Nắng nóng kỷ lục tại miền Bắc những ngày qua khiến số lượng bệnh nhi đến khám tại BV Nhi TƯ tăng 10-15%.
Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc BV, mỗi ngày, khoa Khám bệnh tiếp nhận từ 3.200-3.500 bệnh nhi đến khám các bệnh sốt virus, tiêu chảy, viêm đường hô hấp... So với ngày thường, con số này tăng 200-300 bệnh nhi/ngày.
BS Trần Thu Thủy cho biết, trẻ em là nhóm đối tượng dễ chịu tác động của nắng nóng nhất. Với trẻ dưới 4 tuổi, tỉ lệ diện tích bề mặt cơ thể trên cân nặng cao hơn so với người lớn khiến lượng nhiệt hấp thu từ môi trường và lượng nhiệt sản sinh khi vận động đều cao hơn.
Do đó khi tham gia các hoạt động thể lực kéo dài dưới nắng nóng, cha mẹ cần đặc biệt lưu tâm đến 4 bệnh trẻ dễ mắc.
Mất nước
Với trẻ nhỏ, bệnh chủ yếu liên quan tới nắng nóng là mất nước. Trẻ bị mất nước khi lượng dịch thoát ra qua mồ hôi và nước tiểu lớn hơn lượng dịch uống vào.
Mất nước ở mức độ nhỏ, kể cả chỉ tương đương 2% cân nặng cũng có thể ảnh hưởng xấu tới trẻ. Mất nước làm giảm khả năng điều hòa thân nhiệt, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh do nắng nóng khác.
Các biểu hiện của mất nước:
• Môi khô, khát nước, tiểu ít hoặc không tiểu, nước tiểu cô đặc, sẫm màu.
• Khóc không có nước mắt.
• Quấy khóc, khó chịu.
• Có vẻ ủ rũ, lờ đờ, mệt mỏi.
• Trường hợp nặng, trẻ có biểu hiện: mắt trũng, thóp trũng, buồn nôn, nôn, lờ đờ hay hôn mê.
Xử trí: Nếu nghi ngờ bé bị thiếu nước, cần chuyển bé vào nơi thoáng mát, cho bé uống nước. Nếu bé không cảm thấy dễ chịu hơn thì cần tìm sự trợ giúp y tế.
Đề phòng mất nước, cần cho trẻ uống đủ nước lọc, tránh các loại nước có cồn vì chúng càng làm gia tăng tình trạng mất nước.
Khi hoạt động thể lực trong môi trường nóng bức, trẻ có thể uống 0,5-1 lít nước mát mỗi giờ.
2. Say nắng (sốc nhiệt)
Đây là bệnh nghiêm trọng nhất do nắng nóng. Cơ thể sẽ không còn khả năng kiểm soát nhiệt độ, không thể tự làm mát. Trong 10-15 phút, thân nhiệt có thể tăng nhanh tới 39,5 hoặc cao hơn.
Thân nhiệt quá cao có thể gây tổn thương cho não và các cơ quan quan trọng khác. Trẻ có thể tử vong hoặc tàn phế vĩnh viễn nếu không được cấp cứu kịp thời.
Các dấu hiệu cảnh báo:
• Thân nhiệt lên cao (trên 39,5 độ C)
• Da nóng, đỏ và khô (không ra mồ hôi)
• Mạch nhanh, mạnh
• Đau đầu dữ dội
• Chóng mặt
• Buồn nôn
• Mê sảng
• Mất ý thức
Xử trí: Cần nhờ người gọi xe cấp cứu trong khi tìm cách hạ thân nhiệt của trẻ; chuyển trẻ tới khu vực râm mát.
Nhanh chóng hạ thân nhiệt của trẻ bằng bất cứ biện pháp nào, có thể dùng vòi hay xô nước mát xối lên người, dùng khăn ướt lau người… Nếu độ ẩm không khí thấp, cần bọc trẻ trong một tấm vải ướt và mát rồi quạt thật mạnh.
Theo dõi thân nhiệt và tiếp tục các biện pháp làm mát cho tới khi nhiệt độ xuống còn 38,5 hay 39 độ C.
3. Chuột rút do nóng
Chuột rút do nóng là tình trạng đau cơ hay co cứng cơ, thường xuất hiện ở vùng bụng, cánh tay hay cẳng chân, khi vận động quá mức trong thời tiết nóng. Trẻ hay vã mồ hôi nhiều khi hoạt động mạnh dễ bị chuột rút.
BS Thủy phân tích, ra mồ hôi nhiều khiến cơ thể mất nước và muối, hàm lượng muối thấp là nguyên nhân khiến cơ co rút đau đớn. Chuột rút do nóng cũng có thể là biểu hiện của kiệt sức do nóng.
Trời nóng, cần cho trẻ uống đủ nước lọc. |
Xử trí: Ngừng hoạt động thể lực và ngồi yên ở nơi râm mát; uống nhiều nước.
Tiếp tục ngừng hoạt động thể lực mạnh trong vòng vài giờ sau khi hết bị chuột rút để tránh rơi vào kiệt sức hay say nắng.
Sau 1 giờ nếu không cải thiện cần nhờ trợ giúp y tế.
4. Kiệt sức do nóng
Các dấu hiệu cảnh báo: Vã mồ hôi như tắm, người nhợt nhạt, chuột rút, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, nôn, ngất; da lạnh và ẩm ướt; mạch nhanh và yếu; thở nhanh và nông.
Xử trí: Nếu không được điều trị, kiệt sức vì nóng có thể tiến triển thành say nắng. Cần tìm trợ giúp y tế nếu tình trạng này không tiến bộ sau 1 giờ.
Giúp trẻ hạ thân nhiệt bằng các biện pháp: cho uống nước mát, tắm nước mát, lau người bằng khăn mát, đưa trẻ tới nơi có quạt mát, điều hòa, mặc quần áo nhẹ nhàng, thoáng mát.
Ngồi quạt không giúp ngừa bệnh do nắng nóng BS Thủy lưu ý, quạt chỉ có tác dụng khiến trẻ bớt nóng, nhưng không giúp ngừa bệnh do nắng nóng khi nhiệt độ quá cao, do quạt chỉ giúp đẩy không khí chạy quanh nhưng không làm nguội không khí. Do đó tắm nước mát hoặc chuyển vào nơi có điều hòa sẽ giúp trẻ hạ thân nhiệt hiệu quả hơn. Ở trong phòng có điều hòa vài giờ mỗi ngày cũng giúp làm giảm nguy cơ bị bệnh do nắng nóng. |