Giá heo hơi miền Bắc
Thị trường miền Bắc tiếp tục đà lao dốc khi nhiều tỉnh thành ghi nhận mức giá xuống sâu, dao động trong khoảng 70.000 - 72.000 đồng/kg.
Cụ thể, hàng loạt địa phương như Hà Nội, Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Thái Nguyên đồng loạt giảm 1.000 đồng/kg, về mức 71.000 - 72.000 đồng/kg. Một số nơi khác giảm sâu hơn: Phú Thọ, Yên Bái, Ninh Bình hiện ghi nhận mức 71.000 đồng/kg; trong khi Lào Cai và Nghệ An dẫn đầu mức giảm mạnh với 2.000 đồng/kg, chỉ còn 70.000 đồng/kg – thấp nhất cả nước hiện nay.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Giá heo hơi miền Trung-Tây Nguyên
Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá heo hơi tiếp tục điều chỉnh nhẹ. Nhiều địa phương giảm 1.000 đồng/kg như Đắk Lắk, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, đưa mức thu mua phổ biến còn 71.000 - 73.000 đồng/kg.
Đặc biệt, Khánh Hòa ghi nhận mức giảm mạnh nhất khu vực, 2.000 đồng/kg, còn 72.000 đồng/kg.
Giá heo hơi miền Nam
So với hai miền còn lại, miền Nam giữ giá tốt hơn nhưng vẫn không tránh khỏi xu hướng giảm. Các tỉnh như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Bến Tre, Hậu Giang, Bạc Liêu đều giảm 1.000 đồng/kg, hiện giao dịch quanh mốc 76.000 - 77.000 đồng/kg.
Riêng Sóc Trăng giảm sâu nhất với mức 2.000 đồng/kg, còn 77.000 đồng/kg.
Trong khi đó, các tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang, Cà Mau vẫn duy trì mức cao, 78.000 - 79.000 đồng/kg, cao nhất cả nước.
Xu hướng giá heo hơi vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi khi nguồn cung dồi dào trong khi sức mua vẫn chậm. Nhiều chuyên gia dự báo giá có thể tiếp tục đi ngang hoặc giảm nhẹ trong vài ngày tới.
Với tình hình hiện tại, nhiều chuyên gia nhận định giá heo hơi trong nước ngày mai có thể tiếp tục giảm nhẹ, đặc biệt tại các tỉnh miền Trung và miền Nam – nơi nguồn cung đang dồi dào và nhu cầu tiêu thụ chưa thực sự khởi sắc sau Tết Nguyên đán.
Nguyên nhân chính của đợt giảm giá lần này được cho là do nguồn cung lớn từ các trang trại quy mô lớn, trong khi sức mua từ phía các cơ sở chế biến và thị trường tiêu dùng không có nhiều khởi sắc. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào như thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y vẫn duy trì ở mức cao, khiến người chăn nuôi chịu áp lực kép: giá bán thấp, chi phí sản xuất cao.
Không ít hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại các địa phương như Bình Phước, Đồng Nai, Nam Định… đã phải bán tháo đàn heo để cắt lỗ, dẫn đến nguồn cung đổ dồn ra thị trường, tạo áp lực khiến giá tiếp tục hạ.
Để giá heo hơi ổn định trở lại, theo các chuyên gia, cần có sự điều tiết cung – cầu hợp lý. Việc kiểm soát số lượng đàn, quy hoạch chăn nuôi và hỗ trợ xuất khẩu sẽ là giải pháp căn cơ giúp thị trường hồi phục. Đồng thời, Nhà nước cũng nên có các chính sách khuyến khích tiêu thụ nội địa và bình ổn giá thị trường để hỗ trợ người chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn này.
UBND tỉnh Bình Phước mới đây đã ban hành Công văn số 1127 yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung triển khai giải pháp phòng chống dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh
Trong đó đó, UBND tỉnh Bình Phước giao Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp phòng chống dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bình Phước có nhiệm vụ tiếp tục kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch tả heo châu Phi tại các địa phương đang có dịch; tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho lực lượng thú y, người chăn nuôi tiêm vắc xin phòng bệnh dịch tả heo châu Phi cho đàn heo theo hướng dẫn của Cục Chăn nuôi và Thú y.
Song song đó, tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển heo, sản phẩm từ heo ra khỏi địa bàn tỉnh theo quy định; tăng cường hoạt động tại hai chốt kiểm soát dịch bệnh động vật tại xã Tân Lập, huyện Đồng Phú và phường Thành Tâm, TX Chơn Thành nhằm kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào tỉnh qua chốt, kịp thời phát hiện vi phạm và phối hợp cơ quan chức năng xử lý theo quy định.
Các sở, ban, ngành liên quan chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị và UBND cấp huyện, cấp xã, triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp phòng chống bệnh dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn tỉnh; tăng cường kiểm soát vận chuyển heo và các sản phẩm từ heo theo đúng quy định.
Cùng với đó, tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của bệnh dịch tả heo châu Phi, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan, các biện pháp phòng dịch bệnh và sử dụng vắc xin dịch tả heo châu Phi…