Chợ An Đông nằm ở địa chỉ đường An Dương Vương (phường 9, quận 5, TP Hồ Chí Minh), là một trong ba chợ truyền thống cấp 1 có lịch sử lâu đời tại TP (cùng với chợ Bình Tây và chợ Bến Thành).
Theo đó, chợ An Đông được coi là khu chợ cung cấp sỉ thời trang lớn nhất tại TP, đồng thời là nơi cung cấp các mặt hàng thời trang cho các đại lý, cửa hàng bán lẻ của các tỉnh thành miền Nam như quần áo, vải vóc, giày dép, phụ kiện thời trang. Chính vì vậy nguồn hàng kinh doanh ở chợ An Đông tương đối phong phú, đa dạng, đặc biệt là mặt hàng quần áo. Hàng hóa ở đây có nguồn gốc từ nhiều nơi khác nhau bao gồm hàng Quảng Châu (Trung Quốc), hàng dệt may trong nước, hàng Nhật Bản, hàng Thái Lan,…với giá cả và chất lượng khác nhau. Đây là khu chợ được xây dựng tương đối rộng, khang trang và hiện đại rất thuận tiện cho khách lấy hàng.
Mới đây, trước tình hình ế ẩm nói trên tập thể tiểu thương chợ An Đông I đã làm đơn gửi các cấp lãnh đạo quận 5 xin được giảm 50% thuế hằng tháng 3 - 6 tháng (tính từ tháng 2/2020) cho toàn bộ tiểu thương ở chợ. Hiện tại, các tiểu thương tại chợ An Đông II cũng đang làm đơn xin giảm thuế gửi cơ quan chức năng. Chủ tịch UBND quận 5 cũng như Chi cục trưởng Chi cục thuế quận này đã gặp các tiểu thương chợ An Đông I và cho biết sẽ báo cáo lên cấp trên để xin ý kiến. |
Hiện nay, Chợ An Đông có hơn 4.000 tiểu thương đang kinh doanh trong 2.702 quầy sạp với doanh số luân chuyển hàng hoá khoảng 1.500 tỷ đồng/năm. Thế nhưng, theo phản ánh của hầu hết các tiểu thương, do ảnh hưởng dịch viêm phổi cấp Covid-19, từ sau tết đến nay hoạt động kinh doanh “tê liệt”, hàng hoá rơi vào tình cảnh ế ẩm chưa từng có.
“Trước đây, 10h sáng và 16h chiều là 2 khoảng thời gian chợ An Đông đón nhiều lượt khách đến mua sắm nhất. Kể từ khi virus Covid-19 xuất hiện, không khí mua sắm tại đây khá vắng vẻ, khách du lịch trong và ngoài nước không thấy đến, các bạn hàng lấy sỉ quần áo cũng biệt tâm không thấy bóng dáng. Còn tại khu ăn uống, những hàng ghế trống xếp dài nối đuôi nhau”, cô Mai (một thương lái lâu năm tại chợ An Đông) cho biết.
Anh Thuận, kinh doanh hàng nước tại chợ chia sẻ: “Không riêng gì quán của tôi, mà quán nào cũng vắng hết. Người bán nhiều hơn người mua, đây là hình ảnh chưa từng thấy trước đây. Mong sao sớm hết dịch chứ buôn bán kiểu này chán lắm. Cả ngày chỉ ngồi không bấm điện thoại nhìn vài người lác đác đi vào”.
Cũng giống Thuận, cô Tình tiểu thương tại chợ An Đông cho hay, lượng hàng hóa bán ra giảm tới 80% so với thời điểm trước khi xuất hiện dịch. "Nếu tình trạng này xảy ra trong thời gian dài chắc chắn chúng tôi sẽ phải cho nhân viên nghỉ việc, chứ cứ thế này e là không trụ nổi”, cô Tình nói.
Chị Hoà, một tiểu thương khác tại sạp vải ở chợ An Đông I cũng buồn rầu cho biết chưa bao giờ rơi vào cảnh buôn bán thê thảm như vậy trong 10 năm qua ở chợ này. Ngoài phần khách ở gần ngại tới chợ, nhiều khách là mối sỉ ở miền Bắc, miền Trung, miền Tây... cũng không liên hệ mua hàng vì ở tỉnh họ bán cũng không có nhiều người mua.
“Dịch Covid-19 khiến người dân không dám đến chợ mua hàng vì sợ tập trung đông người. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều ngành ngưng trệ cũng làm ảnh hưởng đến việc mua bán tại chợ của tiểu thương chúng tôi”, chị buồn bã nói.
Tuy nhiên, dù khó khăn là vậy chị Hoà cho biết thêm, chị và nhiều tiểu thương khác không chọn đóng cửa, bỏ sạp. Hàng ngày vẫn đến chợ mở quầy, ngồi nhìn nhau cầm cự, chờ đợi khách hàng quay trở lại.
Một số hình ảnh ghi nhận trong sáng hôm nay (25/2)