Sáng 31/8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Lê Minh Hoan đã chủ trì Diễn đàn Kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản với sự tham gia trực tuyến của 63 tỉnh, thành phố và gần 200 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trong cả nước...
Mục đích của Diễn đàn là để hình thành, kết nối các khâu sản xuất, chế biến, thu hoạch, lưu thông, tiêu thụ nông sản... Qua đó, tạo mối "liên kết - hợp tác" chặt chẽ, nhiều chiều giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp và bà con nông dân.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại diễn đàn
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biêt, chúng tôi nhận được nhiều lời chúc mừng, cảm ơn của bà con nông dân, của các hợp tác xã (HTX). Đây không phải điều mới mẻ, nhưng là lần đầu tiên một tổ công tác của Bộ chuyên ngành làm điều này. Trong bối cảnh bình thường, không có dịch bệnh, thì nguyên lý kinh tế học là kết nối nguồn cung. Thị trường quyết định, chứ người sản xuất không quyết định.
Thông qua diễn đàn này, nhà vườn, nông dân sẽ hiểu hơn quy luật thị trường, tín hiệu thị trường để tìm cách đáp ứng. Các Sở NN&PTNT cũng tìm thấy vai trò của mình trong định hướng sản xuất. Mọi điều đều phụ thuộc vào thị trường và cách ứng xử với thị trường.
“Ngày xưa chúng ta bán cái mình có, bây giờ chúng ta bán cái thị trường cần. Các trung tâm tiêu thụ nông sản sẽ phát đi tín hiệu, từ đó kích thích người nông dân xây dựng mã vùng trồng, vùng nuôi, nắm chắc thị trường 100 triệu dân trong nước, rồi mở rộng ra nước ngoài”, Bộ trưởng Hoan nhấn mạnh.
Gói combo nông sản cung cấp 55% lượng nông sản đến TP Hồ Chí Minh, Bình Dương
Thời gian qua, Tổ công tác 970 đã thực hiện kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nhiều tỉnh, thành phố Nam bộ. Đến nay đã có trên 1.300 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký với Tổ công tác 970, sản lượng hàng ngàn tấn mỗi ngày, sản phẩm cung cấp rất đa dạng gồm: Thủy hải sản; rau củ quả các loại; trái cây các loại; trứng và thịt; lương thực; nông sản chế biến và nhiều thực phẩm thiết yếu khác. Các đầu mối cung cấp hàng hóa là hệ thống các HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình, trang trại, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nhỏ, các ban quản lý chợ và nhiều đơn vị khác.
Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh
Đối với TP Hồ Chí Minh, Tổ công tác 970 đã triển khai thành công chương trình túi an sinh kết hợp 05 loại nông sản tổng trọng lượng 10kg/túi (combo 10kg/túi) cho một số doanh nghiệp, siêu thị ở Thành phố. Túi an sinh này đảm bảo cho nhu cầu 01 hộ trong 3-5 ngày với các mức giá theo các đối tượng khác nhau, bao gồm: Combo bình dân giá 100.000 đồng/túi 10kg gồm các loại rau ăn củ như khoai lang, khoai môn nhỏ, củ sắn, khóm, chanh, củ cải trắng, dưa leo; Combo trung bình giá 150.000 đồng/túi 10kg gồm rau ăn củ, rau ăn lá và trứng; Combo hạng cao hơn giá 200.000 đồng/túi 10kg gồm rau ăn củ, rau ăn lá, gạo và trứng.
Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, Sở Công thương và Sở NN&PTNT TP đã kết nối nhiều điểm cung cấp lương thực thực phẩm. Trong đó Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT đã kết nối hơn 1.300 đầu mối các tỉnh thành phía Nam và khu vực Tây Nguyên để cung ứng mặt hàng nông sản cho người dân.
Ngoài ra, còn nhiều combo kết hợp thủy hải sản, thịt các loại và trứng theo yêu cầu của người đặt, có thể giá cao hơn, hàng hóa đáp ứng nhiều hơn. Các túi combo này đều do các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng túi theo yêu cầu khách hàng, đảm bảo chất lượng sản phẩm được Tổ công tác 970 đưa vào danh sách đầu mối hệ thống kết nối cung cầu nông sản của Tổ công tác, được tổ chức hoạt động 1 tháng nay, thay thế hệ thống chợ đầu mối đã tạm thời dừng hoạt động.
