Những năm gần đây ngành thực phẩm chức năng (TPCN) thực sự là một ngành "hot". Từ số 13 doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng với gần 70 sản phẩm những năm 2000. Đến nay, đã lên tới hơn 2000 doanh nghiệp và hơn 10.000 sản phẩm khác nhau.
Trong thời gian gần đây, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các công ty gây bất lợi cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Căn nguyên của vấn đề này là do điều kiện để sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng của chúng ta hiện nay quá dễ dãi nên mọi cá nhân và tổ chức đều có thể tham gia. Mặt khác, việc xin giấy phép sản xuất, lưu hành, quảng cáo đều được thực hiện qua mạng internet nên giúp quá trình này càng trở nên dễ dàng.
Có thể nói, các sản phẩm thực phẩm chức năng, công ty kinh doanh thực phẩm chức năng đang mọc lên như nấm sau cơn mưa. Và theo tôi, khó khăn chính là ở chỗ cơ quan chức năng quản lý ngành nghề một cách lỏng lẻo làm xuất hiện nhiều hàng giả, hàng nhái hàng kém chất lượng, hàng quảng cáo thổi phồng công dụng từ đó đánh mất niềm tin ở người tiêu dùng.
Chúng tôi kiến nghị cơ quan chức năng bên cạnh việc tạo điều kiện thông thoáng trong khâu thủ tục hành chính cần siết chặt việc quản lý kiểm tra giám sát để giảm tình trạng “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay.
Theo quy định về quảng cáo, quảng cáo TPCN phải thẩm định nội dung. doanh nghiệp và cơ quan quảng cáo chỉ được quảng cáo nội dung đã được thẩm định. Tuy nhiên, thực tế có nhiều đơn vị quảng cáo sản phẩm chưa được thẩm định, không đúng nội dung thẩm định.
Bộ Y tế không quản lý nổi quảng cáo trên các trang tin mọc tràn lan. Được biết, theo thống kê có đến 53% vi phạm về TPCN liên quan đến quảng cáo, nhiều doanh nghiệp bị phạt nghiêm và rút giấy phép.
Quan điểm của doanh nghiệp chúng tôi là phải xử lý tất cả các vi phạm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo hành lang pháp lý bình đẳng để doanh nghiệp thực hiện tốt quy định về an toàn thực phẩm.