Không khử trùng tay nắm cửa tủ lạnh, vòi nước
Tay nắm cửa tủ lạnh, vòi nước và tay cầm tủ chén là những vị trí mọi người thường bỏ sót khi vệ sinh. Không những phải lau chùi, khử trùng thường xuyên mà những vị trí này cần được đặt lên ưu tiên hàng đầu.
Ví dụ, khi bạn đang cầm một miếng thịt tươi và muốn rửa dưới vòi nước, điều đầu tiên bạn làm là chạm vào vòi nước. Thói quen này có thể khiến vi khuẩn trên miếng thịt dính lại trên đó. Những gì tương tự cũng có thể xảy ra với tay cầm tủ lạnh.
Do đó, cách tốt để thực phẩm không bị nhiễm mầm bệnh là phải vệ sinh các vị trí tay cầm cẩn thận và thường xuyên.
Để miếng xốp rửa bát ngâm quá lâu trong bồn
Một công trình nghiên cứu xuất bản năm 2017 đã chỉ ra một sự thật không ngờ, rằng miếng xốp rửa bát là mầm mống to lớn nhất, dơ bẩn nhất gây ra nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Đó chưa phải là toàn bộ câu chuyện. Michaeleen Doucleff - nhà khoa học, nhà báo đầy kinh nghiệm, đã có một cuộc trò chuyện với Jennifer Quinlan – nhà nghiên cứu vi sinh vật học thực phẩm, về vấn đề liệu rằng rửa miếng xốp có hoàn toàn tiêu diệt được những vi khuẩn gây hại hay không.
Nguyên tắc đầu tiên trong việc sử dụng miếng xốp đúng cách: Không bao giờ dùng chúng để chùi rửa nước thịt sống. “Thay vào đó, hãy dùng giấy để thấm khô rồi vứt giấy đi”.
Quinlan còn nhấn mạnh việc thay thế miếng xốp mỗi hai tuần. Thói quen này là chìa khoá cho việc duy trì vệ sinh căn bếp, ngoài việc chùi rửa mọi bề mặt mà thức ăn đã chạm qua.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, bằng cách đặt miếng xốp vào máy rửa chén ở chế độ sấy hoặc nhúng ướt chúng rồi cho vào lò vi sóng trong một phút sẽ phần nào giảm được lượng vi khuẩn tích tụ.
Nếu không ngại việc giặt giũ thì cách tốt hơn là thay miếng xốp bằng khăn rửa bát. Đơn giản là chỉ cần trữ một lượng khăn để dùng luân phiên, mỗi ngày dùng một chiếc mới và cho vào máy giặt khi đã dùng xong.
Chỉ lau mặt quầy bếp bằng nước
Chúng ta không nên chỉ lau sạch bề mặt quầy bếp bằng nước mà phải vệ sinh chúng. Hãy dùng xà phòng hoặc các loại chất tẩy rửa để loại bỏ vi khuẩn, virus, nấm và bụi bẩn, sau đó thì rửa sạch lại với nước.
Không giặt khăn lau chén
Không giặt khăn lau chén thường xuyên có thể khiến vi khuẩn tích tụ nhiều trên đó, cuối cùng là lây sang người.
Một nghiên cứu ở Mỹ phát hiện gần 50% số khăn lau chén được thu thập trong nghiên cứu có chứa vi khuẩn gây bệnh, chẳng hạn như vi khuẩn bệnh đường ruột E. coli. Số lượng vi khuẩn trong khăn lau chén có xu hướng nhiều hơn nếu gia đình đông thành viên hơn và có trẻ em.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng lưu ý là không nên lau khô tay bằng khăn lau chén hay sử dụng cùng chiếc khăn đó để lau nước hay bất kỳ vết bẩn nào trên mặt bàn.
Nhầm lẫn giữa chùi rửa và diệt khuẩn
Chùi rửa là động tác dùng nước xà phòng để tẩy đi các vết cáu bẩn và vụn thức ăn rơi vãi trên chén đĩa, dao, thìa và xoong nồi. Thao tác này rất quan trọng, nhưng chỉ mới là bước đầu tiên.
Kế đến, bạn cần xả lại chén đĩa dưới vòi nước chảy để loại bỏ hoàn toàn dung dịch tẩy rửa. Nước rửa chén nếu còn sót lại, ngoài việc làm ảnh hưởng đến vị giác, đến dạ dày, còn là một vấn đề lớn trong vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chúng ta không nhất thiết phải diệt khuẩn từng chiếc đĩa hay từng dụng cụ làm bếp, nhưng thao tác này rất cần thiết đối với thớt và các bề mặt tiếp xúc. Diệt khuẩn sau khi đã lau dọn sạch sẽ giúp cho gian bếp trở nên sạch sẽ và đảm bảo vệ sinh.
Tất cả những gì chúng ta cần, đơn giản là một thìa chất tẩy pha loãng với 3 lít nước, như vậy là đủ.