Giấy phép “vô nghĩa”
Như Tieudung.vn đã thông tin trước đó, ngày 21/1/2020, trong đơn phản ánh gửi đến các cơ quan báo đài, bà Ngô Thị Kim Sang (SN 1990, Việt Kiều Mỹ) tố cáo Thẩm mỹ viện Hàn Quốc Gangwhoo (TMV Gangwhoo) “lừa đảo”, phủi bỏ trách nhiệm sau khi phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) hỏng.
Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và nha khoa Gangwhoo treo biển là "Thẩm mỹ viện Hàn Quốc Gangwhoo" là có đúng quy định?
Cụ thể, bà Kim Sang cho biết, ban đầu TMV Gangwhoo nhận thực hiện cho bà 3 dịch vụ, bao gồm: nâng mũi 6D, nâng ngực Nano, khép vành tai. Tin tưởng, bà Kim Sang đã đóng cho TMV Gangwhoo 105 triệu đồng chi phí thực hiện dịch vụ (98 triệu chuyển khoản, 7 triệu tiền mặt).
Đặc biệt, sau khi thực hiện dịch vụ nâng mũi 6D và khép vành, TMV Gangwhoo lại dắt bà Kim Sang sang Bệnh viện thẩm mỹ Emcas (BVTM) tại địa chỉ: 14/27 Hoàng Duy Khương, phường 12, quận 10, TP Hồ Chí Minh để nâng ngực.
Chính hành vi “bán khách” này của TMV Gangwhoo, đã khiến bà Kim Sang vô cùng bức xúc. Bà Sang cho rằng TMV Gangwhoo đã không trung thực trong suốt quá trình tư vấn và cung cấp dịch vụ.
Liên quan đến vụ việc nói trên, ngày 5/4/2020, TMV Gangwhoo đã có thông tin phản hồi đến Báo Kinh tế và Đô thị. Theo đó, cơ sở này thừa nhận, bà Ngô Thị Kim Sang có đăng ký làm đẹp tại Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ Gangwhoo 2 dịch vụ. Còn 1 dịch vụ do vượt quá phạm vi chuyên môn, TMV Gangwhoo đã giới thiệu sang đơn vị khác có đủ chức năng thực hiện.
“TMV Gangwhoo chỉ cung cấp các dịch vụ hỗ trợ hành chính, chăm sóc vệ sinh cá nhân, chăm sóc tâm lý và sức khỏe trước và sau phẫu thuật, giúp đóng tiền viện phí …. (Các dịch vụ chăm sóc hỗ trợ này chỉ áp dụng với những khách hàng có nhu cầu)”, TMV Gangwhoo nhấn mạnh.
TMV Gangwhoo thừa nhận "nâng ngực" là dịch vụ vượt chuyên môn mà cơ sở này được cấp phép.
Tuy nhiên, sự thật có như vậy?
Theo tìm hiểu của PV, ngày 8/1/2020, cũng với hành vi cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 62/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính TMV Gangwhoo, với tổng số tiền phạt 120 triệu đồng.
Quyết định xử phạt còn đang “nóng hổi” thì đến ngày 20/3/2020, ghi nhận của PV Báo Kinh tế và Đô thị lại cho thấy, TMV Gangwhoo vẫn “lén lút” tư vấn, và cung cấp dịch vụ PTTM ngoài giấy phép, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho người tiêu dùng.
Đáng chú ý, để hợp thức hoá cho hành vi nói trên, TMV Gangwhoo đã cố thòng phần “Lưu ý” bằng chữ rất nhỏ, ở cuối website “thammyviengangwhoo.vn” với nội dụng như sau: “Những dịch vụ như: nâng ngực, nâng vú; thu nhỏ quầng vú, núm vú; thu gọn thành bụng, mông, đùi; căng da mặt, mông, đùi; lấy mỡ cơ thể; âm đạo; môi bé; màng trinh sẽ được thực hiện tại các bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ - đơn vị đối tác của Thẩm mỹ viện Gangwhoo”.
