Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc
Cụ thể, tại tỉnh Hưng Yên giá heo hôm nay đạt mức cao nhất cả nước 66.000 đồng/kg.
Các địa phương như Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nội đang được thương lái thu mua ở mốc 65.000 đồng/kg.
Còn tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Ninh Bình, Hà Nam, Phú Thọ, Nam Định ở mức thấp hơn 64.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc đang dao động trong khoảng từ 64.000 - 66.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay 18/7/2023: Dao động từ 58.000 - 66.000 đồng/kg. Ảnh: Linh Nguyễn
Giá heo hơi tại miền Trung - Tây Nguyên
Cụ thể, các địa phương như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Bình Định, Lâm Đồng, Bình Thuận giá heo hôm nay ở mức 61.000 - 63.000 đồng/kg.
Cùng được thương lái thu mua heo hơi ở mốc 60.000 đồng/kg là các địa phương như Quảng Bình, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận. Còn tại tỉnh Đắk Lắk đang ở mức thấp nhất toàn miền 59.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Trung - Tây Nguyên đang dao động trong khoảng từ 59.000 - 63.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại miền Nam
Cụ thể, tại tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bà Rịa Vũng Tàu giá heo hôm nay đạt mức cao 62.000 - 63.000 đồng/kg.
Trong khi đó tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Cần Thơ, Cà Mau, Bạc Liêu đang được thương lái thu mua với mức 60.000 - 61.000 đồng/kg.
Tại tỉnh An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Trà Vinh ở mức 59.000 đồng/kg. Còn giá heo tỉnh Vĩnh Long đang ở mức thấp nhất cả nước 58.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Nam dao động trong khoảng từ 58.000 - 63.000 đồng/kg.
Hàng trăm hộ nuôi heo ở Tiền Giang chưa được hỗ trợ tiền tiêu hủy heo bệnh
Để khống chế dịch tả heo Châu Phi bùng phát, thời gian qua, các đàn heo ở tỉnh Tiền Giang bị bệnh này đều được vận động hộ nuôi chấp thuận tiêu hủy có kèm theo chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Tuy nhiên từ năm 2021 đến nay, hàng trăm hộ nuôi heo ở địa phương này đã tiêu hủy đàn heo bệnh nhưng chưa nhận được khoản hỗ trợ nào.
Ông Huỳnh Văn Trí, cũng như nhiều hộ nuôi heo ở xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang có đàn heo nhiễm bệnh dịch tả heo Châu Phi chấp nhận tiêu hủy theo đề nghị của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi. Qua hơn 2 năm chờ đợi nhưng vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ theo quy định.
“Dịch bệnh đến nay ai cũng vậy có được hỗ trợ gì đâu, chưa có nghe gì hết. Nhà nước hỗ trợ cho người dân mà để hoài không hỗ trợ đến nay mấy năm rồi. Tiêu hủy mà không hỗ trợ thì kẹt cho người dân quá. Bây giờ tiêu hủy mà không hỗ trợ thì tiêu hủy làm chi để mình bán được bao nhiêu được”, ông Trí bức xúc.
Qua thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 328 hộ nuôi heo bị nhiễm bệnh dịch tả heo Châu Phi đã tiêu hủy nhưng chưa nhận tiền hỗ trợ với tổng số tiền theo mức giá cũ trên 13 tỷ đồng. Không nhận tiền hỗ trợ kịp thời nên việc tái đàn heo của nông dân gặp khó khăn và có nguy cơ bán chạy đàn heo khi nhiễm bệnh mà không khai báo với chính quyền hay cơ quan thú y.
Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, nguyên nhân chưa chi tiền hỗ trợ cho các hộ dân có heo nhiễm bệnh dịch tả heo Châu Phi đã tiêu hủy là do từ ngày 1/1/2021 Quyết định của UBND tỉnh chi hỗ trợ cũ theo Nghị định 02 của Chính phủ ban hành ngày 9/1/2017 đã hết hiệu lực. Phía UBND tỉnh Tiền Giang đã có nhiều văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho ý kiến về vấn đề này nhưng đến nay vẫn phải chờ Nghị định mới của Chính phủ.
“Việc hỗ trợ bệnh dịch tả heo Châu Phi, ngành nông nghiệp rất quan tâm đã mời Sở Tài chính và các cơ quan có liên quan họp để bàn. Do sử dụng ngân sách nhà nước nên phải áp dụng đúng quy định của pháp luật. Phía ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh có rất nhiều văn bản kiến nghị Bộ NN&PTNT. Bộ đang lấy ý kiến của các Bộ, ngành Trung ương khi các Bộ ngành Trung ương cho ý kiến sẽ trình Chính phủ ra Nghị định hỗ trợ tiêu hủy dịch tả heo Châu Phi”, ông Nguyễn Văn Mẫn, cho biết thêm.
Tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân tỉnh Tiền Giang giữa năm mới đây, các đại biểu rất quan tâm vấn đề này và cho rằng trong thời gian chờ nghị định mới của Chính phủ, UBND tỉnh nên linh hoạt, chọn nguồn kinh phí trong thẩm quyền để chi hỗ trợ cho hộ dân có heo bệnh đã tiêu hủy qua nhiều năm qua. Vì một số địa phương khác đã thực hiện và không bị chậm trong việc hỗ trợ này.
Ông Phan Quang Châu, đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Về lâu dài nếu khi dịch xảy ra, vấn đề hợp tác, hỗ trợ của người dân dân với cơ quan nhà nước để phòng chống dịch sẽ khó khăn. Do đó, tôi đề nghị UBND tỉnh, Giám đốc Sở NN&PTNT, Sở Tài Chính nghiên cứu hỗ trợ cho người nông dân kịp thời, để nông dân an tâm sản xuất cũng như công tác phòng chống dịch thời gian tới được phát huy hiệu quả”.