Giá heo hơi miền Bắc
Khảo sát mới nhất cho thấy thị trường heo hơi phía Bắc đứng yên trong phiên sáng nay (23/5). Hiện tại, các địa phương giữ giá giao dịch trong khoảng 67.000 - 69.000 đồng/kg.
Trong đó, mốc cao nhất khu vực là 69.000 đồng được ghi nhận tại Bắc Giang. Trong khi đó, Yên Bái, Lào Cai, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình là những tỉnh thu mua heo hơi tại mức 67.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Giá heo hơi miền Trung - Tây Nguyên
Giá heo hơi tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên vẫn chưa ghi nhận điều chỉnh mới, thu mua trong khoảng 67.000 - 75.000 đồng/kg.
Cụ thể, Hà Tĩnh là tỉnh giao dịch tại mức 67.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực. Heo hơi tại Bình Thuận bán ra cao nhất khu vực, với giá 73.000 đồng/kg.
Giá heo hơi miền Nam
Thị trường heo hơi miền Nam cũng đi ngang theo xu hướng chung. Thương lái phía Nam hiện thu mua heo hơi trong khoảng 73.000 - 75.000 đồng/kg.
Các tỉnh Bến Tre, Long An và Tiền Giang đang giao dịch tại giá 75.000 đồng/kg, cao nhất cả nước.
Từ tình hình thực tế, giá heo hơi trong nước vẫn đang trong giai đoạn "tích lũy", chưa xuất hiện lực đẩy để bắt đầu đợt tăng mới. Tuy nhiên, với việc nguồn cung giảm chậm, nhập khẩu đạt đỉnh và nhu cầu tiêu dùng trong nước dần đứng lại, giá heo hơi có thể ghi nhận những nhịp tăng nhẹ đầu cuối tuần hoặc đầu tuần tới.
Người chăn nuôi nên tiếp tục theo dõi thị trường hàng ngày, chọn thời điểm bán hợp lý, không nên bán ồ ạt trong khi giá đang giữ đều cao và ổn định.
Ngày 22/5, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã phát đi công điện yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung cao độ, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch tả heo châu Phi nhằm bảo vệ ngành chăn nuôi và sinh kế người dân.
Công điện nêu rõ, theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường (hệ thống VAHIS), tính đến ngày 21/5, cả nước đã có 30 tỉnh ghi nhận sự xuất hiện của dịch tả heo châu Phi, với 462 hộ bị ảnh hưởng, hơn 6.600 con heo buộc phải tiêu huỷ.
Riêng tại Nam Định, dịch bắt đầu xuất hiện từ ngày 8/5 tại hai xã của hai huyện Ý Yên và Hải Hậu, với 10 hộ bị dịch, tổng số heo chết, tiêu huỷ là 23 con; dịch có chiều hướng lây lan, phát sinh nhiều ổ dịch mới.
Hiện tại, thời tiết đang có những diễn biến bất thường, nắng mưa xen kẽ ảnh hưởng đến sức đề kháng đàn vật nuôi, mầm bệnh dịch tả heo châu Phi vẫn tồn tại ngoài môi trường và trên đàn heo, trong khi việc thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi còn nhiều hạn chế, nguy cơ bệnh dịch tả heo châu Phi tiếp tục phát sinh, lây lan ra diện rộng là rất cao.
Trước nguy cơ hiện hữu, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định yêu cầu toàn bộ hệ thống chính quyền các cấp phải vào cuộc đồng bộ, triển khai ngay các biện pháp cấp bách theo quy định.
Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định yêu cầu UBND các huyện, thành phố phải huy động toàn lực, bố trí kinh phí mua hóa chất, vật tư để khoanh vùng, xử lý ổ dịch. Việc tiêu huỷ heo bệnh phải tuân thủ quy trình kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đồng thời, khẩn trương hỗ trợ người dân theo đúng quy định pháp luật để giảm thiểu thiệt hại, tránh tâm lý che giấu dịch
Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, bảo đảm kịp thời, chính xác số liệu dịch bệnh về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Môi trường) để có cơ sở chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Các huyện, thành phố trong tỉnh cần lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện công tác phòng, chống dịch. Người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh, trước pháp luật nếu thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo để dịch dịch tả heo châu Phi phát sinh trên diện rộng, gây thiệt hại lớn trên địa bàn quản lý.
"Không để việc sắp xếp tổ chức, bộ máy tại địa phương làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh", Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định nhấn mạnh.
Đặc biệt, công điện yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo dịch, mua bán, giết mổ, vận chuyển heo bệnh, vứt xác heo chết làm ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh.