Giá nông sản ngày 9/3: Cà phê quay đầu giảm
Cụ thể, tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) giá cà phê được thu mua với mức 89.500 đồng/kg. Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), Lâm Hà (Lâm Đồng) giá cà phê ở mức 89.400 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 90.600 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 90.600 đồng/kg.
Tại Pleiku (Gia Lai), La Grai (Gia Lai), giá cà phê hôm nay đang ở mức 90.300 đồng/kg. Còn tại huyện Chư Prông (Gia Lai) được thu mua với mức thấp hơn 90.200 đồng/kg.
Tại Gia Nghĩa và Đắk R'lấp (Đắk Nông), giá cà phê lần lượt đạt mức 90.700 đồng/kg, 90.600 đồng/kg.
Tại tỉnh Kon Tum giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 90.300 đồng/kg.
Như vậy, giá cà phê hôm nay đang dao động trong khoảng từ 89.400 - 90.700 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 5/2024 giảm 84 USD/tấn, ở mức 3.297 USD/tấn, giao tháng 7/2024 giảm 81 USD/tấn, ở mức 3.190 USD/tấn. Tại sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 5/2024 giảm 7 cent/lb, ở mức 185,20 cent/lb, giao tháng 7/2024 giảm 6,45 cent/lb, ở mức 183,45 cent/lb.
Ảnh minh họa. Ảnh: Thanh Hoài
Giá nông sản ngày 9/3: Hồ tiêu biến động 500 - 1.000 đồng/kg
Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông giá tiêu hôm nay ở mức 94.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay đạt mức 95.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg.
Trong khi đó, tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 94.000 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.
Tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 92.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Gia Lai giá tiêu hôm nay đạt mức 92.000 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.
Như vậy, giá hồ tiêu toàn miền hôm nay dao động trong khoảng 92.000 - 95.000 đồng/kg.
Ngày 8/3, tại Hà Nội, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam tổ chức Hội nghị quốc tế ngành hồ tiêu và gia vị Việt Nam - VIPO 2024 với chủ đề "Ngành gia vị Việt Nam - sự bền vững toàn diện".
Phát biểu khai mạc, ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tính đa dạng sinh học cao với nhiều loại cây trồng có giá trị, trong đó hồ tiêu và cây gia vị đã góp phần không nhỏ vào GDP quốc gia, cải thiện sinh kế nông hộ và định vị thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới.
Cụ thể, Việt Nam đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu trong hơn 20 năm qua. Xuất khẩu quế Việt Nam cũng đứng đầu thế giới kể từ năm 2022 và đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu hoa hồi. Hồ tiêu và gia vị của Việt Nam đã xuất khẩu đi hơn 125 quốc gia, đứng thứ 3 về xuất khẩu gia vị toàn cầu và chiếm lĩnh nhiều thị trường quan trọng.
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Tấn Đạt, nông nghiệp Việt Nam chưa phát triển hết tiềm năng hiện có. Sự phát triển nhỏ lẻ, manh mún đã hạn chế khả năng tiếp cận và áp dụng công nghệ và khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, chi phí đầu tư khá lớn khiến các doanh nghiệp cân nhắc trong khi đa số các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, làm thế nào để thu hút nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao như nhiều doanh nghiệp lớn đã làm trong thời gian gần đây luôn là thách thức không nhỏ.
"Việc tổ chức Hội nghị VIPO 2024 không chỉ là cầu nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế mà còn là cơ hội để chia sẻ thông tin thị trường, cập nhật quy định mới của quốc gia nhập khẩu, qua đó kêu gọi tất cả các tác nhân trong ngành hồ tiêu và gia vị tăng cường hợp tác và phát triển, xây dựng chuỗi cung ứng lành mạnh và bền vững, hỗ trợ hoạt động của Chính phủ trong vai trò kiến tạo và hiện thực hóa mục tiêu phát triển ngành gia vị Việt Nam bền vững, toàn diện trong thời gian tới", ông Huỳnh Tấn Đạt nhấn mạnh.
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam cho biết, đây là lần thứ 4 Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam tổ chức Hội nghị quốc tế hồ tiêu và gia vị Việt Nam, nhằm thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng gia vị của Việt Nam, tăng kết nối thị trường, doanh nghiệp xuất khẩu nội địa với người mua nước ngoài, đặc biệt tại các thị trường tiềm năng như: Châu Âu, Hoa Kỳ, khu vực Trung Đông, các nước châu Á là Trung Quốc, Ấn Độ.
"Ngoài việc kết nối, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp, chúng tôi muốn giới thiệu đến cho doanh nghiệp, cho cộng đồng hồ tiêu nói riêng và cây gia vị Việt Nam nói chung hiểu được các yêu cầu của thị trường, định hướng của thị trường, từ đó có kế hoạch tổ chức sản xuất, rồi đến định hình thị trường xuất khẩu trong tương lai"- bà Hoàng Thị Liên nhấn mạnh.