Sáng 11/9, Ban điều hành Tổ công tác 970 - Bộ NN&PTNT tổ chức “Diễn đàn trực tuyến thúc đẩy kết nối cung cầu thực phẩm tươi sống cho Thành phố Hồ Chí Minh trong tình hình thực hiện giãn cách phòng chống Covid-19”.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT kiêm Tổ trưởng Tổ công tác 970 Trần Thanh Nam chủ trì hội nghị.
Tham gia hội nghị này ngoài các Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16... còn có các hợp tác xã, doanh nghiệp, các nhà phân phối, bán lẻ tại các tỉnh, thành phía Nam.
TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong thời gian tới
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh cho biết, từ ngày 23/8, sau 3 tuần tăng cường kiểm soát dịch bệnh Covid-19, số ca nhập viện và ca tử vong có xu hướng giảm. Dự báo sau ngày 15/9, TP Hồ Chí Minh sẽ chuyển sang mức độ 3 về tình hình dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, TP Hồ Chí Minh sẽ chia ra 3 giai đoạn. Giai đoạn từ 15/9 đến 31/10, giai đoạn hai là 1/11 đến 15/1 và về sau thì giai đoạn 3. Dự kiến từ 15/9 đến 30/10, Thành phố nỗ lực 80% người tiêm mũi 1. Và từ 15/9 đến 30/9 sẽ mở cửa từ từ ở các nơi cụ thể, nhất là các hoạt động được mở rộng nhiều nhất ở Quận 7, huyện Củ Chi và Cần Giờ. Đây là các địa phương Thành phố xác định là vùng xanh để xác định mô hình mở cửa từ từ, để hướng tới triển khai các địa phương khác.
Liên quan đến việc thực hiện cung cấp nông sản hàng hoá, Thành phố sẽ tiến tới mở cửa chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức. Chợ Bình Điền đã được mở trở lại, Thứ trưởng Bộ Y tế đã kiểm tra. Còn chợ Hóc Môn chưa mở được vì đang trong thời gian thẩm định lại phương án đảm bảo an toàn, nếu đủ điều kiện thì mới triển khai.
Nếu trường hợp về dịch có điểm xấu thì chỉ có những người có thẻ xanh mới tham gia các hoạt động, còn những các nhân có thẻ xanh lao động trực tiếp, còn thẻ vàng thì làm việc trực tuyến, làm việc 3 tại chỗ, 1 cung đường 2 điểm đến.
Cũng theo ông Hiệp, dự kiến đến 30/12/2021, trên 80% người dân thành phố được tiêm mũi 2, nên sau 15/1/2022 sẽ mở cửa các trung tâm thương mại, khu thể vụ thể thao, vui chơi... sau đó mở tất cả các dịch vụ khác nếu kiểm soát được dịch vụ khác. Thương mại điện tử, các hoạt động theo chuỗi cung ứng nông sản, giao thông vận tải, nhất là cung ứng lương thực, thực phẩm cho các đơn vị sản xuất cũng được ưu tiên.
Ông Phan Thành Tân, Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền, cho biết đơn vị này đã xây dựng phương án bán hàng đảm bảo an toàn trong mùa Covid-19. Cụ thể, phương án có 3 giai đoạn, ban đầu là tập kết, trung chuyển hàng hóa với 20 thương nhân. Giai đoạn 2 là 30% thương nhân trong chợ trong tổng số 1.800, nghĩa là có 600 thương nhân tham gia. Giai đoạn 3 là mở lại bình thường sau khi dịch được kiểm soát.
Sau 4 ngày hoạt động, từ ban đầu là 7 ô vựa tham gia với rau quả, thịt… đến ngày 10/9 có 16 ô vựa tham gia với hơn 67 tấn hàng. Điểm tập kết giữa thương lái và khách hàng, có thỏa thuận, giao hẹn trước khi đến chợ. Biển số xe, hiệu xe, tên mặt hàng, thời gian giao hàng cũng được đăng ký trước.
