Nếu áp dụng giá sàn vé máy bay nội địa, nhiều người dân sẽ không có cơ hội đi máy bay giá rẻ. |
Trước sự phát triển “nóng” của ngành hàng không thời gian qua, mới đây hai hãng hàng không Vietnam Airlines và Jetstar Pacific vừa có một đề xuất gây tranh cãi về áp mức giá tối đa khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng vé phổ thông trên các đường bay nội địa.
Cụ thể, Vietnam Airlines đề xuất giá vé hạng phổ thông thấp nhất cho một chuyến bay nội địa là 1,54 triệu đồng, cao nhất là 4,2 triệu đồng.
Trước Vietnam Airlines, Jetstar Pacific cũng kiến nghị Cục Hàng không áp dụng giá sàn từ 600.000 đến 1,2 triệu đồng tùy theo chặng bay.
Lợi bất cập hại
Kiến nghị của Vietnam Airlines và Jetstar Pacific ngay lập tức nhận nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận và các chuyên gia kinh tế.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc áp giá sàn vé máy bay theo đề xuất của một số hãng hàng không trong nước là không đúng luật, vi phạm nguyên tắc cạnh tranh thị trường và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội: “Theo Luật Hàng không dân dụng, vé hàng không dân dụng nội địa do Bộ Tài chính quy định giá khung, bao gồm cả trần và sàn, hiện sàn của nó là 0 đồng”.
Do đó, theo TS Nguyễn Minh Phong “giá sàn trên 0 đồng do doanh nghiệp đề nghị là không đúng luật”.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Trong môi trường cạnh tranh, giá vé càng rẻ và dịch vụ càng tốt thì càng có lợi cho người tiêu dùng. |
Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong nói thêm: “Trên thế giới không có sàn giá vé máy bay, chỉ có giá trần thôi. Nguyên tắc cạnh tranh là đặc trưng cơ bản của thị trường, phải có cạnh tranh để ngày càng hạ giá, hạ đến kịch kim”.
Vẫn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, quy định giá sàn vé máy bay như vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, ảnh hưởng trực tiếp tới động lực cạnh tranh cũng như tạo tiền lệ xấu cho các mặt hàng khác.
“Chắc chắn các mặt hàng khác tới đây cũng sẽ “noi gương” để mà tăng giá sàn, như vậy sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ, lạm phát và quyền lợi người dân cũng bị ảnh hưởng…”, tiến sỹ Nguyễn Minh Phong nói.
Cùng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc áp giá sàn vé máy bay tuyến nội địa là “không hợp lý” và quyền lợi người dân sẽ bị ảnh hưởng.
“Trong môi trường cạnh tranh, giá vé càng rẻ và dịch vụ càng tốt thì càng có lợi cho người tiêu dùng”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói.
Do đó theo ông Nguyễn Trí Hiếu “việc áp giá sàn như một số hãng đề xuất không phù hợp quy luật cung cầu của thị trường”. “Trừ trường hợp họ bán giá vé dưới chi phí để phá giá, phá thị trường thì không được chấp nhận. Còn khi hãng hàng không nào đó, giảm giá vé nhưng vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ, vẫn có lãi thì đó là điều đáng mừng”.
Dự định lập liên doanh tại Việt Nam, AirAsia gặp ngay 'đề xuất áp dụng vé máy bay giá sàn' (Tieudung24h.vn) - Hãng tin Bloomberg mới đây đưa tin AirAsia của tỷ phú người Malaysia Tony Fernandes đang có kế hoạch mở hãng bay tại Việt Nam thông qua liên doanh với doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, đề xuất của các hãng hàng không Việt Nam lên Bộ GTVT về giá sàn vé máy bay là một tin không vui với dự kiến gia nhập thị trường của AirAsia. |
Vừa đá bóng vừa thổi còi
Trên quan điểm cho rằng việc áp giá sàn vé máy bay như đề xuất của Vietnam Airlines và Jetstar Pacific là không hợp lý, giảm cơ hội người dân được tiếp cận với vận tải hàng không cũng như làm méo mó thị trường, tiến sỹ Nguyễn Minh Phong nói: “Tôi cho rằng tất cả những cái đó chỉ là đề nghị của doanh nghiệp, cơ quan quản lý không nên xem xét”. “Tốt nhất, Nhà nước quy định sàn là những tiêu chí, tiêu chuẩn tối thiểu về an toàn, về dịch vụ, về các chi phí khác của dịch vụ hàng không…từ đó cộng lại chính là giá tối thiểu”, tiến sỹ Nguyễn Minh Phong cho hay.
Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong phân tích, trường hợp cơ quan chức năng đồng ý với đề nghị của Vietnam Airlines và Jetstar Pacific có thể dẫn đến sự lẫn lộn “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
“Rõ ràng hai ý kiến góp ý thì một của doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, một Nhà nước nắm phần lớn cổ phần”, theo tiến sỹ Nguyễn Minh Phong.
Chiều 4/4, trả lời phóng viên về việc có kiến nghị cho áp giá sàn vé máy bay nội địa, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho hay trong quá trình tổ chức lấy ý kiến về việc quy định khung giá vé dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa hạng phổ thông trong giai đoạn mới, Bộ đã nhận được kiến nghị áp dụng giá sàn khác 0 đồng từ phía hãng Jestar Pacific.
“Bộ Giao thông Vận tải thấy cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi có quyết định về giá sàn trong khung giá mới”, đại diện Bộ Giao thông vận tải nói.
Vẫn theo vị này, hiện Bộ Giao thông vận tải đã giao cho Cục Hàng không Việt Nam chủ trì phối hợp với các hãng, các chuyên gia xem xét đánh giá toàn diện, đầy đủ các yếu tố liên quan. Trước khi có quyết định sẽ báo cáo xin ý kiến Chính phủ.
Cùng ngày, đại diện Cục Hàng không cho hay cơ quan này đang trong quá trình tiếp thu ý kiến góp ý vào dự thảo khung giá vé máy bay, việc đề xuất giá sàn là từ doanh nghiệp.
“Quyết định cuối cùng là do Bộ Giao thông vận tải”, đại diện Cục Hàng không nói.
Đề xuất áp giá sàn vé máy bay: Bộ Giao thông vận tải nói gì? (Tieudung24h.vn) - Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều ngày 3/4, đại diện Bộ GTVT lên tiếng về đề xuất điều chỉnh giá vé máy bay đang được dư luận quan tâm gần đây. |