánh đồng mẫu lớn về hoa màu. Tuy nhiên đến lúc chuẩn bị thu hoạch thì phát gần như toàn bộ diện tích ruộng đậu phộng không có củ.
Cũng theo một số nông dân cho biết, họ được đối tác cung cấp giống đậu L14 và hứa hẹn sẽ bao tiêu đầu ra theo giá thị trường, Nhưng hiện nay, phía công ty không mua đậu tươi nữa mà đề nghị phơi khô mới vào lấy sản phẩm. Chính vì thế, người nông dân e ngại và không mặn mà với các giống bắp, đậu xanh sản xuất vụ hè thu tiếp theo do Viện Khoa hoc kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ cung cấp.
Theo Bộ Công thương, đâu phộng nhập khẩu chủ yếu được dùng trong ngành thức ăn nhẹ tại Việt Nam như chế biến bánh kẹo, snack.Do tốc độ phát triển của ngành này ngày một lớn trong khi nguồn cung trong nước có xu hướng giảm, Bộ Công thương dự báo nhập khẩu đậu phộng sẽ tăng trong thời gian tới.
Cũng theo báo cáo, diện tích trồng đậu phộng của Việt Nam những năm qua dao động quanh mức 220.000ha với sản lượng 550.000 tấn, chỉ đáp ứng được 75% nhu cầu chế biến, còn lại phải nhập khẩu. Như vậy nhiều khả năng trong các năm tới nhập khẩu đậu phộng của Việt Nam sẽ lên mức trên 200.000 tấn.
Nhu cầu đậu phộng rất lớn, trừ khi trong nước không thể đáp ứng được thì mới nhập khẩu, còn nếu như đậu trong nước bị thu gom bán với giá cao, rồi lại nhập khẩu đậu phộng với giá rẻ không biết chất lượng như thế nào, thì nguy cơ bị chiếm thị trường là rất lớn, và không ai hết bà con nông dân lại là người chịu khổ.
"Việc thương lái Trung Quốc thu đậu phộng được trồng ở nước ta với giá cao nhưng lại xuất khẩu vào thị trường VIệt Nam loại đậu phộng với giá rẻ như vậy theo tôi không chỉ đơn thuần về chất lượng thấp. Vì vậy, các cơ quan chức năng của ta cần lưu ý, kiểm tra để có câu trả thỏa đáng tránh hoang mang cho người dân", chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Thảo - Giám đốc Công ty tư vấn Hiệp Quốc lưu ý.