Thông tin ban đầu, khoảng 1h30 rạng sáng 9/7, một thanh niên điều khiển chiếc ô tô 5 chỗ hiệu Mazda CX-5 biển số 81A - 14489, chở theo một người bạn, lưu thông trên đường Hoa Lan hướng từ đường Cù Lao ra đường Trường Sa.
Hiện trường vụ tai nạn (bên phải là chiếc xe gây tai nạn). |
Khi đến đoạn giao với đường Hoa Phượng (phường 2, quận Phú Nhuận, TPHCM), chiếc Mazda CX-5 tông mạnh vào chiếc taxi biển số 56M - 2568 do anh Nguyễn Minh Bảo (ngụ quận 1) điều khiển, chở theo khách nữ là chị Trần Huỳnh Hương (ngụ quận Phú Nhuận).
Cú tông mạnh khiến chiếc taxi bị lộn nhiều vòng, mắc kẹt tại cửa tầng hầm của một toà nhà.
Chị Hương và anh Bảo mắc kẹt bên trong xe taxi, được người dân giải cứu ra ngoài, chuyển vào bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên chị Hương đã tử vong. Anh Bảo đến giờ vẫn đang hôn mê.
Theo Công an quận Phú Nhuận, người điều khiển chiếc ô tô 5 chỗ gây tai nạn là nhân viên một khách sạn trên đường Hoa Sứ. Người này đã tự ý lấy xe của khách thuê phòng chở bạn và gây ra vụ tai nạn.
Sau khi vụ tai nạn này xảy ra, nhiều ý kiến thắc mắc liệu chủ khách sạn (nơi người điều khiển xe gây tai nạn làm bảo vệ) và chủ xe có vô can trong vụ tai nạn này?
Theo Luật sư Trần Đình Dũng (Trung tâm Tư vấn Pháp luật TP Hồ Chí Minh – Trung ương Hội Luật gia Việt Nam), việc anh bảo vệ khách sạn đã tự ý lấy ô tô của khách để chạy và gây ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến 1 người chết, 1 người bị thương như mô tả nêu trên sẽ bị Cơ quan Công an khởi tố tội danh “Vi phạm phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” được quy định tại điều 202 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung ngày 19/06/2009.
Trong vụ việc này có một chi tiết đáng lưu ý là bảo vệ tự ý sử dụng xe của khách lưu trú để sử dụng vào việc riêng (đi mua rượu) gây tai nạn. Tôi cho rằng, hành vi của anh bảo vệ là sử dụng trái phép tài sản người khác bởi anh ta được chủ sở hữu giao chìa khóa xe nhằm mục đích “di chuyển vào nơi giữ xe” được dễ dàng chứ không phải mục đích “sử dụng xe tham gia giao thông”. Sử dụng trái phép tài sản người khác mà gây tai nạn trong trường hợp này thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm bồi thường, chủ sở hữu chiếc xe vô can.
Đối với chủ khách sạn (nơi anh bảo vệ tự ý lái xe của khách gây tai nạn), cho khách thuê phòng và nhận giữ xe của khách. Vì vậy, chủ khách sạn trước hết phải thay nhân viên bảo vệ bồi thường việc sửa chữa chiếc xe cho khách hàng của mình (là khách hàng đến thuê phòng) và những thiệt hại khác (nếu có) liên quan đến việc sử dụng chiếc xe này của chủ xe. Sau đó, chủ khách sạn sẽ yêu cầu nhân viên của mình (là anh bảo vệ) bồi thường lại cho mình.
Theo điều 202 Bộ Luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung ngày 19/06/2009 thì Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ được quy định như sau: 1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: A) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định; B) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng; C) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; D) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; Đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. 4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. |