Đây là phiên thứ 15 của diễn đàn kết nối nông sản của Tổ Công tác 970, với chủ đề: "Kết nối giao thương nông sản giữa Long An và các tỉnh, thành phố". Diễn đàn được tổ chức ở 3 điểm cầu chính, là UBND tỉnh Long An, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), và Văn phòng Bộ NN&PTNT phía Nam.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tham dự tại điểm cầu Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp 489 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp năm 2021 ước khoảng 2,07%. GRDP bình quân đầu người tăng nhanh trong khoảng 10 năm trở lại đây. Năm 2010, mức trung bình là khoảng 23,2 triệu đồng/người/năm. Đến năm 2020, GRDP đạt khoảng 77 triệu đồng/người/năm, và 2021 đạt hơn 80 triệu. Về cơ cấu, tỷ lệ nông, lâm, nghiệp chiếm hơn 15%.
Với khoảng 300.000 ha đất nông nghiệp, lúa vẫn là nông sản chính của Long An, với sản lượng khoảng 2,9 triệu tấn/năm, trong đó có 1,6 triệu tấn lúa chất lượng cao. Ngoài lúa, Long An còn sản lượng lớn về rau 200.000 tấn rau, 330.000 tấn thanh long, khoai mỡ khoảng 47.000 tấn.
Về chăn nuôi, Long An có khoảng 9 triệu con gia cầm, lợn 85.000 con, và hơn 40 cơ sở giết mổ. Về thủy sản, sản lượng của tỉnh khoảng 72.000 tấn, trong đó tôm nước lợ 15.000 tấn. Long An có nhiều đặc sản, được ưa chuộng, có khả năng cạnh tranh cao, tạo được chỗ đứng trên thị trường như gạo nàng thơm Chợ Đào, dưa hấu Long Trì, thanh long Châu Thành, đậu phộng Đức Hòa…
“Trọng tâm phát triển của tỉnh là nông nghiệp công nghệ cao. Long An mong hợp tác chặt chẽ với các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, chuỗi ngành hàng để giúp người dân ổn định sản xuất”, ông Lâm nhấn mạnh.
Thời gian qua, một số nông sản có thế mạnh của Long An bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đầu ra thiếu ổn định, xuất nhập khẩu khó khăn vì hàng rào kỹ thuật, chi phí logistics tăng. Bên cạnh đó, hoạt động chăn nuôi có thể gặp khó khăn trong đợt Tết do người dân hiện không mặn mà tái đàn.
“Trong điều kiện bình thường mới, Long An muốn nghe ý kiến từ các đơn vị, về việc tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị để tỉnh phát triển tốt hơn nữa việc cung ứng, cũng như chất lượng nông sản”, ông Lâm bày tỏ.
Liên kết tiêu thụ nông sản nâng cao đời sống người dân Long An
Theo bà Phạm Thị Ngọc Hà, đại diện Công ty TNHH San Hà, cho biết công ty là đơn vị cung ứng cho rất nhiều hệ thống siêu thị trong thị trường TP Hồ Chí Minh. "Hiện tại, người dân Long An gặp khó khăn trong việc đưa sản phẩm lên thị trường TP Hồ Chí Minh, dù có các nỗ lực rõ ràng nhưng khó khăn vẫn còn do thị trường TP Hồ Chí Minh vẫn chưa thực sự hồi phục hoàn toàn về kinh tế", bà Hà cho hay.
Công ty San Hà mong muốn nông dân hiểu hơn về chất lượng sản phẩm họ trồng, từ đó đầu tư mạnh dạn hơn. Công ty đã mở chuỗi cửa hàng siêu thị tại Long An để người dân cảm nhận giá trị của sản phẩm, hiểu được thế nào là sản phẩm tốt đưa lên tiêu thụ được trên TP Hồ Chí Minh, phù hợp với nhu cầu ngày càng tăng cao và khắt khe hơn từ người tiêu dùng. Đây là một cơ hội tốt để nông dân Long An nâng cao nhận thức, học hỏi kinh nghiệm.
