Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc
Cụ thể, tại tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên giá heo hôm nay đồng loạt tăng 2.000 đồng/kg lên mức 61.000 đồng/kg và 62.000 đồng/kg. Còn tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc tăng nhẹ 1.000 đồng/kg, lần lượt đạt mức 61.000 đồng/kg và 62.000 đồng/kg.
Các địa phương như Tuyên Quang, Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình giá heo hơi đi ngang, hiện được thu mua với mức 60.000 - 62.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá heo tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định ở mức thấp hơn 59.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc đang dao động trong khoảng từ 59.000 - 62.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay 15/6/2023: Tiếp tục tăng 1.000 - 3.000 đồng/kg. Ảnh: Công Thắng
Giá heo hơi tại miền Trung - Tây Nguyên
Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng giá heo hơi tăng 2.000 đồng/kg lên mức 58.000 đồng/kg và 60.000 đồng/kg. Tại tỉnh Quảng Trị tăng nhẹ 1.000 đồng/kg lên 57.000 đồng/kg.
Các địa phương còn lại không thay đổi. Tại tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Thuận giá heo hơi đạt mức 58.000 - 59.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận ở mức 57.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Trung - Tây Nguyên đang dao động trong khoảng từ 57.000 - 60.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại miền Nam
Tương tự 2 miền trên, giá heo hơi hôm nay tại miền Nam tiếp tục tăng so với hôm qua. Cụ thể, tỉnh Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Vũng Tàu tăng 1.000 - 3.000 đồng/kg lên mức 60.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bình Phước, Hậu Giang, Kiên Giang giá heo hơi tăng 1.000 đồng/kg lên 59.000 đồng/kg. Tương tự, tỉnh Sóc Trăng cũng tăng 1.000 đồng/kg lên mức 58.000 đồng/kg.
Các địa phương còn lại không thay đổi. Tại tỉnh Long An, Bến tre giá heo hơi được thu mua với mức cao 60.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Cà Mau, Tiền Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu đạt mức 58.000 - 59.000 đồng/kg. Còn tỉnh Vĩnh Long giá heo ở mức thấp nhất toàn miền 57.000 đồng/kg.
Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Nam dao động trong khoảng từ 57.000 - 60.000 đồng/kg.
Dù đây là mức giá cao hơn giá thành sản xuất nhưng người chăn nuôi, hợp tác xã vẫn chưa yên tâm khi sức mua vẫn yếu. Và xét trên thực tế thì chăn nuôi theo quy mô hộ, trang trại nhỏ vẫn chưa có lãi từ những đợt tăng giá vừa qua.
Theo tính toán của các hợp tác xã, với quy mô trang trại nhỏ, các thành viên nuôi riêng lẻ, mức đầu tư cho một con heo (không tính thời gian nuôi heo giống) khoảng 4,7-4,8 triệu đồng. Trong khi, đối với các doanh nghiệp chăn nuôi theo hướng công nghiệp, chi phí chỉ ở khoảng 4,2-4,3 triệu đồng/con vì doanh nghiệp chủ động về nguồn thức ăn và trường vốn.
Ông Trầm Quốc Thắng, Phó Giám đốc hợp tác xã Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong (TP Hồ Chí Minh), cho biết nếu giá ở mức 59.000 - 60.000 đồng/kg, trang trại nào co kéo lắm mới lãi khoảng 200.000 đồng/con, vẫn chưa ăn thua gì vì trước đó thua lỗ kéo dài. Đặc biệt thị trường rất bấp bênh, lên xuống thất thường, trong khi sức mua còn yếu.
Trước thực trạng trên, không ít hộ chăn nuôi, thành viên hợp tác xã đã giảm quy mô, số lượng đàn để cắt lỗ như hợp tác xã Tiên Phong, nhiều thành viên đã giảm từ 30-50% số lượng đàn. Hay mỗi hộ thành viên hợp tác xã Chăn nuôi Thành Đạt (Hưng Yên) cũng không dám nuôi đến 100 con, trong khi trước đó, quy mô hợp tác xã lên đến 10.000 con. Bởi theo các hợp tác xã này, nếu thấy giá heo có xu hướng tăng mà đầu tư, tái đàn 100% thì không biết tương lai sẽ như thế nào bởi thị trường 4-5 tháng tới rất khó đoán định.
Nhiều hộ, hợp tác xã mạnh dạn giảm đàn thì cũng có những hợp tác xã còn băn khoăn về vấn đề này. Ông Trương Xuân Bính, Giám đốc hợp tác xã Minh Lộc (Hà Tĩnh), cho biết nếu tính cả nuôi heo giống đến lúc xuất chuồng thì người chăn nuôi cũng chỉ hòa vốn, thậm chí lỗ. Tiếp tục chăn nuôi thì chi phí cao, khó khăn để cân đối hoạt động của hợp tác xã. Trong khi đó, nếu cắt giảm đàn quá nhiều thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của thành viên, hợp tác xã về lâu dài.
“Thị trường hay xảy ra tình trạng lúc nhiều thì hiếm người mua dẫn đến mất giá, còn lúc nhu cầu thị trường lớn thì người dân, hợp tác xã lại không có heo để bán. Trong khi muốn nuôi được một con heo thịt đảm bảo chất lượng rất khó, phải mất mấy tháng trời. Còn nuôi heo nái thì phải dài ngày hơn”, ông Bính chia sẻ.
Có thể thấy, dù giá heo đã nhích tăng nhưng nông hộ, hợp tác xã chăn nuôi vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn do thua lỗ trước đó và không còn vốn để tái sản xuất.
Bên cạnh đó, sự lớn mạnh của các doanh nghiệp chăn nuôi nước ngoài không chỉ khiến các doanh nghiệp trong nước mà còn khiến các hợp tác xã, nông hộ chịu nhiều sức ép trên thị trường. Theo báo cáo của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), trong cơ cấu thịt heo, doanh nghiệp FDI chiếm đến 43%, hộ chăn nuôi chiếm 38%, doanh nghiệp nội chiếm 19%.
Theo các chuyên gia, nếu như trước đây, chăn nuôi theo hình thức nông hộ, hợp tác xã chiếm 60-70% và họ chính là đối tượng quyết định, có sức ảnh hưởng đến giá cả trên thị trường, nhưng nay thì mọi việc đã thay đổi. Đặc biệt, trước sức ép từ nhiều mặt như dịch bệnh kéo dài, chi phí đầu tư tăng cao, thị trường và giá cả bất ổn… đến nay, số hộ tham gia vào chăn nuôi heo đã giảm từ 10 triệu (2012) xuống còn khoảng 2 triệu hộ.
Có thể thấy, chăn nuôi theo quy mô nhỏ đã giảm và cho sản lượng thấp hơn chăn nuôi công nghiệp, nhưng cũng là sinh kế của nhiều người. Dù còn gặp khó khăn nhưng nhiều nhận định cho rằng, giá heo hơi sẽ tăng, chăn nuôi heo vẫn có nhiều triển vọng. Bên cạnh đó, thịt heo vẫn là nguyên liệu chính cho nhiều món ăn của người châu Á.