Cà phê là thức uống được nhiều người yêu thích, không chỉ bởi hương vị nồng đậm mà quan trọng hơn, nó là một chất kích thích xung động thần kinh khiến chúng ta cảm thấy thoải mái, tỉnh táo và tập trung hơn. Thừa nhận đi, đã có không dưới đôi lần bạn phải tìm đến sự trợ giúp của tách cà phê giữa giờ làm việc đúng không?
Nhiều tín đồ cà phê có thể uống vài ba cốc cà phê một ngày. Tuy nhiên, không phải lúc nào cà phê cũng phát huy đúng tác dụng. Thời điểm uống vào chính là một trong số những nguyên nhân.
Thời điểm vàng khi uống cà phê
Trước 9h sáng
Rất nhiều bạn có thói quen uống cà phê vào sáng sớm cho tỉnh người, thậm chí có khi uống cà phê mà không ăn sáng. Trong khi đó, thời điểm buổi sáng sau khi thức dậy, các cơ quan trong cơ thể vẫn chưa hoạt động ổn định, hormone căng thẳng cortisol vẫn đang tăng cao.
Do đó, nếu bạn tiêu thụ ly cà phê vào lúc này sẽ có thể đẩy mức căng thẳng của cơ thể lên vượt mức. Cơ thể luôn trong trạng thái bồn chồn, hồi hộp, lo lắng nên sẽ khó tập trung hơn vào mọi việc bạn nhé.
10h – 11h 30 sáng
Nếu bạn là người thích uống cà phê thì có thể thưởng thức ngay 1 ly cà phê vào khung giờ này. Theo các chuyên gia thì khoảng 10 – 11h 30 là thời gian hormone căng thẳng giảm thấp nên rất an toàn cho bạn uống 1 ly cà phê. Đặc biệt, thời điểm này nhiều bạn thường bắt đầu mệt mỏi, uể oải và buồn ngủ sau 1 buổi làm việc, nên thưởng thức ly cà phê sẽ giúp bạn tỉnh táo đúng lúc hơn.
12h – 13h chiều
Đây là thời điểm mức cortisol trong cơ thể lại tăng cao, do đó bạn không nên uống cà phê vào lúc này. Đặc biệt, đây thường là khoảng thời gian để thưởng thức bữa trưa nên cũng không nên uống cà phê cùng bữa hoặc ngay sau bữa ăn. Vì cà phê có thể cản trở cơ thể hấp thụ chất sắt trong thực phẩm và có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu bạn nhé.
13h – 17h chiều
Sau 13h chiều thì hàm lượng cortisol bắt đầu giảm xuống. Do đó, nếu cảm thấy buồn ngủ, đầu óc lơ mơ thì bạn có thể uống cà phê vào khung giờ này. 1 ly cà phê có thể giúp bạn tỉnh táo, tập trung và hoàn thành công việc hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nếu bạn là người không quen uống cà phê thì chỉ nên uống trước 15h, đừng uống trễ quá có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ buổi tối nhé.
Sau 17h chiều
Đây là khung giờ bạn không nên uống cà phê. Bởi uống cà phê sau 17h có thể ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giấc ngủ. Caffein trong cà phê sẽ khiến cơ thể bạn nôn nao, bồn chồn, khó đi vào giấc ngủ cũng như ngủ sẽ không ngon.
Hậu quả dễ đoán được là ngày hôm sau bạn rất mệt mỏi, không thể hoàn thành tốt bất cứ việc gì. Do đó, đừng đánh đổi 1 ly cà phê bằng cả ngày quý giá bạn nhé. Sau 17h thì tốt nhất đừng nên uống cà phê.
Lưu ý khi uống cà phê
Tránh pha cà phê có nồng độ quá đặc
Một số người mải miết làm việc và học tập nên thường sử dụng những cốc cà phê đặc để kích thích tinh thần. Song, làm như vậy rất có hại cho sức khoẻ. Nếu uống những ly cà phê đậm đặc sẽ khiến tim đập nhanh, huyết áp cũng tăng và xuất hiện những hiện tượng khác thường như: nôn nóng, sốt ruột, bất an, ù tai và chân tay run. Với những người bị bệnh cao huyết áp, bệnh động mạch vành còn có thể dẫn tới những cơn đau thắt tim.
Không nên cho quá nhiều đường vào cà phê
Cho một lượng đường thích hợp vào cà phê khi uống sẽ làm tăng mùi vị cà phê. Mặt khác, khi uống cà phê có pha nhiều đường có thể làm kích thích các tế bào insulin trong tuỵ và tạng, đồng thời làm giảm lượng đường trong máu, từ đó khiến cho sự trao đổi đường trong cơ thể bị rối loạn.
Không nên để cà phê đã pha lâu
Cà phê đã pha để quá lâu có thể làm cho các chất thơm trong cà phê bị giảm và làm tăng vị đắng của cà phê.
Không nên đồng thời uống cà phê với rượu
Sau khi uống rượu xong mà lập tức uống cà phê sẽ khiến cho đại não hưng phấn quá độ, tiếp đó là thần kinh bị ức chế, kích thích sự giãn nở của huyết quản, tăng nhanh sự tuần hoàn máu, dẫn đến tăng gánh nặng cho tim, làm tổn thương sức khoẻ. Sự tổn thương này thậm chí còn vượt quá rất nhièu lần so với việc uống rượu đơn thuần.