Đóng gói túi combo nông sản phục vụ nhu cầu nhân dân thực hiện Chỉ thị 16
Hiện tại, năng lực cung cấp các túi combo gồm túi an sinh rau củ 100.000 đồng/túi 10kg và các túi combo giá trị cao hơn từ 200.000-400.000 đồng/túi rất đa dạng chủng loại hàng hóa từ rau củ, thịt, cá, trứng, sữa, hàng nông sản chế biến... với số lượng khoảng 80.000 - 100.000 túi/ngày (800 - 1.000 tấn/ngày) và khả năng lên 150.000 túi/ngày (1.500 tấn/ngày) nếu có sự hỗ trợ vận chuyển. Tổ công tác 970 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh ưu tiên triển khai mô hình trên cho người dân thành phố và đang được UBND Thành phố hợp tác, có các chỉ đạo tích cực để các đơn vị phối hợp Tổ 970 chào hàng đến người dân. Ngày 30/8/2021 đã có 41.000 gói combo vận chuyển được đến các điểm có thể giao hàng được tại các quận 7, 11, Nhà Bè, TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh.
Dự kiến số lượng đặt hàng trong tuần tăng mạnh do Tổ 970 đã liên kết được nhiều cơ quan nhà nước tại các quận, huyện, các tổ đi chợ hộ của các quận/phường giúp các đơn vị này đặt hàng số lượng lớn trực tiếp từ HTX. Thời gian từ lúc đặt hàng đến lúc người dân nhận hàng là 3 ngày, hàng đã đóng thành túi hoặc thùng rất thuận lợi cho người dân lựa chọn. Dự kiến sẽ có 2 đợt giao hàng combo số lượng lớn về TP Hồ Chí Minh vào ngày 2/9 và 4/9 mỗi ngày trên 50.000 combo (đã có đơn hàng).
Chương trình “Combo 10kg/túi” nhận được sự hưởng ứng từ các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như phía có nhu cầu tại TP Hồ Chí Minh và góp phần hạn chế nguy cơ nhiễm Covid-19 khi người dân ít đi mua sắm hoặc có đi mua sắm cũng không cần đi nhiều điểm, giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Nhìn xa hơn gói “combo” có thể là tín hiệu, chỉ dấu từ thị trường, khuyến khích người sản xuất chủ động hợp tác để đáp ứng nhu cầu khác nhau của thị trường, của người tiêu dùng.
Ông Paul Lê, Phó Chủ tịch Central Group, chia sẻ: Từ gợi ý của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam và các thành viên trong Tổ công tác đặc biệt 970 của Bộ, ngay từ những ngày đầu, chúng tôi thấy rõ tầm quan trọng của Tập đoàn trong đóng góp, hỗ trợ nông dân Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, đồng thời chung tay tạo ra sản phẩm nông nghiệp tốt, cung cấp cho các chuỗi siêu thị.
Ông Paul Lê, Phó Chủ tịch Central Group chia sẽ tại diễn đàn
Chúng tôi hỗ trợ theo hai cách. Cách thứ nhất, chúng tôi phối hợp với Tổ công tác 970 hỗ trợ tiêu thụ 10.000 gói combo nông sản đến những người dân bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Central Group có 13 điểm siêu thị tại 3 tỉnh/thành phía Nam bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19, bởi vậy, ông Paul Lê cho biết: “Chúng tôi sẽ hỗ trợ chính quyền địa phương, người dân để gom các đơn hàng và tổ chức giao hàng hoá phục vụ người dân trong thời gian nhanh và đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt”.
Phát triển sản phẩm nông sản phù hợp nhu cầu online
Đánh giá về chương trình “Kết nối nông sản 970”, TS Trần Minh Hải, Tổ công tác 970, Bộ NN&PTNT, cho biết: Việc ứng dụng công nghệ số (sử dụng trang web kết nối cung cầu, hướng dẫn người dân sử dụng zalo và website) vào kết nối cung cầu của Tổ công tác 970 mang lại nhiều hiệu quả thiết thực như: Số liệu báo cáo nhanh, chính xác, phân tích và dự báo được xu hướng cung cầu hàng hóa; người mua và người bán tiếp cận thông tin đầy đủ gồm: Tên hàng, sản lượng, tên người liên hệ, số điện thoại liên lạc nên việc mua bán diễn ra thuận lợi cho cả người mua và người bán. Thông qua hoạt động này đã hình thành các đầu mối lớn cung cấp nông sản - hàng hóa giúp đẩy nhanh thời gian cung cấp hàng từ các tỉnh về TP Hồ Chí Minh trong những ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16. Mỗi ngày kết nối thành công hàng trăm, hàng ngàn tấn nông sản và hàng hóa thông qua việc Tổ công tác đăng tin trên các báo, gửi danh sách đầu mối cấp hàng đến email, tin nhắn zalo đến đơn vị mua hàng có đăng kí qua Tổ công tác 970 như hệ thống siêu thị, các cửa hàng, tiểu thương các chợ đầu mối (kinh doanh ở nhà khi các chợ đầu mối đóng cửa).
