Ghi nhận trong hôm nay (13/2), một ngày trước khi dịp Valentin chính thức diễn ra, tại chợ hoa Hồ Thị Kỷ (52 Hồ Thị Kỷ, Phường 1, Quận 10) không khí ế ẩm, sức mua bán có phần ảm đạm không nhộn nhịp được như các năm trước.
Ảnh hưởng của dịch CoVid- 19, hoa hồng Đà Lạt rớt giá chỉ còn 1.500 đồng/cành vẫn khó tiêu thụ. |
“Mọi năm, tầm này bán không kịp thở. Vợ, chồng, con cái, nói chung cả nhà tập trung mặc may mới bán kịp. Nhưng năm thì thì khác, hầu như cả chợ cùng ế, vì dịch CoVid- 19 nên nhiều người ngại ra đường thì phải”, chị Trang (một đầu mối chuyên cung cấp hoa tại chợ Hồ Thị Kỷ) cho biết.
Tương tự, tại chợ hoa Đầm Sen (Nguyễn Văn Phú, Phường 5, Quận 11), nhiều thương lái cũng than thở vì không bán được hàng. Sức mua giảm mạnh, trong khi giá rớt thê thảm.
Chị Minh, chủ một shop hoa tại chợ hoa Đầm Sen cho biết, vì nhập hoa nhiều hoa hồng Đà Lạt giờ không tiêu thụ được hết, shop hoa của chị Minh đang đứng trước nguy cơ không thu hồi được vốn.
“Sợ dịch CoVid- 19, nhà nhà người người hạn chế ra đường, các cặp tình nhân cũng hạn chế hẹn hò, đi chơi các kiểu. Bởi dậy, mà hoa hồng Đà Lạt dịp Lễ Tình Nhân năm nay ế chỏng chơ. Mọi năm, hoa hồng Đà Lạt đặc biệt được yêu thích, dù giá cao nhiều người vẫn chọn mua để tặng vợ, người yêu trong dịp 14/2. Nhưng năm nay tình hình khác hẳn, hoa rẻ giảm cả nữa giá so với năm ngoái nhưng vẫn rất khó bán. Không dám mơ đến chuyện có lời, chỉ thu hồi vốn cũng đã khó”, chị Minh lo lắng.
Trong khi đó, tại nhiều nhà vườn trồng hoa hồng ở Đà Lạt cũng gặp khó khăn khi giá hoa quá rẻ, thương lái lại không mạnh dạn trong việc nhập hàng.
“Thông thường, trước dịp Valentin hoa hồng Đà Lạt luôn là mặt hàng bán chạy nhất. Còn nhờ năm ngoái, một cành hồng được thương lái mua tại vườn với giá 3.500-5.500 đồng. Để có hoa, nhiều bạn hàng từ các tỉnh thành trong cả nước phải đặt cọc sớm, có thể cả tuần thậm chí 10 ngày trước lễ”, ông Châu, một hộ trồng hoa tại Đà Lạt cho biết.
Cũng theo ông Châu, năm nay có thể xem là năm thê thảm nhất của hoa hồng Đà Lạt. Nếu như các năm trước, hoa hồng vào dịp Lễ Tình Nhân có giá 3.500-5.500 đồng/cành tùy màu và tùy loại thì năm nay giá giảm hơn một nửa, sức tiêu thụ yếu.
“Mặc dù vậy chúng tôi cũng không quá bất ngờ, vì phần lớn những hộ trồng hoa tại Đà Lạt cũng đã đoán biết trước được tình hình này. Sau nhà nước công bố dịch CoVid- 19 thì sức tiêu thụ các loại hoa nói chung cũng đã bị giảm, không riêng gì hoa hồng Đà Lạt”, ông Châu nói thêm.
Trao đổi với PV, bạn Thiên Thư (Sinh viên đang theo học tại TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, mọi năm cứ đến dịp lễ 14/2 hoặc 8/3, Thư và nhiều bạn sinh viên khác thường cùng nhau góp vốn, đến các chợ sỉ mua hoa về bán lại kiếm lời. Song năm nay, vì hầu hết các trường đại học cho sinh viên nghỉ học tránh dịch, nên bạn thì về quê, bạn thì chôn chân ở phòng trọ.
“Trước nhóm chúng em hay bán tại các trường đại học, hoặc trên đường…nhưng năm nay không bạn nào dám bán. Thêm nữa, ba mẹ ở quê cũng gọi điện lên khuyên nên ở nhà thay vì đến những chỗ đông người dễ lây lan dịch bệnh”, bạn Thư nói.
Đồng quan điểm với bạn Thư, chị Nhiều, một shop bán hoa tươi gần khu vực trường Đại học Sư Phạm TP, Đại học Khoa Học Tự Nhiên, Đại học Sài Gòn…cho biết, hiện các trường đều cho sinh viên nghỉ để chống dịch nên sức mua hoa hồng dịp lễ năm nay giảm mạnh, chắc phải giảm 50% so với các năm trước.
“Thường thì các con đường quanh khu vực này như đường An Dương Vương, Nguyễn Văn Cừ…rất đông người bán hoa, phải nói là bán san sát nhau nhưng ai cũng hết được hàng. Vậy mà năm nay, le que vài nhóm, hoa ít, giá rẻ mà cũng chẳng mấy ai mặn mà. Thật ra, cũng dễ hiểu thôi vì giờ chống dịch là mối quan tâm hàng đầu của mọi người, chỉ mong dịch CoVid- 19 qua nhanh, để trở lại nhịp mưu sinh thường ngày”, chị Nhiều nói.