Vay qua app, món vay nhỏ, hậu quả lớn
Ngày 31/10, VTVMoney- Đài Truyền hình Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Gỡ khó cho vay tiêu dùng- Đẩy lùi tín dụng đen”. Hội thảo nhằm tìm giải pháp hỗ trợ thị trường tín dụng tiêu dùng phát triển lành mạnh, trở thành kênh cung cấp vốn cho các nhu cầu chính đáng của người dân, đặc biệt là người lao động thu nhập thấp.
Các chuyên gia cho biết, thời gian qua, có tình trạng tín dụng đen "núp bóng" cho vay tiêu dùng
Các chuyên gia cho biết, thời gian qua, có tình trạng tín dụng đen "núp bóng" cho vay tiêu dùng, thậm chí mạo danh ngân hàng, công ty tài chính… khiến người vay không phân biệt được đâu là công ty tài chính, fintech được cấp phép chính thống, đâu là tín dụng đen. Tình trạng này kéo theo hiện tượng một số khách hàng mượn những thông tin công ty tài chính bị kiểm tra để tẩy chay, chây ỳ trả nợ thậm chí lan truyền xúi giục nhiều người khác cùng “bùng nợ” trên mạng xã hội càng khiến thị trường vay tiêu dùng bị méo mó.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn- Phó trưởng phòng 6- Cục Cảnh sát hình sự- Bộ Công an, thời gian qua, Bộ đã triệt phá rất nhiều vụ việc “bùng nợ” và đòi nợ khi vay qua app. “Các khoản vay qua các app tưởng chừng rất nhỏ, nhiều món vay chỉ 1,6 triệu nhưng khi khách hàng bùng nợ, các khoản phí và lãi phải trả cho việc kéo dài thời gian trả nợ do bùng nợ là rất cao. Điều này dẫn đến tình trạng, món vay nhỏ nhưng nợ phải trả lại gấp nhiều lần, hệ luỵ là rất lớn. Khi tham gia vay các app, thế chấp qua app, việc lộ lọt thông tin khiến các đối tượng nắm được để thực hiện các hành vi doạ dẫm, đòi nợ trái quy định của pháp luật là rất lớn. Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo người dân cần tiếp cận tài chính qua các kênh chính thống”- ông Sơn cho biết.
Trong 5 năm gần đây, tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thị trường tín dụng tiêu dùng đang gặp khủng hoảng khi liên tiếp đối mặt nhiều khó khăn do dịch Covid- 19, suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát khiến lãi suất tăng. Đặc biệt, công nhân, người lao động, người thu nhập thấp vốn là phân khúc khách hàng chính của công ty tài chính bị giảm thu nhập, giảm việc làm hoặc thất nghiệp… ảnh hưởng tới khả năng trả nợ sau khi vay vốn của khách hàng. Chất lượng tài sản tại các công ty tài chính tiêu dùng sụt giảm, nợ xấu gia tăng cũng buộc các công ty này phải siết chặt điều kiện cho vay hơn. Cùng với đó sẽ đẩy mức lãi suất cho vay tăng cao khiến những người có nhu cầu vay tiêu dùng chính đáng càng khó tiếp cận các khoản vay chính thống và có thể sẽ bị buộc phải tìm đến tín dụng đen để giải quyết các nhu cầu vốn sinh hoạt cấp thiết.
Ước tính tới nay, các công ty tài chính tiêu dùng được cấp phép đã hỗ trợ được khoảng 30 triệu người tiếp cận được vốn vay, với dư nợ bình quân khoảng 35-50 triệu đồng/người.
Nợ là phải trả, sao lại bùng?
Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/7/2023, dư nợ cho vay phục vụ đời sống đạt 2,6 triệu tỷ đồng, tăng 2,93% so với cuối năm 2022, chiếm 21,31% dư nợ nền kinh tế. Nếu so sánh với mức tăng 22% của cả năm 2022, thì con số 2,93% của 7 tháng năm 2023 là quá khiêm tốn. Số liệu trên cho thấy thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng phát triển khi nhu cầu vay vốn tiêu dùng của người dân là rất lớn.
Tình trạng khách hàng cố tình không trả nợ là một thực tế nhức nhối đang diễn ra. Người trước khuyên người sau không trả nợ, thậm chí cán bộ công ty đến đòi nợ hoặc nhắc nợ thì chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ là dùng biện pháp manh động để đòi nợ đến chính quyền. Một số đối tượng lợi dụng việc cơ quan quản lý trấn áp tội phạm tín dụng đen và cố tình qui kết các công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép là tổ chức tín dụng đen nên không trả nợ và thành lập hội bùng nợ trên zalo, facebook …. nhưng không hề bị xử lý.
Thực trạng đó dẫn đến nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng tăng cao, cán bộ thu hồi nợ nghỉ việc, các công ty tài chính không thể tiếp tục mở rộng cho vay được. Thực tế, dư nợ không tăng mà còn giảm so với năm 2022 (giảm trên 60.000 tỷ). Người dân có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp cận được vốn vay từ công ty tài chính tiêu dùng… Hệ quả là tín dụng đen bắt đầu trỗi dậy, mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước tích cực triệt phá nhiều ổ nhóm tín dụng đen song diễn biến còn rất phức tạp dưới nhiều hình thức tinh vi nhất là trên môi trường mạng.
Tổng Giám đốc MB Shinsei (Mcredit) Lê Quốc Ninh cho biết, hậu quả của việc bùng nợ không đến trong ngày một ngày hai mà về dài hạn, khi có nhu cầu vay vốn, lịch sử tín dụng của khách hàng sẽ rất xấu. Cơ hội tiếp cận tín dụng chính thống khi cần sẽ rất khó khăn.
Về hình thức xử phạt, theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền- Giám đốc Công ty Luật Thiên Thanh, đã nợ là phải trả. Hành vi bùng nợ có thể xử phạt từ mức hành chính đến hình sự. “Việc lập hội nhóm những người cố tình đưa thông tin sai lệch có thể bị xử lý, xử phạt hành chính. Nếu cố tình vi phạm, có thể xem xét yếu tố hình sức với tội làm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Như vậy, các quy định xử phạt với hành vi này đã có đầy đủ.
Về vấn đề thu nợ, trả lời câu hỏi có hay không việc công ty tài chính “tác động vật lý” vào khách hàng trong quá trình đòi nợ, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt- Quyền Tổng giám dốc FE Credit cho biết, không một doanh nghiệp nào chấp nhận để nhân viên mình thực hiện các hành vi đòi nợ bạo lực, trái với các quy định của pháp luật cả.
Bà Nguyệt cũng thông tin, FE Credit hiện đang tăng ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào quy trình cho vay, vận hành tín dụng tiêu dùng. “Ví dụ, chúng tôi dùng AI để hiểu tâm lý của khách hàng như thế nào và có các phương án, điều chỉnh thu nợ phù hợp? Công nghệ sẽ hỗ trợ gia tăng sự chuyên nghiệp trong cho vay và thu nợ”- đại diện FE Credit nhấn mạnh.