Giá heo hơi miền Bắc
Tại khu vực miền Bắc, giá heo hơi đồng loạt đi xuống.
Mức giảm phổ biến là 2.000 đồng/kg tại các tỉnh như Bắc Giang, Hưng Yên, Nam Định, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Ninh Bình.
Yên Bái, Lào Cai, Thái Bình, Hà Nam, Hà Nội và Tuyên Quang ghi nhận mức giảm nhẹ hơn, 1.000 đồng/kg.
Nhìn chung, giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc dao động quanh mức 67.000 - 68.000 đồng/kg.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Giá heo miền Trung - Tây Nguyên
Trái ngược với miền Bắc, thị trường heo hơi khu vực miền Trung - Tây Nguyên lại cho thấy sự phân hóa rõ rệt.
Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Ngãi cùng ghi nhận mức giảm 2.000 đồng/kg, xuống còn 66.000 đồng/kg ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và 70.000 đồng/kg ở Quảng Ngãi.
Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa và Bình Thuận cũng có mức giảm nhẹ 1.000 đồng/kg, dao động từ 69.000 đồng/kg đến 74.000 đồng/kg.
Đáng chú ý, các tỉnh Quảng Bình, Huế, Lâm Đồng, Đắk Lắk và Ninh Thuận duy trì được mức giá ổn định, lần lượt là 70.000 đồng/kg (Quảng Bình và Huế), 75.000 đồng/kg (Lâm Đồng), 72.000 đồng/kg (Đắk Lắk) và 74.000 đồng/kg (Ninh Thuận).
Giá heo hơi miền Nam
Ở khu vực miền Nam, giá heo hơi cũng có những diễn biến khác nhau.
Nhiều địa phương giữ nguyên mức giá so với ngày trước đó, như Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre và Sóc Trăng, với mức giá phổ biến là 74.000 - 76.000 đồng/kg.
Trong khi đó, một số tỉnh ghi nhận mức giảm nhẹ 1.000 đồng/kg, bao gồm Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Cà Mau vẫn là địa phương có giá heo hơi cao nhất khu vực, ở mức 77.000 đồng/kg.
Dù giá lợn hơi đã giảm, giá thịt tại các chợ dân sinh vẫn giữ nguyên ở mức cao, khiến sức mua chưa có dấu hiệu cải thiện. Theo chị Dung tiểu thương tại chợ An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội cho biết, mặc dù giá lợn hơi giảm nhưng giá lợn móc hàm mua tại lò mổ ngày hôm qua 26/3 ở ngưỡng 100 nghìn đồng/kg, giảm không đáng kể so với 1 tháng trước đây là 105 nghìn đồng/kg. Vì giá bán lẻ ngoài chợ vẫn bán ở mức cao, có giảm nhưng không đáng kể. Cụ thể, thịt ba chỉ 140 nghìn đồng/kg, thịt vai giòn 120 nghìn đồng/kg, mông sấn hay vai sấn thì 110 nghìn đồng/kg, thịt chân giò 120 nghìn đồng/kg… Vì mức giá không giảm nên người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, thay đổi khẩu phần ăn chọn các thực phẩm thay thế khác khiến thịt lợn bày bán tràn lan tại các sạp nhưng không có người mua. Thay vì trước đây bán được 2 tạ thịt /ngày thì hiện nay sạp của chị Dung chỉ bán được giảm bằng một nửa.
Ngày 27/3, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà liên quan đến vấn đề thịt heo và giá heo hơi.
Trước đó, báo chí đã phản ánh thông tin liên qua đến vấn đề thịt lợn và giá thịt lợn hơi, trong đó có nêu "Giá lợn hơi đang cao nhất 5 năm qua" và "Việt Nam chi gấp đôi cho thịt heo đông lạnh".
Cụ thể, thông tin trên báo chí phản ánh giá lợn hơi tại một số tỉnh, thành của Việt Nam cán mốc 80.000 đồng/kg, thị trường lợn hơi lập đỉnh mới cao nhất 5 năm qua. Việc thiếu hụt nguồn lợn cục bộ trong nước đã đẩy giá lợn tăng lên chưa thấy điểm dừng.
Theo các chuyên gia, giá heo hơi trong những ngày tới nhiều khả năng vẫn tiếp tục tăng nhẹ, đặc biệt tại miền Bắc và miền Trung.
Ông Nguyễn Kim Đoán, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, cho biết dịch tả heo châu Phi và dịch lở mồm long móng diễn biến khá phức tạp từ năm ngoái, chính điều này làm giảm sản lượng heo.
Tại các trang trại, nhiều heo sơ sinh, heo sữa không thể lớn kịp, làm giảm số lượng con giống, giảm đàn heo, từ đó kéo giá heo thịt lên nhanh, chủ chuồng trại chưa kịp tái đàn.
Dịch bệnh sẽ sớm được khống chế, sản lượng thịt sẽ sớm ổn định trở lại. Tuy nhiên giá cả và nguồn cung thịt heo sẽ khó có thể sớm phục hồi hoàn toàn như trước.
Thực tế hiện nay chi phí đầu tư thức ăn chăn nuôi đã bắt đầu cao hơn so với năm ngoái, nên người nuôi đã thận trọng khi tái đàn…
Trước phản ánh này, phó thủ tướng chỉ đạo bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, hiệp hội, doanh nghiệp đánh giá tình hình thị trường; kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, địa phương triển khai các giải pháp đảm bảo cung cầu, tập trung đẩy mạnh chăn nuôi, tái đàn và kiểm soát dịch bệnh.
Đồng thời kiểm soát khâu trung gian, thực hiện nghiêm các chỉ đạo về điều hành giá.