Giá vàng trong nước
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet
Giá vàng trong nước rạng sáng nay tiếp đà tăng với mức tăng cao nhất là 250.000 đồng/lượng. Hiện tại, giá vàng miếng các thương hiệu đang niêm yết cụ thể như sau.
Giá vàng DOJI tại khu vực Hà Nội đã được điều chỉnh tăng 200.000 đồng ở cả 2 chiều lên lần lượt 68,1 triệu đồng/lượng mua vào và 69 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng thương hiệu này đang mua vào và bán ra thấp hơn 100.000 đồng so với khu vực Hà Nội, tăng 100.000 ở cả 2 chiều so với rạng sáng qua.
Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng mua vào mức 68,25 triệu đồng/lượng và bán ra mức 68,97 triệu đồng/lượng. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng. Như vậy, so với rạng sáng qua, giá vàng SJC đã được điều chỉnh tăng 250.000 đồng ở cả 2 chiều.
Giá vàng PNJ niêm yết ở mức 68 triệu đồng/lượng mua vào và 68,8 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 100.000 đồng ở chiều mua và 200.000 đồng ở chiều bán so với rạng sáng qua. Trong khi đó, Bảo Tín Minh Châu điều chỉnh tăng 250.000 đồng ở chiều mua và 230.000 đồng ở chiều bán lên lần lượt 68,3 triệu đồng/lượng và 68,95 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới
Theo Kitco, giá vàng thế giới ghi nhận lúc 5h00 hôm nay theo giờ Việt Nam giao ngay ở mức 1.923,920 USD/ounce tỷ giá 24085. Quy đổi theo tỷ giá hiện hành tại Vietcombank, vàng thế giới có giá khoảng 55,605 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí). Như vậy, giá vàng miếng của SJC vẫn đang cao hơn giá vàng quốc tế là 12,645 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới đã tăng nhẹ vào sáng nay, với vàng giao ngay tăng 13,5 USD lên 1.924,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 1.946,2 USD/ounce, tăng 13,4 USD so với mức rạng sáng hôm qua. Mức tăng của giá vàng thế giới tương đối khiêm tốn, được hỗ trợ bởi việc báo cáo mới cho thấy tâm lý của người tiêu dùng Mỹ đang giảm và áp lực lạm phát đang giảm đi.
Cụ thể, theo kết quả của cuộc khảo sát từ Đại học Michigan (Mỹ), chỉ số tâm lý người tiêu dùng đã giảm xuống còn 67,7 điểm so với mức 69,5 được ghi nhận vào tháng 8. Dữ liệu này thấp hơn mức dự báo là 69.
Joanne Hsu, Giám đốc Khảo sát Người tiêu dùng tại UofM, cho biết: "Tâm lý hiện nay cao hơn khoảng 35% so với mức thấp lịch sử được ghi nhận vào tháng 6/2022, nhưng vẫn thấp hơn so với mức trung bình lịch sử là 86. Tuy nhiên, đáng chú ý là cả kỳ vọng ngắn hạn và dài hạn về điều kiện kinh tế đều được cải thiện khiêm tốn trong tháng này, mặc dù người tiêu dùng vẫn tương đối lo ngại về tình hình kinh tế."
Một yếu tố khác ủng hộ giá vàng trong phiên giao dịch cuối tuần là áp lực lạm phát. Báo cáo cho thấy, kỳ vọng lạm phát sẽ tăng 3,1% vào thời điểm này năm sau, giảm so với mức 3,5% được báo cáo vào tháng 8.
Các nhà phân tích đã chú ý rằng kỳ vọng lạm phát thấp hơn có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh chính sách tiền tệ từ tư duy "diều hâu" sang một tư duy trung lập hơn.
Báo cáo cũng cho biết kỳ vọng lạm phát 1 năm đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021. Trong suốt cuộc khảo sát, người tiêu dùng đã chú ý đến việc lạm phát đang giảm tốc và họ hy vọng rằng lạm phát sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Áp lực lạm phát dài hạn cũng đã giảm, xuống còn 2,7%. Báo cáo cho biết, đây là lần thứ hai kỳ vọng lạm phát giảm xuống dưới phạm vi hẹp từ 2,9% đến 3,1% trong vòng 26 tháng qua.
Dự báo giá vàng
Nhà phân tích thị trường cấp cao Jim Wyckoff cho biết, nếu Fed nới lỏng lãi suất hơn một chút vào tuần tới, điều đó sẽ giúp thị trường vàng đi lên.
Theo các nhà phân tích tại ANZ Research, sau khi giảm xuống dưới 1.900 USD/ounce trong thời gian ngắn, giá vàng phục hồi trở lại bất chấp lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng và USD đạt mức cao nhất 6 tháng. Điều này cho thấy, giá vàng vẫn có chiều hướng đi lên.
Sức mạnh của USD có thể sẽ suy yếu vào năm 2024. ANZ Research nhận định, USD sẽ tăng giá tới cuối năm sau đó sẽ giảm do lãi suất hạ và kinh tế tăng trưởng chậm lại. Điều này tác động tích cực với giá vàng trong dài hạn.