Vàng nhẫn trượt khỏi ngưỡng 83 triệu đồng/lượng
Giá vàng miếng các thương hiệu trong nước giảm 500.000 đồng ở cả 2 chiều. Tương tự, giá vàng nhẫn cũng được điều chỉnh giảm mạnh trượt ngưỡng 83 triệu đồng/lượng bán ra. Hiện tại giá vàng các thương hiệu đang niêm yết cụ thể như sau:
Vàng miếng SJC đang được các ngân hàng Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank và các công ty vàng bạc đá quý bán ra ở mức 84,5 triệu đồng/lượng. Ở chiều mua, giá vàng các thương hiệu được niêm yết ở mức 82,5 triệu đồng/lượng.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Đối với vàng nhẫn, giá vàng SJC 9999 niêm yết ở mức 81,5 triệu đồng/lượng mua vào và 82,8 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 300.000 đồng ở cả 2 chiều. DOJI tại thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh điều chỉnh giảm giá mua 300.000 đồng và giá bán 400.000 đồng xuống lần lượt 82 triệu đồng/lượng và 82,9 triệu đồng/lượng. Giá mua và giá bán vàng nhẫn thương hiệu PNJ được điều chỉnh giảm lần lượt 500.000 đồng và 400.000 đồng xuống 81,8 triệu đồng/lượng và 82,9 triệu đồng/lượng.
Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá nhẫn tròn trơn ở mức 81,88 triệu đồng/lượng mua vào và 82,88 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 300.000 đồng cả giá mua và giá bán. Phú Quý SJC đang thu mua vàng nhẫn mức 81,95 triệu đồng/lượng và bán ra mức 82,9 triệu đồng/lượng, giảm 400.000 đồng ở cả 2 chiều.
Giá vàng thế giới
Theo Kitco, giá vàng thế giới ghi nhận lúc 5 giờ hôm nay theo giờ Việt Nam giao ngay ở mức 2.629,82 USD/ounce. Giá vàng hôm nay tăng 0,85% so với giá vàng ngày hôm qua. Quy đổi theo tỷ giá USD, trên thị trường tự do (25.300 VND/USD), vàng thế giới có giá khoảng 80,5 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí). Như vậy, giá vàng miếng SJC đang cao hơn giá vàng quốc tế là 4,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng phục hồi vào thứ Năm, chấm dứt chuỗi 6 phiên giảm liên tiếp, khi các nhà giao dịch đón nhận các số liệu quan trọng của Mỹ. Dữ liệu mới nhất đã giúp giới đầu tư phần nào dự đoán được đường hướng chính sách tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong năm nay.
Dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,2% trong tháng 9. Trong 12 tháng tính đến tháng 9, CPI tăng 2,4%, đây là mức tăng theo năm nhỏ nhất kể từ tháng 2-2021. Một báo cáo khác cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hằng tuần đã tăng lên 258.000 trong tuần kết thúc vào ngày 5-10, so với ước tính là 230.000 đơn.
Theo đánh giá của Giám đốc điều hành Alex Ebkarian của Allegiance Gold, báo cáo CPI cho thấy lạm phát đang giảm và báo cáo việc làm cho thấy thị trường lao động suy yếu đã khiến giới đầu tư càng chắc chắn rằng Fed đang đi đúng hướng, điều đó đã giúp hỗ trợ vàng.
Ông Ebkarian cho biết thêm: “Vài ngày qua, đà tăng của giá vàng đã chậm lại, do đó, kim loại quý này đang ở vị thế tốt để tăng trở lại”. Ông cho rằng, các sự kiện địa chính trị cùng nhu cầu mạnh mẽ từ các ngân hàng trung ương sẽ là những chất xúc tác tích cực khác cho vàng.
Ảnh minh họa
Ngân hàng UBS dự báo giá vàng sẽ tăng, đạt 2.800 USD vào cuối năm 2024 và 3.000 USD vào năm 2025. Sự tăng giá này phản ánh nhu cầu mạnh mẽ và liên tục đối với vàng từ nhiều phân khúc thị trường mà không chịu áp lực bán ra.
Các yếu tố kinh tế vĩ mô như chính sách nới lỏng tiền tệ toàn cầu đang tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua vàng. Lãi suất thấp làm giảm chi phí giữ vàng, khuyến khích nhà đầu tư đầu tư nhiều hơn vào kim loại quý này.
UBS kỳ vọng các ngân hàng trung ương và tổ chức chính thức sẽ tiếp tục mua vàng để bổ sung dự trữ. Các ngân hàng trung ương đang tìm cách đa dạng hóa dự trữ do lo ngại về rủi ro trừng phạt và bất ổn địa chính trị, mặc dù tốc độ mua có thể giảm.
Nhu cầu vàng vật chất từ người tiêu dùng, đặc biệt ở Trung Quốc và Ấn Độ, dự kiến sẽ ổn định dù giá có tăng.
Theo công cụ FedWatch của CME, thị trường đang kỳ vọng 84,9% khả năng Fed sẽ cắt giảm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 11.
Peter A. Grant, Phó chủ tịch kiêm chiến lược gia kim loại cấp cao của Zaner Metals, dự báo, giá vàng có thể sớm đạt 2.700 USD/ounce và thậm chí 3.000 USD/ounce do nhu cầu phòng ngừa rủi ro tăng cao.
Một số chuyên gia khác cũng kỳ vọng giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới do bất ổn kinh tế và địa chính trị toàn cầu. Bất chấp những áp lực từ biến động lãi suất của Mỹ và căng thẳng địa chính trị, kim loại quý vẫn là lựa chọn an toàn cho các nhà đầu tư dài hạn.
Ngân hàng UBS của Thụy Sĩ dự báo, việc nới lỏng chính sách tiền tệ đang diễn ra, không chỉ với Fed mà còn của các ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu, điều này sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc mua vàng.