Giá vàng thế giới hôm nay 11/11/2021, tính đến 15 giờ (giờ Việt Nam) đang giao dịch quanh ngưỡng 1.857 USD/ounce - tăng 9 USD/ounce so với đầu giờ sáng nay.
Giá vàng thế giới và trong nước chiều 11/11 tiếp tục tăng “nóng”. Ảnh: Reuters
Giá vàng tăng cao sau khi dữ liệu cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng hơn dự kiến trong tháng 10. Điều này củng cố thêm sức hấp dẫn của kim loại quý như một hàng rào chống lại lạm phát.
Cụ thể, CPI tháng 10 của Mỹ đã tăng 0,9% so với tháng 9 và tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, chỉ số này được dự kiến sẽ tăng 0,6% so với tháng 9 và tăng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái. CPI tháng 10 là chỉ số CPI cao nhất của Mỹ trong hơn 30 năm.
Bộ Lao động Mỹ cũng vừa cho biết, chỉ số giá sản xuất (PPI) đã tăng 0,6% trong tháng 10/2021 sau khi tăng 0,5% trong tháng 9/2021. Trong 12 tháng tính đến tháng 10/2021, PPI tăng 8,6% đã góp phần đẩy giá vàng lên cao.
Rõ ràng, thị trường không còn tin rằng lạm phát chỉ là nhất thời như những tuyên bố của các quan chức Fed trước đó.
David Meger, Giám đốc kinh doanh kim loại tại High Ridge Futures cho biết: “Một lần nữa chúng tôi lại có dữ liệu lạm phát nóng”. Với việc vàng là hàng rào tinh túy chống lại lạm phát, chúng tôi tin rằng lạm phát là môi trường tích cực cơ bản thúc đẩy đà tăng của thị trường vàng trong những tuần và tháng tới.
"Môi trường này là một con dao hai lưỡi, bởi vì khi dữ liệu lạm phát tiếp tục được đưa ra nóng hơn dự kiến, mối quan tâm sẽ là liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có giảm thanh khoản nhanh hơn dự đoán, điều này dẫn đến động thái giảm giá hay không".
Giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng hơn dự kiến trong tháng 10 do chi phí xăng dầu và thực phẩm tăng, dẫn đến mức tăng hằng năm lớn nhất kể từ năm 1990.
Giá vàng miếng đã dao động quanh mức cao nhất trong 2 tháng trong vài phiên qua sau khi các ngân hàng trung ương chủ chốt đảm bảo vào tuần trước rằng lãi suất sẽ vẫn ở mức thấp trong thời điểm hiện tại, trong đó Fed vẫn giữ quan điểm rằng lạm phát là “nhất thời”.
Kim loại quý được hưởng lợi từ lãi suất thấp khi chúng giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, vốn không mang lại lãi suất.
Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA cho biết: “Có vẻ ngày càng có nhiều quan điểm cho rằng, đối với tất cả cảnh báo xung quanh việc tăng lãi suất, các ngân hàng trung ương không muốn tuân theo”.
Harshal Barot, nhà tư vấn nghiên cứu cấp cao về Nam Á tại Metals Focus, cho biết, việc tăng lãi suất có thể không nhanh chóng như kỳ vọng ban đầu của thị trường và lạm phát tiếp tục ở mức cao, tạo ra một bối cảnh vĩ mô hỗ trợ kim loại quý này phục hồi.
Dữ liệu lạm phát tháng 10 chính là yếu tố kích hoạt giá vàng tăng cao khi các nhà đầu tư đang tích cực tìm đến kim loại quý này như một biện pháp phòng ngừa rủi ro.
Tuy nhiên, nếu CPI tăng quá cao có thể dẫn đến xu hướng chốt lời vàng, và nhiều khả năng Fed sẽ phải bắt đầu tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Vàng có xu hướng được hưởng lợi từ lãi suất thấp bởi lãi suất thấp làm giảm chi phí cơ hội của mặt hàng không sinh lời này.
Các quan chức Fed vẫn duy trì chính sách tiền tệ "ôn hòa". Chủ tịch Fed Jerome Powell và Phó Chủ tịch Fed Richard Clarida đều nhắc lại rằng việc tăng lãi suất có thể sẽ không diễn ra cho đến cuối năm 2022 hoặc 2023.
Trên thị trường trong nước, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn chi nhánh Hà Nội hiện tại đang niêm yết vàng SJC ở mức: 59.100 triệu đồng/lượng (mua vào) và 59,820 triệu đồng/lượng (bán ra).
Tập đoàn Vàng Bạc Đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 59,000 triệu đồng/lượng (mua vào) và 59,600 triệu đồng/lượng (bán ra).
Giá vàng SJC giao dịch lẻ của Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức giá 58,960 triệu đồng/lượng (mua vào) và 59,550 triệu đồng/lượng (bán ra).
Công ty Phú Quý niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 58,950 triệu đồng/lượng (mua vào) và 59,600 triệu đồng/lượng (bán ra).