Bộ Y tế cho biết cơ quan này đang làm việc với các đối tác thực hiện nhập khẩu vaccine ngừa Covid-19 để sớm đưa vaccine này về Việt Nam phục vụ người dân. Dự kiến, lô vaccine đầu tiên sẽ về đến Việt Nam vào cuối tháng 2/2020. Số vaccine Covid-19 này sẽ bao gồm cả vaccine Việt Nam đặt mua và vaccine được viện trợ.
Nguồn vaccine viện trợ được nhận đợt đầu khoảng 25-30%/tổng số 4,8-8,2 triệu liều. Hiện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) là đơn vị được giao xây dựng kế hoạch sử dụng vaccine.
Ngoài việc đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất vaccine ngừa Covid-19 do các đơn vị trong nước sản xuất, Bộ Y tế cũng sẽ thực hiện việc xã hội hóa và huy động các nguồn lực để phục vụ việc cung cấp vaccine phòng bệnh Covid-19 một cách nhanh nhất, rộng nhất.
Hiện nay, nguồn cung cấp vaccine ngừa Covid-19 còn hạn chế, các nhóm đối tượng cần tiêm vaccine phòng Covid-19 sắp xếp theo mức độ ưu tiên theo tình huống dịch và trong bối cảnh nguồn vaccine cung cấp hạn chế tại Việt Nam bao gồm: nhân viên y tế, nhân viên tham gia phòng chống dịch (Ban chỉ đạo các cấp, nhân viên của các khu cách ly, phóng viên…), nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; lực lượng quân đội, công an; giáo viên, người trên 65 tuổi; nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước; những người mắc các bệnh mạn tính; người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài; người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ. Theo Bộ Y tế, việc tiêm chủng cũng được khuyến cáo đối với những người có bệnh lý nền, bao gồm béo phì, bệnh tim mạch, hô hấp, đái tháo đường.
Nên ưu tiên tiêm vaccine cho nhân viên y tế có nguy cơ phơi nhiễm cao và những người từ 65 tuổi trở lên.
Phạm vi triển khai tiêm vaccine là trên cả nước. Mức độ ưu tiên từ nguy cơ cao đến nguy cơ thấp hơn. Nguyên tắc của việc lựa chọn đối tượng triển khai nhằm bao phủ được nhiều đối tượng và đạt tỷ lệ tiêm chủng cao thì càng hiệu quả, đảm bảo việc tiếp cận công bằng cho người dân.
“Người từng mắc Covid-19 cũng có thể nên tiêm vaccine. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn cung vaccine hiện tại, những người này có thể trì hoãn việc tiêm vaccine đến 6 tháng kể từ lúc bị nhiễm SARS-CoV-2”, một chuyên gia khuyến nghị.
Theo vị chuyên gia này, phụ nữ đang cho con bú có thể tiêm chủng nếu họ thuộc nhóm được ưu tiên. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không khuyến cáo ngưng cho con bú sau khi tiêm vaccine. Vị chuyên gia cho rằng, một đối tượng nữa cần ưu tiên là người sống ở nơi đã, đang xuất hiện dịch Covid-19. Trong khi đó, người dưới 18 tuổi, người có tiền sử dị ứng nghiêm trọng với bất kỳ thành phần nào của vaccine không nên dùng.
Sau một thời gian Công ty Cổ phần vaccine Việt Nam (VNVC) mở hệ thống ở hơn 50 trung tâm cho người dân đăng ký để đặt hàng tiêm vaccine ngừa Covid-19, ngày 19/2, đại diện VNVC cho biết, hiện nơi đây đã ngưng đăng ký. Công ty thông báo, theo chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Y tế về thứ tự ưu tiên người được tiêm vaccine Covid-19, VNVC tạm dừng nhận đăng ký vaccine; khi có kế hoạch chi tiết, VNVC sẽ thông báo đến khách hàng. “Các khách hàng đã đăng ký tiêm chủng vaccine Covid-19 vui lòng theo dõi hộp thư điện tử hoặc tin nhắn để cập nhật thông báo mới từ VNVC”, công ty thông báo.