Hàng giả tinh vi như hàng chính hãng
Dù phát triển mạnh mẽ nhưng phần lớn thị phần mĩ phẩm tại Việt Nam vẫn trong tay các doanh nghiệp ngoại. Trước những “cá mập” này, dù chất lượng sản phẩm đảm bảo nhưng các doanh nghiệp trong nước cũng rất chật vật chen chân để khai sinh và phát triển một sản phẩm. Tuy nhiên, các cơ sở làm nhái, giả chỉ cần trong phút chốc là có ngay sản phẩm y chang, được quảng bá rầm rộ không kém và lập lờ đánh lận con đen, lừa người tiêu dùng.
Khó quản lý, kiểm soát mỹ phẩm giả - ảnh minh họa. |
Bà Mã Thị Trung Dung, đại diện một doanh nghiệp mĩ phẩm chia sẻ: “Để ra đời được một sản phẩm phải nghiên cứu, thử nghiệm rất nhiều lần, rồi đầu tư nhà xưởng, nguyên liệu, thiết kế mẫu mã, bao bì… và xin chứng nhận từ cơ quan chức năng. Hơn nữa, việc đưa ra thị trường để cạnh tranh với hàng nghìn thương hiệu khác còn khó khăn hơn rất nhiều. Để tạo được chỗ đứng không hề đơn giản nhưng chỉ vì một số cơ sở làm giả, làm nhái, thương hiệu của sản phẩm bị ảnh hưởng nặng nề”.
Các thủ đoạn làm giả, nhái sản phẩm có thể kể đến như nhái mẫu mã một cách tinh vi, chau chuốt đến từng chi tiết nhỏ. Thậm chí, mã số mã vạch–barcode và QR code để check hàng cũng được làm giả theo; hoặc nhái bằng cách dùng tên gọi gần giống với hàng chính hãng, lập lờ lừa người tiêu dùng trong việc nhận diện thương hiệu; Thậm chí, mĩ phẩm giả còn có cả tem dán chống hàng giả của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), tem chính hãng khiến người tiêu dùng rất khó phân biệt… Những sản phẩm này được tung ra bán ở khắp các chợ, cửa hàng và rầm rộ, công khai trên nhiều website.
Theo một thống kê gần đây của Chi cục QLTT TP.HCM, trong tổng các vụ vi phạm về kinh doanh, sản xuất mĩ phẩm, mĩ phẩm giả hiệu chiếm đến 50%; hàng giả kém chất lượng 22%; giả kiểu dáng, nguồn gốc chiếm 17% và số còn lại là hàng nhập ngoại không hóa đơn chứng từ, nguồn gốc mập mờ.
Đương nhiên, những sản phẩm giả, nhái dạng này được bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với hàng chính hãng và chất lượng sản phẩm không được đảm bảo. Những hệ lụy về sức khỏe khi dùng sản phẩm này là điều có thể dự báo trước. Nhẹ thì mẩn ngứa, viêm da, sẹo, nặng thì nhiễm chì, ung thư…
Điều này tạo nên tâm lí chuộng hàng ngoại, lo sợ hàng nội. Nhiều chị em chấp nhận chi nhiều tiền hơn để mua mĩ phẩm xách tay từ nước ngoài để yên tâm. Tuy nhiên, chất lượng hàng hóa từ kênh xách tay vẫn là một dấu hỏi lớn và không hiếm sản phẩm gia công, pha trộn ngay trong nước vẫn được gắn mác xách tay. Thậm chí, cao tay hơn là nhiều doanh nghiệp nhập hẳn hàng giả được sản xuất từ nước ngoài về nước bán.
“Đừng nghĩ nước ngoài như Hàn, Nhật là không có hàng giả. Nhiều khi họ nhập hàng giá rẻ từ Trung Quốc và gắn mác Nhật, Hàn rồi người Việt Nam lại nhập về tiêu thụ”, một doanh nghiệp mĩ phẩm chia sẻ, đồng thời khẳng định không phải người tiêu dùng nào cũng có thể nhận ra sản phẩm thật - giả!
