Nguyên nhân và triệu chứng
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet
Môi dễ bị cháy nắng và tổn thương do ánh nắng mặt trời, có thể gây đau và tăng khả năng phát triển ung thư da.
Theo tạp chí Health, đôi môi của bạn có nhiều khả năng bị cháy nắng hơn nếu bạn không bảo vệ chúng bằng các sản phẩm có SPF.
Tiến sĩ Debra Jaliman, bác sĩ da liễu tại New York (Mỹ), cho biết nhiều người có thói quen liếm môi, vì vậy, họ liếm sạch kem chống nắng.
"Một số người không bôi kem chống nắng vì họ có son môi hoặc son bóng và không muốn tẩy đi, nhưng các tia UV có hại sẽ xuyên qua sản phẩm này nếu nó không có khả năng chống nắng. Vì vậy, son dưỡng môi có SPF nên là một phần thiết yếu trong thói quen của bạn", tiến sĩ Debra chia sẻ với Health.
Tiến sĩ Sudheendra G Udbalker, chuyên gia tư vấn Da liễu, Bệnh viện Fortis, Bengaluru (Ấn Độ), nói với Healthshots nhiều người không nhận ra môi có thể bị cháy nắng và lầm tưởng đó là nứt nẻ. Nhưng 2 tình trạng này hoàn toàn khác nhau.
Môi nứt nẻ thường là kết quả của việc mất nước, điều kiện thời tiết khắc nghiệt hoặc liếm môi quá nhiều, sử dụng một số loại thuốc và tình trạng bệnh lý. Môi nứt nẻ cũng có thể dẫn đến tình trạng viêm môi.
"Trong khi đó, đôi môi bị cháy nắng thường do tiếp xúc với tia UV có hại của mặt trời mà không được bảo vệ, có thể dẫn đến đau, sưng tấy và bong tróc", chuyên gia này cho hay.
Các triệu chứng khi môi bị cháy nắng bao gồm:
Môi đỏ hơn bình thường
Môi sưng lên
Da môi đau nhức khi chạm vào
Phồng rộp trên môi. Các vết phồng có màu trắng và chứa dịch (trường hợp cháy nắng trung bình đến nặng).
Môi bị cháy nắng nhẹ thường kéo dài 3-5 ngày.
Điều trị môi bị cháy nắng như thế nào?
Môi bị cháy nắng có thể được điều trị bằng thuốc mỡ làm lành và làm mát. Một số biện pháp truyền thống bạn có thể sử dụng để chữa cháy nắng trên cơ thể có thể không tốt khi sử dụng trên môi. Có khả năng bạn có thể ăn những gì bạn thoa trên môi.
Uống nhiều nước
Giữ nước là điều quan trọng để duy trì làn da và đôi môi khỏe mạnh. Uống nhiều nước có thể giúp giảm khô và viêm, đồng thời thúc đẩy quá trình lành bệnh. Đặc biệt, trong những tháng hè nóng nực, uống đủ nước không chỉ giúp bạn duy trì lượng nước cần thiết cho cơ thể mà còn cấp ẩm cho đôi môi.
Chườm lạnh
Chuẩn bị một chiếc khăn mềm trong nước lạnh và đặt lên môi để giảm cảm giác nóng rát trên môi. Nhúng khăn vào nước đá cũng có thể là lựa chọn tốt, tuy nhiên cần tránh chườm trực tiếp khăn này lên môi vì bạn có nguy cơ bị bỏng lạnh.
Nha đam
Gel làm dịu từ cây lô hội có thể giúp giảm đau do cháy nắng ở môi hay bất cứ vùng nào bị cháy nắng trên cơ thể. Lưu ý, nếu không có cây lô hội tự nhiên bạn có thể thay thế bằng các loại kem chiết xuất 100% lô hội để tránh kích ứng.
Thuốc chống viêm
Sử dụng thuốc chống viêm có thể giúp giảm đau và các vết mẩn đỏ do cháy nắng chẳng hạn như ibuprofen để giảm đau từ bên trong. Nhưng tốt nhất, hãy hỏi ý kiến bác sĩ khi bạn có ý định sử dụng bất kì một loại thuốc nào để tránh gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn.
Kem dưỡng ẩm
Bổ sung độ ẩm cho làn da bị kích ứng có thể giúp làm dịu và bảo vệ da trong khi da lành lại.
Ngoài ra, khi tự điều trị môi bị cháy nắng tại nhà bạn cần tránh các sản phẩm có chứa hợp chất đuôi "-caine" chẳng hạn như lidocaine hay benzocaine bởi chúng có thể gây kích ứng hay các phản ứng dị ứng trên da không mong muốn. Hoặc bất kì loại kem nào ngăn việc thoát nhiệt từ vết cháy nắng trên da.
Cuối cùng - và điều quan trọng - tránh ánh nắng mặt trời cho đến khi môi bạn lành hẳn. Khi ra ngoài, hãy nhớ thoa son môi có chỉ số SPF cho môi và đội mũ rộng vành để đảm bảo an toàn.