Tại hội nghị thường niên của công ty Huawei Developer Conference (HDC) 2020 tại Trung Quốc, Huawei tuyên bố đang chuẩn bị để chuyển đổi từ hệ điều hành Android – của Google sang HarmonyOS 2.0 do họ tự phát triển trên tất cả smartphone của hãng vào năm tới.
Hãng công nghệ Trung Quốc đã có ý định xây dựng một hệ điều hành riêng dành cho điện thoại từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, họ mới tập trung hoàn thiện cho HarmonyOS từ cuối 2019 sau khi Mỹ ra lệnh cấm các doanh nghiệp Mỹ hợp tác kinh doanh với Huawei. Để tuân thủ quy định, Google đã rút giấy phép sử dụng Android đối với Huawei, buộc hãng phải lên kế hoạch chuyển đổi
Điện thoại Huawei sẽ chạy hệ điều hành HarmonyOS từ năm 2021.
Ban đầu HarmonyOS là nền tảng được phát triển cho đồng hồ thông minh, tivi, hay thiết bị IoT, nhưng phiên bản HarmonyOS 2.0 triển khai cho cả điện thoại để đối phó những lệnh cấm từ Mỹ.
“Vào cuối năm nay, bộ công cụ phát triển ứng dụng (SDK) và chương trình mô phỏng HarmonyOS 2.0 bắt đầu có trên điện thoại thông minh. Năm tới, chúng ta sẽ thấy điện thoại thông minh chạy HarmonyOS 2.0”, CEO Richard Yu của Huawei khẳng định.
Được biết, hiện nền tảng này đã có 1,8 triệu nhà phát triển và 490 triệu người dùng đang hoạt động, hỗ trợ khoảng 96.000 ứng dụng.
Huawei đang xuất xưởng hàng chục triệu smartphone chạy Android mỗi năm. Do đó, việc chuyển sang HarmonyOS được đánh giá là bước ngoặt, tác động rất lớn đến tương lai của hãng trong việc phát triển điện thoại. Hãng đã vượt qua Samsung để dẫn đầu về doanh số smartphone trong quý II/2020.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích tỏ ra nghi ngờ về khả năng thay thế Android của Harmony, đặc biệt là ở các thị trường ngoài Trung Quốc, nơi nhiều người dùng coi ứng dụng của Google như YouTube và Gmail là điều hiển nhiên.
Bên cạnh việc bị mất nguồn cấp hệ điều hành từ Mỹ, Huawei cũng gặp khó khăn do Mỹ ngăn chặn nguồn nhập chip của họ.
Tháng trước, ông Yu công khai thừa nhận khả năng không thể xuất xưởng thiết bị cầm tay với chip Kirin cao cấp vào năm tới do lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ.
"Năm nay có thể đánh dấu thế hệ chip Kirin cuối cùng được xuất xưởng. Đây là tổn thất lớn với chúng tôi", ông Yu nói.
Theo giới truyền thông Hàn Quốc, từ 15/9 Samsung và SK Hynix sẽ ngừng bán chip cho Huawei. Nguồn cung màn hình của hãng công nghệ Trung Quốc cũng đứng trước nguy cơ thiếu hụt trầm trọng vì cả LG lẫn Samsung Display đều có thể dừng hợp đồng.
Trước đó, tập đoàn sản xuất chip bán dẫn Đài Loan TSMC cũng hủy giao dịch với Huawei sau khi thực hiện nhiều biện pháp hạn chế.