Việc uống nước mía trong thời kỳ mang thai không chỉ giúp các mẹ có đủ năng lượng chăm sóc thai nhi mà còn giúp cải thiện tình trạng thai nghén, làm đẹp da và phòng chống các bệnh vặt. Tuy nhiên, nhiều người lo sợ rằng: Hàm lượng đường có trong mía sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của mẹ và bé.
Thạc sĩ, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi - Viện phó Viện Dinh dưỡng Lâm sàng sẽ giúp các thai phụ hiểu rõ hơn tác dụng của nước mía đối với người mang thai; những lợi ích và lưu ý khi sử dụng nước mía.
Thai phụ uống nước mía có thể hạn chế tình trạng ốm nghén (ảnh minh họa)
Lợi ích của nước mía
Theo bác sĩ Tường Vi, thành phần dinh dưỡng của nước mía chủ yếu là đường. Trong 100ml nước mía có khoảng 12g đường. Ngoài ra, mía còn chứa nhiều loại vitamin A,B,C,… và các khoáng tố quan trọng khác như canxi, sắt, kali,.... Với giá trị dinh dưỡng trên, nước mía rất cần thiết đối với sức khỏe của mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi.
Giúp da dẻ hồng hào
Chất axit alpha hydroxyl trong nước mía hỗ trợ rất tốt việc cải thiện làn da. Do vậy, các vấn đề về mụn và sạm da ở mẹ bầu được ngăn ngừa đáng kể.
Hạn chế tình trạng thai nghén
“3 tháng đầu thai kỳ, phụ nữ mang bầu thường có biểu hiện buồn nôn, mệt mỏi,… Lúc này, chị em cần bổ sung nước mía giúp cơ thể khỏe mạnh, tinh thần thoải mái và hạn chế tình trạng buồn nôn. Vì vậy, ngoài bữa ăn chính, mẹ bầu có thể uống thêm nước mía tăng cường năng lượng, đặc biệt là khi mệt mỏi, nóng bức không ăn được nhiều”, bác sĩ Tường Vi cho hay.
Cải thiện sức đề kháng và phòng chống các bệnh vặt
Hàm lượng chất chống oxy trong nước mía giúp cơ thể cải thiện sức đề kháng và phòng chống bệnh vặt. Bên cạnh đó, chất chống oxy hóa còn giúp ngăn ngừa ung thư tuyến tiền liệt và ung thư vú rất hiệu quả.
Chống táo bón và tiêu hóa tốt
Bác sĩ Tường Vi cho biết, để cải thiện tình trạng táo bón trong thai kỳ, mẹ bầu có thể sử dụng nước mía. Bởi, trong nước mái có chứa một lượng kali nhất định có tác dụng chống táo bón và tiêu hóa rất tốt.
Bà bầu nên bổ sung bao nhiêu ml mía/ngày?
“Đối với bà bầu, khẩu phần ăn cần phải đa dạng thực phẩm, đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng để đáp ứng được sự phát triển của thai nhi. Nhất là, mẹ luôn khỏe mạnh để chuẩn bị cho sự chào đón bé yêu. Do đó, mẹ bầu có thể sử dụng nước mía là thực phẩm bổ sung”, bác sĩ Tường Vi nhấn mạnh.
Bác sĩ Tường Vi cho biết thêm, mỗi ngày, bà bầu không nên uống quá 1 ly nước mía. Bên cạnh đó, chị em cần bổ sung thêm vitamin và khoáng chất từ các loại rau xanh, hoa quả tươi.
Nhai mía cũng có thể làm giảm cảm giác buồn nôn, nhạt miệng cho chị em (ảnh minh họa)
Những lưu ý khi uống nước mía trong thai kỳ
Mặc dù, nước mía đem lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe của mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi. Nhưng, chị em mang bầu cần có những lưu ý khi sử dụng nước mía.
- “Trong 3 tháng đầu thai nghén, thai phụ khi đang buồn nôn, nôn không nên uống nước mía 1 hơi dài. Các mẹ bầu có thể chia thành 2 lần hoặc sử dụng mía khúc. Nhai mía cũng có thể làm giảm cảm giác buồn nôn, nhạt miệng cho chị em”, bác sĩ Tường Vi khuyến cáo.
- Khi cảm thấy triệu trứng buồn nôn diễn ra liên tục, bà bầu có thể cho 1 chút gừng tươi vào nước mía để hạn chế cảm giác buồn nôn.
- Không nên uống nước mía vào buổi tối và buổi sáng sớm. Vì nước mía có thể làm lạnh bụng khiến bà bầu cảm thấy khó chịu. Nếu cảm thấy buồn nôn nhiều, bạn có thể cho một ít gừng tươi vào nước mía có thể làm hạn chế cảm giác buồn nôn.
- Theo bác sĩ Tường Vy, những thai phụ tăng cân quá nhanh, có biểu hiện của đái tháo đường thai kỳ thì không nên sử dụng nước mía.
Ngoài ra, khi mùa hè đến, nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao. Vì vậy, mẹ bầu cần chắc chắn ly nước mía phải đảm bảo vệ sinh, sạch sẽ,…
TheoEva/tieudung24h.vn