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co-op), cho biết đây là diễn đàn vô cùng có ý nghĩa. Ông Đức nói Saigon Co-op cảm thấy vinh dự, tự hào được Bộ NN&PTNT mời tham dự, tìm cách kết nối với nông dân. “Chúng tôi thực ra cũng là một đơn vị hợp tác xã, rất mong muốn được hỗ trợ trong chính sách chung. Bởi tình hình chung là một số đơn vị đã phải ngưng hoạt động, không vượt qua được khó khăn trong đại dịch”, ông Đức chia sẻ.
Theo thống kê của Saigon Co-op, đơn vị này được hưởng lợi nhiều từ các chính sách, chương trình của Bộ NN&PTNT, và của Tổ công tác 970. Saigon Co-op đã tiếp xúc được với 47 điểm cầu, 1.344 điểm kết nối, thu mua hàng nghìn tấn nông sản. Các hoạt động như chương trình liên quan đến sản phẩm OCOP, tỷ trọng đang nâng dần từ 2,7% lên 5,6%, với đầu mối là các hợp tác xã thực hiện OCOP từ địa phương.
Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tuyến
Theo Ban Chỉ đạo phát triển thị trường nông sản của Bộ NN&PTNT, diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản có các nhiệm vụ trọng tâm là: Thông tin xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu nông sản, vật tư nông nghiệp và sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn; Thông tin thống kê, tổng hợp, dự báo, phục vụ quản lý sản xuất, xúc tiến thương mại và kết nối cung cầu nông sản; Thông tin chuyển đổi số, đẩy mạnh áp dụng mã số vùng trồng, tổ chức liên kết chuỗi, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn chất lượng nông sản; đào tạo, nâng sao năng lực tổ chức sản xuất và thúc đẩy kết nối cung cầu nông sản, sản phẩm du lịch nông thôn; Đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các chuỗi hoạt động sản xuất – tiêu thụ nông sản.
Diễn đàn sẽ được tổ chức theo từng chủ đề ngành hàng nông sản theo từng mùa vụ được gắn với từng vùng miền và các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn, như: Tổ chức các phiên Diễn đàn thông tin kết nối cung cầu nông sản, lương thực thực phẩm cho Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Miền Trung – Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, ĐBSCL và các vùng bị giãn cách do dịch Covid-19. Kết nối cung – cầu vật tư đầu vào, thúc đẩy sản xuất các vụ quan trọng còn lại trong năm: Tôm nuôi vụ 2, vụ 3, lúa vụ thu đông và đông xuân ở ĐBSCL, vụ đông ở miền Bắc… Tại các diễn đàn, các nhà quản lý, chuyên gia các lĩnh vực sẽ thảo luận, tư vấn về phương thức tổ chức sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản và việc kết nối, thúc đẩy phát triển sản xuất gắn với thị trường.
Các kết quả hoạt động thông tin của Diễn đàn sẽ bao gồm: Thông tin dự báo nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP, mạng lưới cung ứng, thu mua, các đầu mối như: HTX, tổ hợp tác, trang trại, doanh nghiệp… Xây dựng dữ liệu quản lý vùng trồng: Thông tin nguồn cung nông sản theo từng vùng, tiểu vùng: Thủy sản, trái cây, rau màu, lúa gạo đặc sản, chăn nuôi, lâm sản, dược liệu… Giới thiệu nông sản thế mạnh địa phương, thông tin thời vụ gieo trồng, thời điểm thu hoạch, sản lượng, chất lượng, giúp cơ quan quản lý Nhà nước trong chỉ đạo sản xuất, giúp địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản. Xây dựng bản đồ, thông tin quảng bá và tư vấn cho các địa phương, doanh nghiệp phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, như: Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và quảng bá điểm du lịch cộng đồng; Cập nhật các điểm du lịch, dịch vụ du lịch cộng đồng đạt chuẩn và các tuyến điểm du lịch lên bản đồ; Tư vấn chuẩn hóa điểm đến du lịch theo bộ tiêu chí chương trình OCOP và tham gia đánh giá, xếp hạng.