Ông Lê Thành Úc, Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Lức (Long An) chia sẻ: Hiện nay, diện tích trồng chanh của tỉnh hơn 7.100 ha, trong đó, 1.200 ha ứng dụng công nghệ cao; sản lượng chanh khoảng 70.000 tấn/năm. Trong quy hoạch sắp tới, tỉnh sẽ đưa cây chanh thành cây chủ lực, tăng diện ứng dụng công nghệ cao, phục vụ xuất khẩu lên 2.700 ha. Tuy nhiên, công tác tiêu thụ chanh đang gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù đã được các tỉnh, thành phố hỗ trợ tiêu thụ như TP Hồ Chí Minh, nhưng sản lượng khó tiêu thụ vẫn còn khá nhiều.
Huyện Bến Lức, Long An mong muốn được tiêu thụ chanh không hạt của địa phương
Do đó, để tiếp tục duy trì, nâng cao khả năng tiêu thụ cho sản phẩm chanh, huyện Bến Lức mong muốn Bộ NN&PTNT, các tỉnh, thành trong cả nước, doanh nghiệp… hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm chanh, nhất là xuất khẩu vào các thị trường khó tính.
Bà Phạm Thị Thanh Tuyền, Giám đốc giao dịch và cung cấp sản phẩm của Sài Gòn Co-op cho biết quan tâm đến các sản phẩm OCOP của địa phương, trong đó có Long An. Bà tham mưu rằng cần phát triển sản phẩm OCOP đến nhiều vùng miền, trở thành đặc trưng, thế mạnh, mũi nhọn trong cả tiêu thụ lẫn xuất khẩu.
“Lấy ví dụ về sản phẩm lạp sườn ở Long An rất chất lượng, nhưng hiện không biết đâu là nơi sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như truy xuất được nguồn gốc”, bà Tuyền nhấn mạnh.
Bà Tuyền cũng đề nghị các đơn vị của Long An tổ chức phối hợp thực hiện các tour trải nghiệm miễn phí, giúp du khách biết đến nhiều hơn nông sản địa phương. Về quy trình canh tác, bà muốn sự đồng hành từ các Sở, ban, ngành để người dân có kỹ thuật chăm sóc, hồ sơ giấy tờ theo đúng tiêu chuẩn, giảm giảm thiểu chi phí thủ tục. “Người dân cần hiểu, tại sao khi đưa hàng vào các kênh như siêu thị lại phát sinh nhiều chi phí. Hàng hóa không chỉ bán bằng chất lượng, mà còn bằng cảm quan, bằng mẫu mã bao bì. Hiện Sài Gòn Co-op lên kế hoạch mở rộng chuỗi siêu thị, phân phối sản phẩm tới Long An, với lượng tiêu thụ cụ thể hàng ngày là: 10 tấn trái cây, 30 tấn rau củ, 10 tấn thịt. Thay mặt Sài Gòn Co-op, bà Tuyền mong lãnh đạo tỉnh Long An tăng cường hơn nữa việc kết nối giao thương”, bà Tuyền chia sẻ.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Vina T&T cho biết, công ty có chuỗi hệ thống phân phối trong nước ở nhiều tỉnh, thành phố. Với Long An, công ty đã liên kết với sản phẩm chanh không hạt được 5-6 năm. Ngoài ra, công ty còn xuất khẩu thanh long đỏ vào Mỹ, Australia, Canada… và đã có thị phần nhất định tại các thị trường này. Sắp tới, Vina T&T sẽ xuất khẩu chanh không hạt sang thị trường Trung Đông.
Theo ông Tùng, nông sản Việt có quán tính xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, ông kiến nghị tỉnh Long An nói riêng và các nước nói chung cần đẩy mạnh việc xuất khẩu sang các thị trường khác như EU, Mỹ. “Chúng ta cần hình thành thêm nhiều vùng trồng đạt tiêu chuẩn GlobalGAP để có thể làm được điều này”, ông Tùng chia sẻ.
Thông qua Diễn đàn kết nối nông sản 970, ông Tùng bày tỏ mong muốn, Vina T&T trở thành cánh tay nối dài đưa nông sản Long An đến nhiều thị trường trên thế giới. Trước mắt, ông đặt mục tiêu đưa nông sản tới sâu hơn vào trung tâm nước Mỹ bằng cách nâng cao chất lượng nông sản, và các kỹ thuật bảo quản.
Nhu cầu lớn từ TP Hồ Chí Minh
Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh cho biết, là một đô thị đông dân nhất phía Nam (trên 10 triệu dân và 2 triệu khách vãng lai). Do đó, đây là thị trường tiêu thụ nông sản, phân phối hàng hóa bán buôn rất lớn… Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ nông sản của người dân thành phố bình quân hơn 8.200 tấn/ngày (tương đương 250.000 tấn/tháng. Trong đó, rau củ quả hơn 4.200 tấn/ngày (127.000 tấn/tháng); gạo khoảng 2.000 tấn/ngày (60.000 tấn/tháng); thịt gia súc gần 1.000 tấn/ngày (30.000 tấn/tháng); thịt gia cầm 20.000 tấn/tháng, thủy sản 430 tấn/ngày (13.000 tấn/tháng).
Tuy nhiên, sản lượng sản xuất của thành phố chiếm tỷ trọng nhỏ so với nhu cầu tiêu thụ của người dân thành phố, phần lớn sản phẩm nông sản người dân sử dụng được nhập từ các tỉnh thành.
Hiện, thành phố tự sản xuất được hơn 55.000 tấn/tháng, đáp ứng được 20-25% nhu cầu tiêu thụ. Trong đó, rau củ quả khoảng 51.000 tấn/tháng (đáp ứng được gần 40%); gạo 4.600 tấn/tháng (đáp ứng 8%); Thịt gia súc hơn 3.800 tấn/tháng (đáp ứng 13%), thịt gia cầm 230 tấn (1%), thủy sản (40%) so với nhu cầu tiêu thụ.
Đặc biệt, nhu cầu về lượng hàng hóa phục vụ cho Tết Nguyên đán năm nay rất lớn, nhất là sản phẩm gia súc gia cầm. Hiện, tổng đàn heo khoảng 27.000 nghìn con, mới chỉ đáo ứng được hơn 10 % so với nhu cầu trong dịp Tết Nguyên đán, gần 90% phải nhập từ các tỉnh về. Tổng đàn gia cầm 243.000 con, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo nhu cầu thịt heo tăng 30-70%, thịt cầm tăng 12-14%, thịt trâu bò tăng 40-60%...
Trên cơ sở đó, ông Hiệp bày tỏ mong muốn, trong bối cảnh TP Hồ Chí Minh chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19 trong giai đoạn vừa qua, khả năng tự sản xuất sụt giảm, nên rất cần sự chia sẻ, hỗ trợ của các tỉnh phía Nam nói chung, nhất là Long An là tỉnh giáp ranh trong việc đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm cho người dân thành phố.
Cẩn trọng kiểm tra chất lượng sản phẩm, tránh ùn tắc tại cửa khẩu
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, theo thông báo Sở Công thương Lạng Sơn, đến ngày 10/12, hiện có 4.000 xe đang “mắc kẹt” chưa thể thông quan tại Lạng Sơn, các bãi tập kết xe đã đầy kín.
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đã có văn bản gửi tới các địa phương, có phương án cân đối lại, chủ động biện pháp tạm thời bảo quản nông sản tại các kho lạnh, kết nối thông tin với Sở Công thương (Lạng Sơn) cập nhật thông tin tiến độ thông quan, để giảm thiểu những rủi ro, chi phí... cho doanh nghiệp.
Nhiều xe chở hàng nông sản tồn ở cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng (Lạng Sơn).
Tại cửa khẩu Móng Cái, theo thông tin của Ban quản lý cửa khẩu sáng ngày 11/12, các xe thủy sản đông lạnh hiện tồn là 800 xe (cá ba sa, tôm đông lạnh…) và 300 công hoa quả. Riêng đối với sản phẩm thủy sản tươi sống vẫn thông quan rất thuận lợi.
Cũng theo ông Hòa, tại 3 cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma, năng lực thông quan giảm 50% so với trước đây, khoảng 220/ngày (trước 450 xe/ngày). Tổng công suất thông quan của 3 cửa khẩu trung bình 500 xe/ngày. Riêng với hoa quả đang ùn tắc ở Tân Thanh như thanh long, mít mất 10-14 ngày 1 xe mới được thông quan. Tại cửa khẩu Móng Cái, 1 ngày có 40- 50 xe được thông quan (trung bình 1 tuần thông quan được 1 xe).
