Na, hay còn gọi là mãng cầu ta, có mùi vị thơm ngon đặc biệt, thịt quả mềm ngọt, ngon, được nhiều người ưa dùng với tác dụng bồi bổ sức khỏe, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
Trong na có chứa dồi dào vitamin C, kali, chất xơ, carbohydrates và một số vitamin và khoáng chất thiết yếu rất có lợi trong việc bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể.
Quả na chứa tới 72% glucose, 14,52% saccharose, 1,73% tinh bột, 2,7% protid và, thành phần dinh dưỡng trong 100g thịt na bao gồm:
Năng lượng: 64kcal; nước: 82,5g; protein 1,6g; gluxit: 14,5g; xenluloza: 0,8g; canxi: 35mg; phốt pho: 45mg; vitamin C: 36mg. Ngoài ra trong na chứa rất nhiều vitamin nhóm B tốt cho sức khỏe.
Quả na có rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, như: tốt cho hệ tiêu hóa, ổn định hệ tim mạch, giúp giảm cân, chống lại bệnh ung thư, tốt cho phụ nữ mang thai… nhưng không phải mọi đối tượng đều có thể ăn na thỏa thích.
Không cắn vỡ hạt na khi ăn
Hạt của qủa na thể dùng để làm thuốc chữa bệnh nhưng lại có độc tố cao. Vì vậy khi ăn nên cẩn thận, nếu sơ ý nuốt phải hạt thì không sao vì hạt na có vỏ dày và cứng bao bọc, còn nếu cắn vỡ hạt na thì độc tố trong nhân hạt na rất dễ phát huy tác dụng, gây hại cho cơ thể.
Không ăn na còn ương
Sử dụng những quả na chưa chín kĩ hoặc chín nẫu đều không tốt. Trong na chín nửa chừng có chứa chất Tannin, khi chất này kết hợp với thức ăn hàng ngày sẽ tạo ra những hợp chất khiến cho hệ tiêu hóa bị ứ đọng, khiến bạn bị táo bón khó tiêu.
Người tiểu đường không ăn nhiều
Đối với người mắc tiểu đường, đặc biệt là phụ nữ mang thai có tiền sử bệnh tiểu đường thì không nên ăn nhiều na bởi trong na có hàm lượng đường tương đối cao.
Cảnh giác với giòi trong quả na
Với những quả na vỏ có nhiều vẩy trắng, nhiều vết nứt nẻ, ở các vết đó có dấu hiệu chảy nước thì tuyệt đối không nên ăn. Đặc biệt những quả na có mắt thâm đen, cứng, khi ăn cần cảnh giác vì sẽ không ngon, vị ủng hoặc đa số là có giòi.