Giá heo miền Bắc
Theo ghi nhận, giá heo hơi ở miền Bắc tăng rải rác 1.000 đồng/kg.
Cụ thể, các tỉnh Thái Nguyên, Hà Nam và Tuyên Quang cùng điều chỉnh giao dịch lên mức 68.000 đồng/kg.
Các địa phương khác trong khu vực không ghi nhận thay đổi mới về giá.
Giá giao dịch hôm nay tại miền Bắc dao động trong khoảng 66.000 - 68.000 đồng/kg.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Giá heo miền Trung-Tây Nguyên
Theo đó, giá giao dịch heo hơi tại Quảng Bình, Quảng Ngãi và Khánh Hòa được nâng lên chung mức 65.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với ngày hôm qua.
Cùng mức tăng trên, heo hơi tại Bình Thuận và Lâm Đồng đang được thu mua với giá tương ưng là 66.000 đồng/kg và 67.000 đồng/kg.
Hiện tại, giá thu mua heo hơi ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên trong khoảng 64.000 - 67.000 đồng/kg.
Giá heo miền Nam
Tại khu vực miền Nam, giá thu mua heo hơi tăng cao nhất 2.000 đồng/kg.
Hiện tại, các tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Vũng Tàu, Long An, Vĩnh Long, Kiên Giang, Sóc Trăng và Cà Mau điều chỉnh giá thu mua lên khoảng 65.000 - 67.000 đồng/kg tùy khu vực, tăng 1.000 đồng/kg.
Sau khi tăng 2.000 đồng/kg, thương lái tại Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ và Tiền Giang đang giao dịch heo hơi với giá 66.000 - 67.000 đồng/kg.
Giá heo hơi khu vực miền Nam dao động trong khoảng 64.000 - 67.000 đồng/kg.
Một số chuyên gia cho rằng giá heo hơi sẽ tiếp tục tăng mạnh do nguy cơ dịch bệnh diễn biến phức tạp và nguồn cung thiếu hụt trên thị trường.
Trước tình hình dịch tả heo châu Phi có chiều hướng gia tăng, các địa phương, lực lượng chức năng liên quan cần khẩn trương, kịp thời tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch hiện có, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức xử lý tiêu hủy heo mắc bệnh, nghi mắc bệnh, heo chết, chủ động triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác heo chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.
Ngành nông nghiệp, chăn nuôi cùng các địa phương khẩn trương hướng dẫn các hộ chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; rà soát, tổ chức tiêm vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn heo; thành lập các đoàn công tác tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; tăng cường thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của dịch tả heo châu Phi, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan, các biện pháp phòng dịch bệnh…
Có thể thấy, dịch tả heo châu Phi đang có chiều hướng diễn biến phức tạp. Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do dịch bệnh này gây ra thì ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, ngành chức năng, người dân cần nâng cao ý thức cũng như có phương án xử lý, đặc biệt là vấn đề chăn nuôi theo hướng an toàn, khép kín từ khâu chọn giống đến bảo quản thức ăn, báo Quảng Ninh đưa tin.
Khoảng 2 tháng nay, giá lợn hơi đang trên đà tăng mạnh, có thời điểm đạt 70.000 đồng/kg, đây là điều kiện thuận lợi để nhiều DN, cơ sở chăn nuôi tái đàn. Tuy nhiên, theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), hiện dịch tả heo châu Phi (DTHCP) vẫn là mối đe dọa thường trực với người chăn nuôi trong tỉnh, nguy cơ dịch bệnh xảy ra rất lớn nên việc tái đàn cần phải thận trọng và chỉ nên tái đàn khi thực sự bảo đảm an toàn.
Ông Hoàng Văn Dư, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Giang khuyến cáo, khi phát hiện có DTHCP, người chăn nuôi cần thông tin kịp thời cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y nơi gần nhất, tuyệt đối không giấu dịch.
Cùng đó, tổ chức tiêu hủy đàn heo nhiễm bệnh và các đàn heo xung quanh có nguy cơ nhiễm bệnh theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Khoanh vùng dịch, vùng đệm để áp dụng các giải pháp kỹ thuật cụ thể, phù hợp, thông tin từ báo Bắc Giang.