Ông Tân cho biết mô hình này đảm bảo không ùn tắc giao thông, tuân chủ chặt chẽ 5K. Người vào chợ phải có kết quả xét nghiệm âm tính, 3 ngày xét nghiệm một lần. Sở Công thương hỗ trợ giấy đi đường cho thương nhân, người lao động do đặc thù chợ là hoạt động từ 18h đến 8h sáng hôm sau.
Chợ phát hành thẻ cho người lao động vào chợ. Trước cổng chợ, đặt tổ kiểm tra y tế, xét nghiệm tại chỗ. Được CDC TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Y tế quận 8 hỗ trợ. Kể cả phóng viên tới đưa tin cũng phải xét nghiệm.
Cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất và đầu mối tiêu thụ
Theo ông Nguyễn Trí Hải, Giám đốc Công ty TNHH Sản Xuất Thương Mại Dịch Vụ Trí Hải, bắt đầu từ ngày 14/7, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng, chống dịch Covid-19.
Thời điểm đó, giá sản phẩm rau củ quả trên thị trường đã tăng đột biến. Công ty ngay lập tức triển khai nhiều giải pháp để tiêu thụ các sản phẩm rau củ quả, dầu ăn, nước tương, đường, muối…Bên cạnh đó, đơn vị đã có phản ứng nhanh chóng, kịp thời để đáp ứng được những đơn hàng số lượng lớn của Tổ công tác 970. “Đến ngày 5/9, Công ty đã cũng cấp 75.000 gói combo nông sản cho người dân tỉnh Bình Dương. Thời gian tới, chúng tôi sẽ cung cấp 50.000 gói combo nông sản mới cho người dân địa phương này”, ông Nguyễn Trí Hải cho biết thêm.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T cho biết, nhờ sự hỗ trợ của Tổ công tác 970 Bộ NN&PTNT, doanh nghiệp đảm bảo được chuỗi cung ứng và hoạt động tương đối tốt trong điều kiện giãn cách. “Công ty thu hoạch ở các tỉnh khá dễ, nhờ hệ thống văn bản rõ ràng từ trên xuống dưới, cũng như sự liên thông giữa các tỉnh, thành phố. Chúng tôi không còn tình trạng phải gọi điện lúc 23h cho Tổ công tác 970 để nhờ kết nối tiêu thụ nữa”, ông Tùng chia sẻ.
Thời gian qua, Vina T&T đã thu hoạch được 500 tấn nhãn tại nông trường Sông Hậu (Cần Thơ); khoảng 300 tấn thanh long ở Tiền Giang, cùng một số trái cây khác như sầu riêng. Tuy nhiên, lượng hàng này mới chỉ đáp ứng khoảng 50-60% nhu cầu xuất khẩu của công ty. Nhiều lý do dẫn đến tình trạng này.
Ông Tùng cho rằng, vấn đề nằm ở việc công ty phải đáp ứng mô hình “3 tại chỗ”, chỉ được hoạt động từ 6 - 18h hàng ngày, và tâm lý người lao động muốn về gia đình, sau thời gian dài ăn, ở, sinh hoạt tập trung cùng công ty.
Từ thực tế hoạt động của Vina T&T, ông Tùng cho rằng, đang có sự đứt gãy liên kết giữa siêu thị và các HTX, nông dân. Với thế mạnh về công nghệ sản xuất, lực lượng nhân công sẵn có, công ty đề nghị các tỉnh, thành phố cho cơ chế để kết nối, vận chuyển các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nông sản từ đơn vị có nguồn cung tới TP Hồ Chí Minh.
Ông Paul Lê, đại diện Tập đoàn Central Retail, cho biết mỗi ngày hệ thống các siêu thị của Tập đoàn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cung cấp số lượng lớn đơn hàng thiết yếu cũng như mặt hàng nông sản, lương thực thực phẩm của người dân; đón tiếp khoảng 200.000 lượt khách đến mua hàng. “Chính vì vậy, Tập đoàn đã chủ động triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh cho các nhân viên bán hàng tại các siêu thị”, ông Paul Lê cho hay.
