Toàn cảnh hội nghị phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, sáng nay 2/11
Ngày 2/11, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học. Hội nghị nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được trong hai năm thực hiện chương trình phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học giai đoạn 2021-2025, tổng hợp những những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và đưa ra những giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết, định hướng phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV là rất quan trọng và đã được đề cập trong các đề án của ngành nông nghiệp, trong đó ưu tiên phát triển và sử dụng thuốc BVTV sinh học.
Trong danh mục thuốc BVTV hiện nay, thuốc sinh học hiện chiếm 19% và khối lượng sử dụng tăng dần theo thời gian; lợi ích từ sử dụng thuốc sinh học rất rõ. Đây là tiền đề để thực hiện hiệu quả việc phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học trong thời gian tới.
“Bộ NN&PTNT đánh giá rất cao nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương đã đồng hành và tạo ra các kết quả tích cực trong việc đẩy mạnh ứng dụng thuốc BVTV sinh học trong thời gian qua như xây dựng được các mô hình sử dụng thuốc BVTV sinh học; thay đổi nhận thức, tư duy của người dân; tạo ra các sản phẩm thuốc BVTV sinh học và ứng dụng vào sản xuất” - Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, nhằm cụ thể hóa các chính sách về thuốc BVTV sinh học, Cục BVTV đã xây dựng và triển khai chương trình "Phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học giai đoạn 2021 - 2025". Trong công tác quản lý, một số chính sách ưu tiên về đăng ký thuốc BVTV sinh học so với các thuốc BVTV hóa học đã được ban hành và triển khai.
Đối với thuốc BVTV sinh học, nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư cho nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo ra thuốc BVTV sinh học đã được quy định tại Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho rằng, muốn hình thành một nền nông nghiệp phát triển bền vững thì cần có hành lang pháp lý chặt chẽ cho thuốc bảo vệ thực vật sinh học
Về phía Cục BVTV, ông Huỳnh Tất Đạt – Cục trưởng Cục BVTV cho biết, đơn vị sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký, khảo nghiệm và đưa thuốc BVTV sinh học vào danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam. Đồng thời, hỗ trợ nhập khẩu nghiên cứu, thử nghiệm các thuốc BVTV sinh học nhóm vi sinh, thảo mộc. Xây dựng quy trình và hướng dẫn sử dụng các thuốc BVTV sinh học cho một số cây trồng có giá trị kinh tế, tiềm năng xuất khẩu.
Ngoài ra, tiếp tục phối hợp với các địa phương, hội, hiệp hội, doanh nghiệp lựa chọn triển khai xây dựng các mô hình sử dụng thuốc BVTV sinh học. Trong đó, ưu tiên lựa chọn các cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, có tiềm năng xuất khẩu; vùng có nguy cơ mất an toàn do sử dụng thuốc hóa học; vùng sản xuất hữu cơ, chuyên canh.
Tại hội nghị, Hiệp hội CropLife châu Á và CropLife Việt Nam cũng chia sẻ về xu hướng nghiên cứu, phát triển và sử dụng thuốc BVTV sinh học trên thế giới cũng như một số đề xuất để thúc đẩy ứng dụng tại các nước có mô hình canh tác quy mô nhỏ, trong đó có Việt Nam.
Theo chia sẻ của tổ chức CropLife châu Á, trên quy mô toàn cầu, ngoài hơn 600 hoạt chất BVTV tổng hợp, hiện có khoảng 300 hoạt chất và sinh vật trừ sâu sinh học. Bắc Mỹ hiện đang là khu vực có tỷ lệ ứng dụng thuốc BVTV sinh học cao nhất. Trong giai đoạn 2005 – 2025; mức độ tăng trưởng thị trường thuốc BVTV sinh học bình quân hàng năm là 10% trong khi tỷ lệ này của thuốc hoá học đang giảm 3% mỗi năm.
Tổ chức CropLife châu Á cũng nhấn mạnh vai trò của thuốc BVTV sinh học khi đây được xem là một trong những công cụ hữu hiệu trong chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và chương trình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) khi kết hợp cùng với các sản phẩm hóa chất nông nghiệp khác, biện pháp canh tác và các yêu tố đầu vào… để đảm bảo năng suất và chất lượng tối ưu trong việc phòng trừ dịch hại.
Nhiều khó khăn khi phát triển thuốc BVTV sinh học Tại hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Trung cũng chỉ ra một số hạn chế, khó khăn khi phát triển thuốc BVTV tại Việt Nam như nhận thức của doanh nghiệp, người dân và địa phương còn hạn chế; quy định hiện nay chưa thực sự tạo động lực và hấp dẫn để chuyển hướng nghiên cứu phát triển thuốc sinh học; nghiên cứu về thuốc sinh học tập trung chủ yếu ở bước phòng thí nghiệm; hiện số lượng mô hình còn ít, cần đa dạng hơn… Về khoa học công nghệ, cần khuyến khích liên kết nghiên cứu, phát triển thuốc sinh học giữa các doanh nghiệp với các viện, trường hoặc các doanh nghiệp khoa học công nghệ được thực hiện các dự án theo hình thức hợp tác công tư trong lĩnh vực này. Cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến việc tuân thủ thực thi pháp luật, các chính sách của Chính phủ, Bộ NN&PTNT về ưu tiên trong việc phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học; tăng cường hợp tác công tư với sự tham gia của doanh nghiệp, nhà nước, Hiệp hội ngành hàng và người dân cùng phối hợp thực hiện sử dụng thuốc BVTV sinh học trong sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về thuốc BVTV sinh học, tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm và năng lực của các nước phát triển và các tổ chức quốc tế như FAO, WHO... để phát triển thuốc BVTV sinh học; chuyển giao các công nghệ mới, tiên tiến trong sản xuất thuốc BVTV sinh học. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với sản xuất, kinh doanh, buôn bán và sử dụng thuốc BVTV, nhất là công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý thuốc BVTV. |