Công văn nêu rõ, UBND thành phố nhận được Văn bản số 8227/BTC-QLG ngày 26/7/2021 của Bộ Tài chính về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý và bình ổn giá trên địa bàn trong những tháng cuối năm 2021.
Ảnh minh họa |
Về việc này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải giao các sở: Tài chính, Công Thương, NN&PTNT, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Y tế, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá cả thị trường, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Thành phố... để kịp thời có các giải pháp bình ổn giá thị trường phù hợp theo đúng quy định; kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công; chủ động, tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Tư pháp chủ động triển khai và hướng dẫn các sở quản lý ngành của Thành phố rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý giá thuộc thẩm quyền của Thành phố để kịp thời sửa đổi, bổ sung các nội dung còn vướng mắc, bất cập (nếu có), tham mưu UBND thành phố theo quy định pháp luật.
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, thông tin kịp thời về tình hình cung - cầu, giá cả thị trường; đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu... để hạn chế tối đa các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý, kỳ vọng lạm phát, tránh các tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả thị trường, đời sống người dân; Sở Tài chính theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện các nội dung trên, báo cáo UBND thành phố theo quy định.