Tổ công tác đặc biệt thiết lập đường dây nóng 0976695965 và email totienphuongbct@moit.gov.vn tiếp nhận phản ánh, những vấn đề bức xúc của người dân liên quan đến tình hình cung ứng thực phẩm, hàng hóa...Ảnh: baotintuc.vn
Mở đường dây nóng, xử lý ngay vấn đề phát sinh
Tổ công tác có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ được giao, gồm: Nắm bắt sát diễn biến thị trường và nhu cầu hàng hóa thiết yếu của các tỉnh, thành phía Nam, nhất là các tỉnh thành đang áp dụng biện pháp giãn xã hội; Kết nối cung cầu hàng hóa thiết yếu trong và ngoài các địa phương phía Nam, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân trong vùng dịch; Thực hiện công tác điều tiết, cung ứng hàng hóa thiết yếu thông suốt tại các tỉnh, thành phố có dịch, với các địa phương khác; Phối hợp cùng lực lượng chức năng tại các địa phương đảm bảo lưu thông hàng hóa, chống hiện tượng găm hàng, tăng giá, ép giá, bán hàng kém chất lượng; Tổng hợp các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong cung ứng hàng hóa thiết yếu tại các tỉnh; tham mưu, đề xuất hướng xử lý để báo cáo Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phía Nam.
Tổ cũng thiết lập đường dây nóng qua số điện thoại 0976695965 và email totienphuongbct@moit.gov.vn để tiếp nhận phản ánh, những vấn đề bức xúc của người dân liên quan đến tình hình cung ứng thực phẩm, hàng hóa cũng như công tác quản lý thị trường, giá cả hàng hóa những mặt hàng thiết yếu…
Cùng với hệ thống siêu thị,việc mua sắm thiết yếu của người dân sẽ bớt căng thẳng khi mở lại một số chợ truyền thống. Ảnh: VietnamPlus
Sẽ mở lại nhiều chợ truyền thống
Trong chiều qua 19/7/2021, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công thương đã họp với Tổ Công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để cùng trao đổi cơ chế phối hợp cũng như các yêu cầu cấp bách để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Đoàn công tác đã có khảo sát, kiểm tra tình hình cung ứng hàng hóa cũng như công tác chống dịch tại các chợ Bình Thới trên đường Lạc Long Quân, phường 10, quận 11; chợ Hạnh Thông Tây trên đường Quang Trung, phường 11, quận Gò Vấp và Chợ Ba Bầu, trên đường Tô Ký, khu phố 3, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12.
Theo ghi nhận, tính đến ngày 17/7 toàn thành phố có 191/237 chợ tạm ngưng, trong đó có 3 chợ đầu mối và 188 chợ truyền thống. Một số chợ đã khôi phục hoạt động sau khi thực hiện các công tác phòng, chống dịch là chợ Bình Thới, chợ Nguyễn Tri Phương, chợ Phú Thọ. Mỗi chợ sẽ chọn một số tiểu thương có đủ năng lực tổ chức mô hình điểm bán các mặt hàng tươi sống, rau, củ, quả, thịt cá, để gia tăng các điểm cung ứng hàng hóa trên địa bàn.
Song song đó, Sở Công Thương đẩy mạnh triển khai mô hình bán hàng trực tuyến tại các chợ Phú Lâm, Minh Phụng, Bình Tây, Tân Hoà Đông, Nguyễn Văn Trỗi, Bàn Cờ, Bùi Phát, chợ Phạm Văn Cội, chợ Tân Phong, chợ Phước Thạnh... các địa phương dự kiến mở các điểm bán các mặt hàng tươi sống, rau, củ, quả tại chợ trong tuần sau, sau khi có kết quả xét nghiệm của tiểu thương và phương án hoạt động cđược duyệt. Cụ thể là chợ Kiến Thành tại quận Bình Tân ; quận 5 có chợ Xã Tây; quận 6 có 2 chợ là Phú Định và Minh Phụng; quận 8 có 2 chợ là Phú Lợi 1 và Phú Định; quận 10 có chợ Nhật Tảo; Bình Chánh có chợ Bà Lát, chợ Vĩnh Lộc A; Hóc Môn là chợ Hóc Môn; và 2 chợ dự kiến tại Nhà Bè.