Cụm từ “đơn vị đối tác” mà TMV Gangwhoo đang nhắc đến phải hiểu thế nào cho chính xác nhất? Đối tác ở đây có phải là Bệnh viện thẩm mỹ Emcas (BVTM), nơi TMV Gangwhoo “hợp tác” nâng ngực cho bà Ngô Thị Kim Sang thời điểm năm 2019 hay không?
Trao đổi với PV Báo Kinh tế và Đô thị, ông Lý Thuận – Người đại diện pháp luật của TMV Gangwhoo (tại địa chỉ 57, đường 3/2, phường 11, quận 10, TP Hồ Chí Minh) cho rằng, việc TMV Gangwhoo liên kết với bệnh viện để thực hiện các ca phẫu thuật có gây mê là quyền tự do của doanh nghiệp.
“Đó là hợp đồng dân sự của các doanh nghiệp, vấn đề là đơn vị hợp tác có chức năng đó hay không”, anh Lý Thuận nhấn mạnh.
Khi PV đặt câu hỏi, hợp tác trên danh nghĩa của TMV hay hợp tác trên danh nghĩa của một bác sĩ trong bệnh viện, thì ông Thuận khẳng định là hợp đồng hợp tác giữa hai doanh nghiệp. Trong trường hợp này, có thể hiểu đó là hợp đồng giữa TMV Gangwhoo và một Bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ.
Riêng về việc tư vấn, nhận khách và thu tiền, ông Thuận cho rằng đó là thoả thuận của 2 bên.
Phiếu tạm thu mà TMV Gangwhoo xuất cho bà Ngô Thị Kim Sang, cho thấy cơ sở này có thu tiền khách hàng dịch vụ nâng ngực Nano.
“Hợp tác giữa hai bên, thì bên nào thu tiền cũng được, đó là chuyện nội bộ giữa doanh nghiệp với nhau tự quyết, miễn sao đúng quy định của pháp luật. Bên anh liên kết với nhiều bệnh viện, và đó là quyền tự do của doanh nghiệp, không có nghĩa vụ phải cung cấp”, ông Thuận nói thêm.
Ngoài ra, ông Thuận cho rằng việc hợp tác giữa các doanh nghiệp như hình thức mà TMV Gangwhoo đang làm không phải báo cáo với Sở Y tế, vì Sở Y tế chỉ quản lý chuyên môn mà TMV thực hiện tại cơ sở, còn việc liên kết ở đâu thì Luật không cấm.
“Nếu Luật khám chữa bệnh ban hành một nghị định là cấm liên kết giữa các cơ sở y tế thì mới có chuyện để nói. Còn hiện nay, dù không cho phép nhưng cũng không có văn bản nào cấm liên kết cả…”, ông Thuận chốt vấn đề.
Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, tư vấn, cung cấp dịch vụ thẩm mỹ, đặc biệt là các ca PTTM có gây mê chính là cung cấp dịch vụ y tế. Các dịch vụ này đặc thù vì liên quan trực tiếp đến sức khoẻ, tính mạng của người tiêu dùng, nên không thể hiểu không cấm thì có quyền được làm.
Chưa kể, không cấm không đồng nghĩa với cho phép, vì thực chất một TMV (hay Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ) trước khi được chính thức hoạt động, thì ngoài việc cấp giấy phép, Sở Y tế còn phê duyệt “Danh mục kỹ thuật” kèm theo. Trong đó, “Danh mục kỹ thuật” sẽ liệt kê cụ thể các dịch vụ được phép làm. Một khi cố tình cung cấp dịch vụ ngoài danh mục, chính là đang hoạt động vượt phép.
Rõ ràng, Bệnh viện PTTM và Bệnh viện có chuyên khoa PTTM do Bộ Y tế cấp phép, là loại hình duy nhất hiện nay được thực hiện các phẫu thuật lớn, phẫu thuật gây mê, gây tê tủy sống,…
Song, mặc dù quy định là thế, nhưng chỉ cần có “hợp tác liên kết”; “đơn vị đối tác”…vô hình dung “giấy phép” trở nên “vô nghĩa”, vì các TMV vẫn có thể “nhúng tay” vào thực hiện các dịch vụ PTTM có gây mê bằng cách này hoặc cách khác (như: tư vấn, nhận khách, thu tiền, chăm sóc sau phẫu thuật…).