Do đó, ông Hòa khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp hết sức cẩn trọng trong kiểm tra chất lượng sản phẩm… tránh nằm chờ ở cửa khẩu lâu, tốn kém chi phí cho doanh nghiệp…
Phát biểu kết thúc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, diễn đàn kết nối nông sản 970 hôm nay đã thành công cả về mặt thông tin, lẫn kết nối giao thương. Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư có nhu cầu tìm hiểu, thông tin về nông sản Long An đã nắm được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. “Tất cả đều đánh giá cao các sản phẩm nông nghiệp của Long An. Tuy nhiên, tỉnh cần phát huy hơn nữa lợi thế nằm ở cửa ngõ phía Tây của TP Hồ Chí Minh”, Thứ trưởng cho biết.
Để nâng cao giá trị nông sản cũng như thu nhập cho bà con nông dân, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị tỉnh Long An cần quan tâm tới một số vấn đề như: Đầu tư nâng cấp, mở rộng phát triển vùng nguyên liệu, với điển hình là huyện Châu Thành – gần như trồng thuần 100% thanh long, đồng thời quan tâm hơn nữa việc phát triển vùng nguyên liệu bằng cách xây dựng các HTX, phát triển khu vực kinh tế tập thể, tổ hợp tác. “Không có vùng nguyên liệu đạt chuẩn, nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ luôn e ngại khi rót vốn vào địa phương”, Thứ trưởng nói.
Hiện Bộ NN&PTNT lập đề án xây dựng 5 vùng nguyên liệu tập trung lớn trên cả nước, với quy mô khoảng 156.000 ha. Long An nằm trong vùng nguyên liệu Tứ giác Long Xuyên, và được Bộ NN&PTNT cam kết hỗ trợ về mặt kỹ thuật, đảm bảo yêu cầu về truy xuất nguồn gốc.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại điểm cầu Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp. Ảnh: NNVN
Bên cạnh đó, Long An cần xây dựng trung tâm dịch vụ, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Theo Thứ trưởng, mục tiêu của trung tâm là vừa nghiên cứu công nghệ, chuyển giao, đào tạo, vừa phát triển vùng nguyên liệu. Với lợi thế tiếp giáp TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Trần Thanh Nam tin tưởng Long An có thể huy động và tận dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao từ thành phố trong việc xây dựng trung tâm, giúp giảm tổn thất sau thu hoạch.
Đồng thời, phát triển đa dạng thị trường, cả trong nước lẫn ngoài nước. Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp, Long An nói riêng và các tỉnh, thành phố nói chung không nên tập trung vào một thị trường riêng lẻ. Với thị trường quen thuộc Trung Quốc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam lưu ý Long An có kế hoạch tận dụng việc nước bạn sắp mở cửa thị trường cho chanh leo, sầu riêng, khoai lang.
Phát biểu đáp từ, ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, tỉnh đã tiếp thu, ghi nhận ý kiến tham luận. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các Sở, ngành của tỉnh có biện pháp cụ thể thực hiện chỉ đạo, gợi ý của Thứ trưởng Trần Thanh Nam, cũng như góp ý của các đại biểu.
“Việc phục hồi, thúc đẩy sản xuất, tổ chức diễn đàn kết nối giao thương tiêu thụ nông sản là một yêu cầu bức thiết. UBND tỉnh Long An đã thấy rõ vai trò, trách nhiệm trong việc xây dựng vùng sản xuất, xây dựng chuỗi cung ứng nông sản an toàn, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, các diễn đàn, hội nghị kết nối cung cầu cho các nông sản chủ lực của tỉnh Long An với các tỉnh, thành phố và ngược lại”, ông Lâm nói.
Lãnh đạo tỉnh Long An cam kết thực hiện nghiêm túc các đơn hàng đã ký kết hôm nay. Long An cam kết với Thứ trưởng Trần Thanh Nam, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo, phối hợp quản lý chặt chẽ sản xuất, kinh doanh nông sản, kết nối đầu vào, đầu ra nông sản giúp cho bà con nông dân, HTX tăng thu nhập, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, chuỗi cửa hàng tiện ích liên kết tiêu thụ nông sản. UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai, thực hiện chỉ đạo của Thứ trưởng Trần Thanh Nam, xây dựng và triển khai chương trình phối hợp, đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản cung ứng cho thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, hỗ trợ, hướng dẫn các doanh, hệ thống cửa hàng tiện ích đến Long An để liên kết sản xuất, thu mua, tiêu thụ nông sản; phối hợp với các tỉnh, thành phố để mở rộng, phát triển thị trường nông sản.