Giá nông sản ngày 15/3: Cà phê tiếp tục giảm 600 đồng/kg
Cụ thể, tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) giá cà phê được thu mua với mức 46.500 đồng/kg. Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), Lâm Hà (Lâm Đồng) giá cà phê ở mức 46.400 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay ở mức 46.900 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (ĐắkLắk), Buôn Hồ (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 46.800 đồng/kg.
Tại Pleiku (Gia Lai), La Grai (Gia Lai), giá cà phê hôm nay đang ở mức 46.800 đồng/kg. Còn tại huyện Chư Prông (Gia Lai) được thu mua với mức thấp hơn 46.700 đồng/kg.
Tại Gia Nghĩa và Đắk R'lấp (Đắk Nông), giá cà phê lần lượt đạt mức 46.800 đồng/kg, 46.700 đồng/kg.
Tại tỉnh Kon Tum giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 46.800 đồng/kg.
Như vậy, giá cà phê hôm nay đang dao động trong khoảng từ 46.400 - 46.900 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 5/2023 giảm 33 USD/tấn ở mức 2.080 USD/tấn, giao tháng 7/2023 giảm 34 USD/tấn ở mức 2.070 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 5/2023 giảm 3,75 cent/lb, ở mức 175,45 cent/lb, giao tháng 7/2023 giảm 3,55 cent/lb, ở mức 174,7 cent/lb.
Ảnh minh họa. Ảnh: Đặng Út
Theo Cục Xuất nhập khẩu, giá cà phê giảm là do tồn kho tăng. Tính đến ngày 24/2/2023, tồn kho đạt chuẩn của sàn ICE London ghi nhận đã tăng thêm 0,23%, lên mức 67.180 tấn. Bên cạnh đó, tâm lý thị trường lo ngại việc nguồn cung sẽ sớm được bổ sung khi Indonesia bắt đầu bước vào vụ thu hoạch mới.
Trước đó, trong 2 tháng đầu năm giá cà phê trong nước tăng mạnh khoảng 20% (tương đương khoảng 8.000 đồng/kg).
Lý giải cho đà tăng giá cà phê vừa qua, ông Dương Khánh Toàn - Giám đốc Phát triển Kinh doanh Quốc tế, Xuất Nhập khẩu của CTCP Cà phê Mê Trang cho biết thị trường cà phê vừa rồi tăng giá chủ yếu giá cà phê thế giới tăng cao do những thông tin bất lợi từ hoạt động sản xuất của Brazil. Theo đó, thời gian qua, các vùng trồng cà phê của quốc gia này liên tục hứng chịu những tác động bất lợi của thời tiết xấu như lũ lụt, sương muối.
“Các nhà đầu cơ lớn trên thế giới tập trung mua vào để trữ hàng, dẫn tới đẩy giá cà phê thế giới cao hơn và giá cà phê trong nước cũng tăng theo”, ông Toàn cho biết.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, các chỉ số kinh tế Mỹ tăng trưởng khả quan đi kèm với việc nguồn cung của Brazil hạn chế là những yếu tố giúp các quỹ và nhà đầu cơ quay lại thị trường để gom hàng bất chấp lãi suất có thể tăng hơn nữa ở hầu hết Ngân hàng Trung ương các nước.
Ngoài ra, việc đồng Real tăng so với đồng USD trong thời điểm đầu năm cũng khiến người trồng cà phê tại Brazil hạn chế bán ra, càng đẩy giá cà phê tăng.
Về dài hạn, ông Toàn dự báo nhu cầu hạt cà phê trong năm nay sẽ còn tăng mạnh, thậm chí cao hơn năm 2022.
“Đặc biệt, nếu thị trường Brazil tiếp tục bị ảnh hưởng bởi tình hình thời tiết xấu thì giá sẽ có thể bằng với cao của năm ngoái thậm chí hơn. Chiến lược của các nhà mua lớn là bắt đầu gom hàng ngay từ đầu vụ. Hiện tại nguồn cung arabica ở Việt Nam gần như đã được mua hết”.
Giá nông sản ngày 15/3: Hồ tiêu tăng 500 đồng/kg
Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông giá tiêu hôm nay tăng 500 đồng/kg lên mức 65.000 đồng/kg.
Tương tự, tại tỉnh Đồng Nai, Gia Lai giá tiêu hôm nay cũng tăng 500 đồng/kg lên 64.000 đồng/kg.
Các địa phương còn lại không thay đổi. Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức cao nhất toàn miền 66.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 65.500 đồng/kg.
Như vậy, giá hồ tiêu toàn miền hôm nay dao động trong khoảng 64.000 - 66.000 đồng/kg.
Theo các chuyên gia trong ngành tiêu, nhu cầu tăng cao từ thị trường Trung Quốc là yếu tố chính thúc đẩy giá tiêu đi lên trong thời gian qua, ngay cả trong thời điểm chính vụ thu hoạch, nguồn cung dồi dào.
Theo thống kê bộ sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), Việt Nam đã xuất khẩu 40.814 tấn hồ tiêu trong 2 tháng đầu năm với kim ngạch 128,6 triệu USD, tăng 33% (10.138 tấn) về lượng nhưng giảm 9% tương đương 12,7 triệu USD về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam với 10.209 tấn, tăng 8,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái và bằng một nửa lượng tiêu mà Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này trong cả năm ngoái.
Thị phần của Trung Quốc trong tổng xuất khẩu tiêu của Việt Nam theo đó đã tăng lên mức 25% so với khoảng 4% của cùng kỳ năm 2022.
Tính riêng trong tháng 2, khối lượng xuất khẩu sang Trung Quốc ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 6/2020 với 8.485 tấn, tăng 392,2% so với tháng 1 và chiếm 30,1% thị phần xuất khẩu.
Năm ngoái, do ảnh hưởng bởi chính sách “Zero Covid” xuất khẩu tiêu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc chỉ đạt 20.498 tấn, giảm 46,4% so với năm 2021 và là mức thấp nhất trong 5 năm.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc mở cửa hoàn toàn biên giới kể từ đầu năm nay sau gần 3 năm đóng cửa chống dịch đã giúp cho các hoạt động xuất khẩu tiêu của Việt Nam sang thị trường này khởi sắc trở lại.