Và hiển nhiên, khi TMV tư vấn, nhận khách, thu tiền, sau đó lại dắt sang một BVTM để thực hiện phẫu thuật sẽ gây ra những nhập nhằng cho quyền và lợi ích của khách hàng khi rủi ro xảy ra.
Trường hợp bà Ngô Thị Kim Sang có đơn thư kiện cáo với TMV Gangwhoo là minh chứng rõ ràng nhất cho sự bất cập này.
Sở Y tế “bất lực”?
Nội dung Sở Y tế trả lời Báo Kinh tế và Đô thị về hoạt động của TMV Gangwhoo.
Liên quan đến những bất cập đã và đang xảy ra tại TMV Gangwhoo, ngày 15/4/2020, thông qua văn bản số 2150/SYT-VP Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thông tin cho biết, đối với việc liên kết của các cơ sở nêu trên (TMV Gangwhoo và BVTM Emcas) là hợp đồng hợp tác liên kết giữa các tổ chức, cá nhân với nhau. Tuy nhiên, các kỹ thuật chỉ được “Tư vấn” tại phòng khám phải được thực hiện tại các bệnh viện phải có chuyên khoa thẩm mỹ được Bộ Y tế phê duyệt danh mục kỹ thuật và có hợp đồng liên kết giữa 02 cơ sở. Ngoài ra, việc quảng cáo việc tư vấn này phải được Sở Y tế xác nhận nội dung quảng cáo theo quy định pháp luật.
Như vậy, trong trường hợp, Sở Y tế xác nhận nội dung quảng cáo cho các dịch vụ thẩm mỹ ngoài danh mục kỹ thuật được phê duyệt, thì việc quản lý các nội dung này sẽ như thế nào?
Còn trong trường hợp, nếu Sở Y tế không xác nhận nội dung quảng cáo cho các dịch vụ thẩm mỹ ngoài danh mục kỹ thuật được phê duyệt, thì việc TMV Gangwhoo làm “hợp đồng hợp tác liên kết” với Bệnh viện thẩm mỹ là sai quy định?...
Theo ghi nhận của PV, ngày 27/6/2020, trên website chính thức của TMV Gangwhoo, bên cạnh việc quảng cáo điều trị da và nha khoa, cơ sở này chỉ quảng cáo chức năng thực hiện thẩm mỹ mũi, thẩm mỹ mắt, thẩm mỹ khuôn mặt…không một chữ nhắc đến nâng ngực, căng da mặt, lấy mỡ cơ thể…Vậy Sở Y tế chưa xác nhận nội dung quảng cáo các dịch vụ này cho TMV Gangwhoo?
Sở Y tế chưa xác nhận nội dung quảng cáo, vậy thì TMV Gangwhoo đang dựa vào cơ sở nào để cho rằng đơn vị này được phép tư vấn, được phép liên kết với Bệnh viện thẩm mỹ thực hiện các ca PTTM có gây mê?
Ghi nhận của PV cho thấy, TMV Gangwhoo không phải là trường hợp duy nhất đang sử dụng phương thức hoạt động theo kiểu liên kết nói trên.
Còn nhớ, thời điểm tháng 9/2019, TMV Sophie (253A, Hoàng Sa, Tân Định, quận 1, TP Hồ Chí Minh) hợp tác với BVTM Emcas hút mỡ bụng một khách hàng nữ đang mang thai 4 tuần, gây hậu quả nghiêm trọng.
Hay như việc BVTM Emcas làm “hợp đồng hợp tác chuyên môn” với bác sĩ dùng chứng chỉ hành nghề giả để nâng ngực cho khách hàng. Hậu quả, 18/10/2019, sau ca phẫu thuật nâng ngực, khách hàng đã tử vong…
Không thiếu những bài học được đổi bằng chính “xương máu”, “sức khoẻ”, thậm chí “tính mạng” của người tiêu dùng, song những bất cập vì sao vẫn tồn tại? Lẽ nào Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đang bất lực trong công tác quản lý các cơ sở này?
Nhìn từ câu chuyện của TMV Gangwhoo để mở rộng hơn về những bất cập của thị trường thẩm mỹ tại TP Hồ Chí Minh, Tieudung.vn sẽ tiếp tục thông tin trong những bài viết sau.