Giá nông sản ngày 3/12: Cà phê quay đầu giảm nhẹ
Cụ thể, tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) giá cà phê được thu mua với mức 40.500 đồng/kg. Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), Lâm Hà (Lâm Đồng) giá cà phê ở mức 40.400 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay ở mức 41.000 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (ĐắkLắk), Buôn Hồ (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 40.900 đồng/kg.
Tại Pleiku (Gia Lai), La Grai (Gia Lai), giá cà phê hôm nay đang ở mức 41.000 đồng/kg. Còn tại huyện Chư Prông (Gia Lai) được thu mua với mức thấp hơn 40.900 đồng/kg.
Tại Gia Nghĩa và Đắk R'lấp (Đắk Nông), giá cà phê lần lượt đạt mức 41.100 đồng/kg, 41.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Kon Tum giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 40.900 đồng/kg.
Như vậy, giá cà phê hôm nay đang dao động trong khoảng từ 40.500 - 41.100 đồng/kg.
Ảnh minh họa. Ảnh: Xuân Lan
Trên thị trường thế giới, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 1/2023 được ghi nhận tại mức 1.888 USD/tấn sau khi giảm 0,21% (tương đương 4 USD). Giá cà phê arabica giao tháng 3/2023 tại New York đạt mức 162,6 US cent/pound, giảm 1,9% (tương đương 3,15 US cent).
Theo một báo cáo phân tích của SpillingTheBeans, nông dân Brazil sẽ sản xuất tối thiểu 50 triệu và tối đa 56 triệu bao cà phê vào năm 2023 do các khu vực sản xuất tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực bởi thời tiết.
Dự báo này nằm ở mức thấp nhất trong ước tính sản lượng năm tới ở Brazil được công bố cho đến nay. Trước đó, Ngân hàng Rabobank của Hà Lan đã dự kiến sản lượng ở mức 68,6 triệu bao.
Hiện tại, vẫn còn rất ít ước tính trên thị trường về vụ mùa năm tới tại quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới này.
Một số báo cáo ban đầu của các nhà kinh doanh hàng hóa cho thấy, sản lượng sẽ lớn bất chấp chu kỳ hai năm một lần của cà phê arabica trái vụ, nhưng đánh giá gần đây của các chuyên gia đã làm giảm kỳ vọng.
Trong báo cáo được công bố vào ngày 1/12, bà Maja Wallengren, Nhà Phân tích trưởng của SpillingTheBeans, cho biết, hầu hết các cây cà phê tại Brazil vẫn đang phục hồi sau những ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt.
Bà nói thêm: “Cây cà phê đang có hiện tượng rụng lá hàng loạt khiến cây suy yếu bất thường và không có đủ dinh dưỡng để duy trì sự phát triển từ khi ra hoa”.
Đồng thời, bà đánh giá rằng, tác động của hiện tượng La Niña cũng làm giảm đáng kể khả năng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, từ đó hạn chế năng suất sản xuất cà phê.
Cho đến nay, chính phủ Brazil vẫn chưa công bố ước tính đầu tiên về sản lượng cho năm 2023.
Đối với vụ mùa năm 2022, chính phủ ước tính ở mức 50,38 triệu bao 60kg, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giảm so với dự báo tháng 5 là 53,43 triệu bao.
Giá nông sản ngày 3/12: Tiêu cao nhất đạt 63.000 đồng/kg
Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông giá tiêu hôm nay ở mức 61.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức cao nhất toàn miền 63.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 62.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Đồng Nai, Gia Lai giá tiêu hôm nay ở mức 60.000 đồng/kg.
Như vậy, giá hồ tiêu toàn miền hôm nay dao động trong khoảng 60.000 - 63.000 đồng/kg.
Trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu hồ tiêu toàn cầu ghi nhận sự sụt giảm ở hầu hết nhà cung cấp lớn do nhu cầu bị ảnh hưởng bởi chính sách Zero Covid của Trung Quốc, xung đột Nga - Ukraine dẫn đến lạm phát tăng cao tại nhiều nước và sự mất giá đồng tiền của các nước nhập khẩu so với USD.
Trong đó, Việt Nam là nước xuất khẩu nhiều nhất nhưng cũng là nước giảm mạnh nhất so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 192.076 tấn, giảm 16,3%. Những nước xuất khẩu lớn tiếp theo là Brazil, Indonesia và Ấn Độ có mức giảm lần lượt là 3%, 16,2% và 4,2%.
Trong thập kỷ qua, xuất khẩu hồ tiêu của thế giới đã tăng đều đặn, trong đó năm 2017 chứng kiến sự tốc độ tăng trưởng cao nhất với mức tăng 31,2% so với năm trước.
Về nguồn cung xuất khẩu, Việt Nam đứng đầu về xuất khẩu hồ tiêu toàn cầu, chiếm khoảng 55 - 60% sản lượng. Trong khi sự trỗi dậy của Brazil trong giai đoạn này đã giúp Brazil vượt lên trên Indonesia và trở thành á quân trong số các quốc gia sản xuất hồ tiêu. Brazil đã đóng góp khoảng 15 - 18% vào sản lượng xuất khẩu tiêu toàn cầu trong 5 năm qua.
Còn với Indonesia, sau khi liên tục tăng từ năm 2017 đến 2020, lượng tiêu xuất khẩu của Indonesia đã giảm vào năm 2021 và chiếm 10,5% xuất khẩu toàn cầu.
Trái lại, mặc dù được biết đến là nước tiêu thụ lớn thứ ba thế giới với phần lớn sản lượng hồ tiêu để đáp ứng nhu cầu trong nước, nhưng lượng tiêu xuất khẩu của Ấn Độ lại cho thấy sự gia tăng đáng kể. Điều này là do một lượng lớn hồ tiêu được nhập khẩu để dùng cho mục đích chế biến và tái xuất. Năm 2021, Ấn Độ đóng góp 4,5% vào xuất khẩu tiêu toàn cầu, tăng 54,7% so với năm 2020.
Theo thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), xuất khẩu hồ tiêu toàn cầu năm 2020 cao nhất từ trước đến nay đạt 498.931 tấn, tăng 3,8% so với năm 2019. Tuy nhiên, xuất khẩu hồ tiêu có xu hướng giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 với mức giảm 1,4% vào năm 2021 và dự đoán tiếp tục giảm vào năm 2022 dưới tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, đặc biệt là tại các thị trường quan trọng như EU và Mỹ.