Cổ phiếu FMC được phân loại là MidCaps (vốn hóa thị trường từ 1.000 tỷ đồng đến 10.000 tỷ đồng). Dù nằm ở giữa bảng xếp hạng nhưng FMC lại nhận được sự “tín nhiệm” của thị trường và nhà đầu tư, thể hiện qua tính thanh khoản của mã cổ phiếu này rất tốt.
FMC sẽ khó chiếm “tình cảm” của nhà đầu tư, vì triển vọng tăng trưởng thấp |
Phiên giao dịch ngày 18/3 lại chứng kiến sự thay đổi theo hướng “tiêu cực” về nhận thức của thị trường và niềm tin của nhà đầu với cổ phiếu ngành thực phẩm. Chỉ tính nhóm cổ phiếu nằm trong “Top 10” thì đã có đến 6 mã giảm giá và 1 mã đứng giá. Còn nếu thống kê tất cả 55 mã cổ phiếu của ngành này có mặt trên sàn chứng khoán thì có tới 36 cổ phiếu “liệt” giao dịch, 14 mã giảm giá và chỉ 5 mã là tăng giá.
Trong đó, FMC là “điểm nhấn” lớn nhất trong phiên giao dịch buồn của đa phần cổ phiếu ngành thực phẩm hôm nay. Cổ phiếu này đã có 5 phiên giao dịch chìm trong “sắc đỏ”, dù trước đó FMC đang rất hưng phấn, với 4 phiên tăng điểm liên tiếp. Có lẽ tin đồn FMC phải “Giải trình chênh lệch Báo cáo tài chính kiểm toán 2018” với Sở giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) đã đến tai nhiều nhà đầu tư, khiến tâm lý của họ giao động và tăng lệnh bán trong 3 phiên liên tiếp. Đến ngày 15/3 vừa qua thì lo lắng của nhà đầu tư đã thành hiện thực. Thế là cổ phiếu FMC lại nối tiếp thêm một phiên mất điểm…
Trở lại với nội dung giải trình chênh lệch lợi nhuận sau thuế thay đổi 10% so với cùng kỳ (theo Thông tư số 155/2015/TT-BTC), FMC cho hay: Tổng lợi nhuận sau thuế năm 2018 của công ty tăng 62,57% so với cùng kỳ là có nguyên nhân từ việc công ty đã ký nhiều hợp đồng lớn, giá tốt ở thời giá nguyên liệu ở mức cao. Giá mua nguyên liệu trong năm biến động theo chiều hướng giảm dần đến đầu quý 3/2018 và tăng nhẹ vào những tháng cuối năm 2018. Đây là nguyên nhân chính làm tăng lợi nhuận, mức lợi nhuận tốt nhất từ trước đến nay.
Số liệu báo cáo kết quả kinh doanh thay đội 5% trước và sau kiểm toán Báo cáo kiểm toán tài chính năm 2018. Hai chỉ tiêu doanh thu hoạt động tài chính và chi phí tài chính sau kiểm toán đều bị giảm trên 9,4 tỷ đồng. Đây là khoản tiền chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ được bố trí lại bằng cách cấn trừ giữa doanh thu tài chính với chi phí tài chính.
Cổ phiếu thực phẩm, FMC “lao dốc” sau giải trình về lợi nhuận |
FMC hiện đang kinh doanh các lĩnh vực như: Chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản, nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ trong ngành chế biến. Nuôi trồng thủy sản. Mua bán lương thực, thực phẩm, nông sản sơ chế. Kinh doanh bất động sản. Kinh doanh dịch vụ khách sạn, ăn uống. Gieo trồng, sản xuất, xuất khẩu và tiêu thụ nội địa hàng nông sản.
FMC theo đuổi mục tiêu cụ thể là giữ vững uy tín thương hiệu, chất lượng sản phẩm, mở rộng sản xuất chiều rộng lẫn chiều sâu, chủng loại sản phẩm, nhằm đạt mức tăng trưởng 10-20%/năm về dài hạn, đứng “Top 5” doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản lớn nhất nước.
Kết quả kinh doanh năm 2018 của FMC cho kết quả: Doanh thu thuần đạt trên 3.800 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt trên 394 tỷ đồng, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt hơn 193 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp đạt trên 180 tỷ đồng. Cơ cấu tài sản năm 2018 của FMC có tài sản ngắn hạn đạt trên 1.187 tỷ đồng, tổng tài sản là hơn 1.495 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chiếm gần 689 tỷ đồng, nợ phải trả là trên 806 tỷ đồng, nợ ngắn hạn chiếm trên 798 tỷ đồng.
Các chỉ số về triển vọng phát triển công ty năm 2018 của FMC ghi nhận chỉ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) = 6.37 lần, thấp hơn nhiều so với chỉ số P/E trung bình ngành (23.8 lần). Chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) = 26% bằng với chỉ số ROE trung bình ngành nhưng chỉ số lợi nhuận trên tài sản (ROA) = 12% lại thấp hơn ROA trung bình ngành (17%)…
Khi nước ta gia nhập WTO, cạnh tranh về ngành thực phẩm sẽ tăng gấp bội. Các doanh nghiệp sẽ phải đối diện với thách thức về nguồn nguyên liệu chất lượng, đội ngũ nhân sự chất lượng, dây chuyền máy móc hiện đại và đặc biệt là nguồn vốn tài trợ cho các hoạt động sản xuất và kinh doanh.
FMC đặt mục tiêu lọt vào “Top 5” doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản lớn nhất nước. Ngoài ra, Công ty này còn “gánh thêm” các mục tiêu kinh doanh ngoài ngành khác như: Bất động sản, dịch vụ khách sạn, ăn uống. Câu hỏi ở đây là FMC sẽ lấy đâu ra nguồn vốn “khổng lồ” (lãi suất thấp) để tài trợ cho các dự án kinh doanh? Vì thế, có lẽ thị trường chứng khoán sẽ là kênh huy động vốn tối ưu nhất dành cho FMC. Nhưng quá khó để FMC chiếm được “tình cảm” của nhà đầu tư vào thời điểm hiện tại, khi mà chỉ số P/E còn rất thấp.
Chuyện giao dịch cổ phiếu tăng giảm là bình thường với các nhà đầu tư. Nhưng sau khi “làm rõ” chênh lệch lợi nhuận trong “Báo cáo tài chính kiểm toán 2018”, cổ phiếu FMC đã không tăng điểm mà còn mất điểm, bởi một số nhà đầu tư đã chuyển từ lo lắng thành… hành động.