Cũng theo lãnh đạo Tập đoàn Central Retail, thời gian gia, thông qua hệ thống các siêu thị, Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT đã hỗ trợ kết nối số lượng lớn các sản phẩm rau củ quả tươi cũng như sản phẩm khô tại Bình Dương và Đồng Nai tới người tiêu dùng của TP Hồ Chí Minh. Thời gian tới, Tập đoàn sẽ tập trung cung cấp những mặt hàng tươi sống cho người dân.
Đóng gói túi combo nông sản phục vụ nhu cầu của người dân (Ảnh minh họa).
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai Đoàn Ngọc Có, hiện nay tỉnh đang vào mùa thu hoạch rộ rau củ quả, trái cây. Cụ thể, toàn tỉnh có khoảng 19.000 ha rau đã thu hoạch nhưng cả giá bán và sản lượng tiêu thụ đều giảm do dịch Covid-19. Đại diện Sở NN&PTNT Gia Lai cho biết, thị trường chủ yếu của nông sản tỉnh là Đà Nẵng, các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, TP Hồ Chí Minh và Đông Nam bộ, tất cả đều đang có chính sách giãn cách xã hội để phòng dịch dẫn đến tiêu thụ gặp khó, sản lượng giảm đến 1/3 trong khi giá giảm từ 20-30%.
Hiện nay, Gia Lai còn khoảng 1.500 ha rau với sản lượng khoảng 25.000 tấn tiếp tục thu hoạch, trong đó khó khăn nhất là mặt hàng rau ngót với số lượng vào khoảng 700 tấn mặc dù đã có nhiều chương trình kết nối cung cầu. Ngoài ra, còn có hơn 7.500 ha trái cây chủ yếu là bơ, sầu riêng, nhãn đang vào giai đoạn thu hoạch rộ nhưng tiêu thụ gặp khó khăn. Một sản phẩm đặc trưng của tỉnh nữa đang gặp khó khăn trong tiêu thụ là khoai lang, với diện tích hơn 1.000 ha, sản lượng hàng ngàn tấn.
Về sản phẩm chăn nuôi, ông Đoàn Ngọc Có nói tỉnh còn một số trang trại nuôi gà trắng đã thời điểm xuất bán nhưng chưa lưu thông được do hệ thống nhà hàng ở các thị trường chính đều phải đóng cửa phòng chống dịch, tổng số vào khoảng 30.000 con.
Với những khó khăn trên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai mong muốn Tổ công tác 970 và Bộ sẽ tiếp tục vào cuộc, đẩy mạnh kết nối cho tỉnh với các thị trường truyền thống thông qua các HTX thu mua rau củ, trái cây quy mô lớn của địa phương với hệ thống chợ đầu mối tại các nơi đang thực hiện giãn cách xã hội.
Đánh giá cao những gì chợ Bình Điền đã làm được, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, cho biết: “Tôi đi khảo sát hai điểm chợ Hóc Môn và Bình Điền và đã có ý kiến chính thức với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc hệ thống siêu thị chỉ đáp ứng một phần. Lãnh đạo Chính phủ đã đồng ý mở hai điểm tập kết, trung chuyển. Vai trò của hai chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn là rất quan trọng”.
Thứ trưởng Nam nêu vấn đề đầu mối cung ứng tại các tỉnh có dấu hiệu “đứt gãy”, do đó, cần đẩy nhanh tốc độ giao nhận hàng. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT đề nghị chợ Bình Điền ngay tuần tới phải có buổi kết nối theo hình thức họp trực tuyến giữa hợp tác xã ở các tỉnh với chợ. Tổ trưởng Tổ công tác 970 cũng nêu vấn đề về nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đang rất muốn kết nối với chợ đầu mối.
“Tổ công tác 970 sẽ tham gia hỗ trợ, đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý. Bộ đang có dự án về nâng cao chất lượng nông sản với sự hỗ trợ của Canada. Nếu chợ xây dựng được chuỗi liên kết tốt, chúng tôi sẽ thí điểm mô hình này tại Bình Điền. Đề nghị Ban quản lý chợ nghiên cứu thực hiện”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam kết luận.