Theo ghi nhận của phóng viên, mặc dù Thông tư số 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế về quản lí mĩ phẩm đã chỉ rõ, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mĩ phẩm phải có giấy phép đăng kí kinh doanh; phải đáp ứng các nguyên tắc như đội ngũ nhân sự có kiến thức chuyên môn, có hệ thống quản lí, kiểm tra chất lượng đầy đủ, xây dựng nhà xưởng…; khi đưa sản phẩm ra thị trường phải được cơ quan quản lí nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mĩ phẩm…
Tuy nhiên, cơ quan chức năng chỉ quản lí được các loại mĩ phẩm có công bố và được cơ quan chức năng cấp phép, còn đối với mĩ phẩm trôi nổi, mĩ phẩm giả thì rất khó kiểm soát về chất lượng.
Doanh nghiệp chủ động trong việc chống làm giả
Bà Bùi Thị Thu Hà, TGĐ Công ty TNHH SX TM Mĩ phẩm thiên nhiên Mộc Hà Natural Care chia sẻ, là một doanh nghiệp trẻ, chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ thương hiệu để tạo lòng tin và uy tín cho người tiêu dùng. Vấn nạn hàng giả hàng nhái hàng kém chất lượng là những điều bất kì doanh nghiệp nào cũng có thể gặp phải. Vậy nên đối với thương hiệu MOCHA, chúng tôi luôn ủng hộ và phối hợp cùng với các cơ quan chức năng triệt phá các đường dây làm hàng giả hàng nhái mang thương hiệu của công ty.
Bà Bùi Thị Thu Hà, TGĐ Mộc Hà Natural Care trong lễ kí kết với các đối tác đến từ Nhật Bản |
Ngoài ra, bà Thu Hà cho biết thêm: “Doanh nghiệp phải rất vất vả, tốn nhiều công sức và tiền bạc để nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm, bỏ tiền đầu tư nhà xưởng, nguyên liệu, thiết kế mẫu mã, bao bì… và xin chứng nhận từ cơ quan chức năng. Sử dụng chất xám của đội ngũ chuyên gia cố vấn để loại trừ khả năng xuất hiện hàng giả hàng nhái đối với thương hiệu mình. Bên cạnh đó doanh nghiệp cũng phối hợp với các cơ quan chức năng, quản lý thị trường để ngăn chặn ngay từ đầu nguy cơ có thể phát sinh.
Ngoài ra, trong khuôn khổ hợp tác giữa MOCHA Group và đối tác công nghệ đến từ Nhật Bản, 2 bên xem trọng việc sản xuất hàng hoá tiêu chuẩn phù hợp điều kiện xuất khẩu và đặc biệt là áp dụng công nghệ cao vào việc loại bỏ triệt để vấn nạn hàng giả, hàng nhái. Đối với MOCHA, một thương hiệu mỹ phẩm đã có tên tuổi và mạng lưới phát triển rộng lớn tại việt nam, thương hiệu MOCHA được chính phủ bảo vệ độc quyền theo luật Sở hữu trí tuệ, kèm theo đó là việc hỗ trợ trực tiếp của các Chi cục QLTT tại các tỉnh thành trong cả nước. Phía đối tác Nhật Bản cam kết sẽ hỗ trợ MOCHA về các công nghệ mới nhất mà hệ thống các công ty mỹ phẫm của Nhật Bản đang sử dụng, qua đó bảo vệ tất cả các sản phẩm của công ty tại Việt Nam cũng như xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản..."
Về sự khó khăn trong phòng, chống hàng giả, bà Trần Bích Dương, Đội 3A Chi cục QLTT TP.HCM từng chia sẻ trên báo chí: Đội 3A đã tịch thu rất nhiều thuốc nhuộm tóc, kem dưỡng da nhập ngoại không nguồn gốc tại các chợ. Hiện nay mĩ phẩm giả trên thị trường rất phức tạp vì các quy định xử lí còn nhiều chồng chéo, nhiều điểm chưa rõ ràng. Một hành vi vi phạm có thể xử lí ở nhiều mức phạt khác nhau quy định trong các văn bản khác nhau nên khi áp dụng, cơ quan xử lí rất lúng túng. Thêm vào đó, việc quản lí in ấn lỏng lẻo dẫn đến việc các cơ sở dễ dàng đặt in nhãn mác giả.