Thực phẩm chức năng tăng phi mã
Quy mô ngành sản xuất thực phẩm chức năng Việt Nam đã không ngừng tăng trong những năm gần đây, chứng tỏ thị trường này là mảnh đất màu mỡ cho các nhà sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh.
Thống kê mới nhất của Bộ Y tế, năm 2014, số lượng sản phẩm thực phẩm chức năng đăng ký mới của cả nước là 1.062, thì riêng 9 tháng đầu năm 2016, số sản phẩm đăng ký mới đã chạm con số 8.008, trong đó 4.855 sản phẩm sản xuất trong nước, và 3.153 sản phẩm nhập khẩu. Nếu như cách đây 10 năm, cả nước chỉ có 13 cơ sở sản xuất với 63 sản phẩm thực phẩm chức năng, thì đến năm 2016, đã có gần 4.000 doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu thực phẩm chức năng, trong đó có 837 cơ sở sản xuất trong nước với hơn 20.000 sản phẩm đã được công bố.
Thị phần thực phẩm chức năng Việt Nam hiện nằm trong tay một số doanh nghiệp lớn như Amway, Tiens Vietnam, Herbalife, Unicity Vietnam, Synergy, Aloe Trading… Mới đây, thị trường đón nhận thêm cái tên mới: Blackmores.
Đầu tháng 4/2017, Blackmores, Công ty sản xuất thuốc và thực phẩm chức năng lớn nhất Australia đã có buổi ra mắt thị trường Việt Nam thông qua lễ ký kết với Tập đoàn Mesa (Vệt Nam).Theo đó, Mesa sẽ chính thức thành nhà phân phối độc quyền dòng sản phẩm Chăm sóc Sức khỏe Cao cấp Blackmores tại Việt Nam.
Thị trường phình to, Bộ Y tế tìm đường siết chặt
Trước khi Blackmores vào Việt Nam thông qua Tập đoàn Mesa, thị trường trong nước đã không thiếu các sản phẩm của hãng này rao bán trên các trang thương mại điện tử, Facebook cá nhân với đủ mặt hàng và các mức giá. Việc Mesa độc quyền phân phối tại thị trường Việt Nam, các sản phẩm và dịch vụ y tế của Blackmores sẽ đến người tiêu dùng chính thống hơn.
Sự bùng nổ về quy mô thị trường thực phẩm chức năng đã tạo điều kiện để người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn sản phẩm chăm sóc sức khỏe, góp phần hình thành nên một thị trường đa dạng sản phẩm và một ngành nghề sản xuất kinh doanh có ợi nhuận lớn. Tuy nhiên, Bộ Y tế phải thừa nhận, tình trạng thực phẩm chức năng giả đang diễn biến phức tạp, gây khó khăn trong quản lý.
Tính đến tháng 10/2016, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã thực hiện thanh tra, phát hiện vi phạm và xử lý 88 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng với tổng số tiền phạt là 5,4 tỷ đồng. Nhiều vụ bắt giữ hàng giả đã được tiến hành, điển hình như vụ thu giữ 20 tấn thực phẩm chức năng giả, có nhiều thành phần không đúng như doanh nghiệp công bố tại Hà Nội và thu giữ 12 tấn thực phẩm chức năng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ tại TP.HCM.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, phần lớn các hàng giả, kém chất lượng được nhập từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Về đến Việt Nam được các cơ sở thay bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rồi tiêu thụ. Những sản phẩm giả này được bán ra với giá cao hơn hàng thật.
Trước sự “phình” to và bát nháo của thị trường thực phẩm chức năng, gây tổn hại tới người tiêu dùng và ảnh hưởng tới các nhà sản xuất, Bộ Y tế cho biết, Bộ này đang soạn thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định quy định điều kiện sản xuất, kinh doanh, công bố, quảng cáo và ghi nhãn thực phẩm chức năng nhằm quản lý hiệu quả sản phẩm này.